Cuộc chạy đua thâu tóm mảng hoạt động của TikTok ở Mỹ đang trở nên gay cấn hơn với sự nhập cuộc của Walmart khi tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới đánh tiếng sẽ cùng Tập đoàn công nghệ Microsoft tham gia đàm phán thương vụ này.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ của Walmart dường như chẳng liên quan với TikTok, một ứng dụng tạo và chia sẻ video hát nhép và nhảy nhót, thiên về giải trí. Song các chuyên gia cho rằng nếu sở hữu TikTok, Walmart sẽ có lợi thế lớn để phát triển mảng quảng cáo trực tuyến và nền tảng bán hàng dành cho bên thứ ba, tăng sức cạnh tranh với Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.
Cú bắt tay giữa Walmart và Microsoft
Hôm 27-8, Walmart thông báo đang hợp tác với Microsoft để chào mua mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Thông báo có đoạn: “Chúng tôi tin rằng TikTok có thể cung cấp cho Walmart cách thức quan trọng để chúng tôi tiếp cận và phục vụ khách hàng đa kênh cũng như phát triển nền tảng bán hàng trực tuyến dành cho bên thứ ba và mảng kinh doanh quảng cáo. Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa Walmart và Microsoft sẽ đáp ứng các kỳ vọng của người dùng TikTok tại Mỹ đồng thời giải tỏa lo ngại của các cơ quan quản lý Mỹ”.
Quyết định của đại gia bán lẻ Walmart gia nhập vào cuộc đua tranh mua lại TikTok là một bất ngờ và diễn ra giữa khi nhiều bên đang quyết liệt ngã giá đối với TikTok, vốn đang đối mặt với lệnh cấm hoạt động ở Mỹ vào tháng sau do các mối lo ngại an ninh.
ByteDance (Trung Quốc), công ty mẹ của TikTok, đang ra giá 30 tỉ đô la cho mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ nhưng cho đến nay, các bên có ý định mua chưa sẵn lòng gật đầu với mức giá đó. Một số nguồn tin cho biết trong những tuần gần đây, Công ty mạng xã hội Twitter (Mỹ) ra giá gần 10 tỉ đô la Mỹ để mua lại mảng hoat động của TikTok tại Mỹ.
Cú bắt tay giữa Walmart và Microsoft giúp họ trở thành là ứng viên dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh sở hữu TikTok tại Mỹ. Trong khi đó, một liên danh tham gia đấu giá thứ hai, do hãng phần mềm Oracle Corp. (Mỹ) dẫn đầu, vẫn đang trong cuộc đua.
Khi các nhà đầu tư sốt sắng tìm kiếm một thỏa thuận mua lại TikTok, người sáng lập ByteDance, Zhang Yiming, vẫn chưa dứt khoát về việc bán lại sản phẩm sáng tạo của mình. Ông cảm thấy ấm ức với các yêu cầu của Mỹ và cho biết ông có thể từ bỏ việc bán lại mảng TikTok ở Mỹ, sẵn sàng đón nhận các hậu quả từ chính quyền đã Tổng thống Donald Trump, người đã ra lệnh ByteDance phải bán lại mảng TikTok của Mỹ trước ngày 15-9, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Hôm 24-8, TikTok đã nộp đơn ra một tòa án liên bang ở Mỹ để phản đối lệnh cấm này.
Khác với các công ty công nghệ khổng lồ khác của Mỹ đang chính quyền Donald Trump truy vấn về các vấn đề độc quyền, bảo vệ dữ liệu người dùng, Walmart có mối quan hệ gần gũi với Nhà Trắng.
Giám đốc điều hành Walmart, Doug McMillon, là ‘khách quen’ của Nhà Trắng. Tổng thống Donald Trump cũng khen ngợi Walmart và các chuỗi bán lẻ khác hỗ trợ nỗ lực xét nghiệm trong đại dịch.
Walmart và Microsoft vốn là đối tác của nhau trong một số dự án công nghệ. Walmart đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft để giúp nâng cao trải nghiệm cho khách mua sắm trực tuyến.
“Cách mà TikTok hợp nhất năng lực quảng cáo và thương mại điện tử ở nhiều thị trường là một lợi ích rõ ràng đối với các nhà sáng tạo và người dùng ở những thị trường này”, Walmart, nói trong một tuyên bố.
Cạnh tranh với Amazon
Trong những năm gần đây, Walmart đầu tư mạnh mẽ cho mảng kinh doanh trực tuyến, chi 3,3 tỉ đô la để mua lại Jet.com (Mỹ) vào năm 2016 và ký thỏa thuận trị giá 16 tỉ đô la Mỹ để nắm cổ phần kiểm soát ở Công ty thương mại điện tử Flipkart (Ấn Độ) vào năm 2018. Cũng giống như Amazon, Walmart đang đa dạng hóa hoạt động bán lẻ bằng cách phát triển một nền tảng bán hàng trực tuyến dành cho các bên bán hàng thứ ba.
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới cũng tìm cách xây dựng mạng lưới quảng cáo trực tuyến của riêng mình. Walmart đặt mục tiêu sử dụng hai dịch vụ trên để tạo ra nguồn doanh thu mới bên ngoài mạng lưới siêu thị toàn cầu, đang đóng góp phần lớn doanh thu hàng năm của tập đoàn này.
Các chuyên gia thương mại điện tử tin rằng nếu thành công ở hai mảng kinh doanh trên, Walmart có thể cạnh tranh sòng phẳng ở mảng kinh doanh trực tuyến với Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.
Năm ngoái, doanh thu ròng của Walmart đạt 520 tỉ đô la, cao gấp đôi so với Amazon nhờ mạng lưới 11.500 siêu thị trên khắp toàn cầu. Trong khi mảng thương mại điện tử của Walmart đang phát triển nhanh chóng, nhà bán lẻ này vẫn còn bé nhỏ so với đối thủ Amazon ở mảng này.
Hiện nay, Walmart chủ yếu sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và bắt đầu chào bán quảng cáo số hóa và dữ liệu mua sắm, chủ yếu cho các nhà cung cấp hàng hóa của Walmart. Sở hữu cổ phần ở TikTok có thể cho phép Walmart sử dụng nền tảng video này để bán quảng cáo cho các nhà cung cấp và có thể bán các sản phẩm cho người dùng TikTok.
Sức hấp dẫn của TikTok quá rõ ràng, với hơn 100 triệu người dùng tích cực hàng tháng ở Mỹ, đa phần là giới trẻ, am hiểu công nghệ và thích mua sắm trực tuyến. Thâu tóm TikTok sẽ cho giúp Walmart thu hút được sự chú ý hơn, theo nhận định của Charlie O’Shea, nhà phân tích bán lẻ ở Moody’s. Điều này có thể giúp Walmart mở rộng nền tảng bán hàng trực tuyến dành cho bên thứ ba thông qua ứng dựng và website của Walmart.
Walmart đang chào bán 75 triệu mặt hàng, chủ yếu thông qua nền tảng này nhưng con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với Amazon.
Sẽ bắt chước mô hình của TikTok tại Trung Quốc?
Thực tế, ứng dụng Douyin, phiên bản TikTok ở Trung Quốc, cũng thuộc sở hữu của ByteDance, đang được phát triển để trở thành chợ trực tuyến di động, nơi các ‘ngôi sao video’ quảng bá và bán các sản phẩm. Đây là mô hình mà Walmart có thể bắt chước sau khi mua lại TikTok.
ByteDance bắt đầu thử nghiệm các tính năng thương mại điện tử trên Douyin vào năm 2018, cho phép các nhà sáng tạo video đăng các đường link dẫn đến các gian hàng trực tuyến của trên nền tảng mua sắm lớn nhất Trung Quốc, Taobao của Alibaba. Sau đó, Douyin cũng cho phép người dùng Trung Quốc thiết lập các gian hàng bên trong ứng dụng này để họ bán sản phẩm ngay tại đây thay vì các gian hàng ở các nền tảng khác. Gần đây, TikTok cho phép các nhà sáng tạo video nổi tiếng hiển thị nút ‘Shop Now’ bên trong các video của họ để hướng người dùng vào các trang mua sắm trực tuyến khác.
Fabian Bern, người sáng lập Công ty tiếp thị Many, đang hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung trên Douyin và TikTok, nói: “Chúng tôi thấy TikTok có những bước đi y hệt Douyin, chỉ là chậm hơn một chút. Không có điều gì độc đáo ở TikTok mà lại không có ở Douyin”.
Ông nhận định nếu Walmart cùng Microsoft mua lại TikTok thành công, đại gia bán lẻ này sẽ tận dụng tính năng thương mại điện tử trên TikTok để bán những sản phẩm giá rẻ cho người dùng của TikTok.
Doug McMillon, Giám đốc điều hành Walmart, đẩy mạnh đầu tư vào mảng mua sắm trực tuyến để thực hiện tham vọng bán hàng đa kênh. Hợp tác với Microsoft để thâu tóm TikTok sẽ mở ra cơ hội cho Walmart để triển khai một những cuộc thử nghiệm bán hàng đa kênh táo bạo nhất cho đến nay.
Mitch Bailey, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn ván lẻ trực tuyến Etailz, nói: “Đó sẽ là một chiến lược quyết liệt của Walmart. Họ đang thực sự tư duy khác biệt nhưng điều này có thể mang lại thành quả”.
Một phương án khác đối với Walmart sau khi thâu tóm TikTok là phát triển một nền tảng bán hàng trực tuyến riêng biệt ở Mỹ mang thương hiệu TikTok nhưng vận hành nhờ công nghệ của Microsoft và hệ thống logistics của Walmart.