Khi theo dõi phi thuyền New Shepard của Hãng Blue Origin đưa bốn hành khách vào không gian hôm 20-7, hàng triệu người khắp thế giới không chỉ chú ý đến tỉ phú Jeff Bezos, mà còn dành sự quan tâm đặc biệt cho người phụ nữ duy nhất trên chuyến bay.
Bà là Wally Funk, người Texas. Năm nay 82 tuổi, bà đi trước, dẫn đầu nhóm bay bốn người leo qua tám tầng thang bộ cao bằng tòa nhà 5 tầng để lên khoang tàu, vừa đi bà vừa nói chuyện, vẫy chào chiếc trực thăng đang bay vòng quanh đó ghi hình.
Sau chuyến du hành với tàu New Shepard, Wally Funk có thêm một kỷ lục nữa cho cuộc đời đầy những điều phi thường của mình: Bà đã trở thành người cao tuổi nhất thế giới bay vào không gian.
Người phụ nữ có cái ôm kiểu gấu
Ba tuần trước đó, Jeff Bezos tìm đến nhà bà Wally Funk ở thành phố nhỏ Roanoke, hạt Denton, bang Texas. Ra đón khách với một nụ cười rạng rỡ, bà Funk bỗng chuyển sắc thành sửng sốt khi nghe Bezos nói: “Chúng tôi sẽ đưa bà lên không gian trên chuyến bay chở người đầu tiên [của Blue Origins]…”.
Bezos chưa dứt lời, bà Funk dang rộng đôi tay vỗ mạnh thành tiếng vào hai bên vai Bezos, rồi kéo ông về phía mình và ôm chầm lấy. Đó là một cái ôm mạnh mẽ rất đặc trưng của Wally Funk, mà cây bút Jeffrey Kluger của tạp chí Time trong bài viết “Wally Funk Is Going to Space Aboard Jeff Bezos’s Rocket” (Wally Funk sẽ bay vào không gian trên tên lửa của Jeff Bezos) tả bằng một từ đầy yêu mến: “bear hug” (cái ôm kiểu gấu).
Tóc đã trắng xóa, người phụ nữ 82 tuổi vẫn có dáng lưng rất thẳng, trông chẳng hề thấp bé chút nào khi đứng bên Bezos cao 1,71m, vì bà cao đến 1,70m. Thành tích bay của bà thì hơn hẳn Bezos và những thành viên còn lại trên chuyến New Shepard.
“Tôi đã có 19.600 giờ bay và đã dạy hơn 3.000 người bay”, bà Funk tự hào giới thiệu trong đoạn video được Bezos công bố trên Instagram vào ngày 1-7. Không chỉ là một phi công, Wally Funk là nữ điều tra viên về an toàn hàng không đầu tiên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (National Transportation Safety Board – NTSB), nữ điều tra viên đầu tiên của Cục Quản lý hàng không liên bang (Federal Aviation Administration – FAA).
Bà bắt đầu bay từ thời niên thiếu. Đó là sau một tai nạn trượt tuyết năm 1956, cô gái Wally khỏe mạnh bị giập hai đốt sống, nghe thông báo rằng sẽ mất khả năng đi lại. Nhưng cô đã hồi phục, rồi chuyển sang học bay theo lời khuyên của chuyên gia trị liệu.
17 tuổi, Wally Funk có chuyến bay thực hành đầu tiên trên chiếc máy bay hạng nhẹ Cessna 172, rồi cũng năm đó thực hiện luôn chuyến bay solo (bay không có người kèm) và được cấp bằng lái. Wally đã tranh thủ mọi cơ hội để được lái máy bay. Đến năm cuối đại học, cô được trường bay nơi cô tập luyện trao cúp công nhận là phi công cự phách.
Hãy nhớ rằng đó là thập niên 1950, khi vị trí của phụ nữ được xã hội mặc định là ở nhà chăm lo gia đình.
Bài kiểm tra đổ nước đá vào tai…
Năm 1960, bốn năm trước khi Jeff Bezos chào đời, Wally Funk, 21 tuổi, đã là một người huấn luyện bay chuyên nghiệp.
Đọc được một bài báo trên tạp chí Life có tựa đề Damp Prelude to Space (Khởi đầu ẩm ướt đến không gian) nói về việc tuyển chọn phụ nữ cho một chương trình huấn luyện phi hành gia, Funk lập tức viết thư cho các bác sĩ có tên trong bài báo và cả bệnh viện Lovelace Clinic (ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico), nơi đang phụ trách việc thực hiện các bài kiểm tra trong khuôn khổ cuộc tuyển chọn.
Người ta quy định không nhận ai dưới 24 tuổi, nhưng cuối cùng trong số hàng trăm ứng viên là nữ phi công có số giờ bay hạng cao thời đó, cô gái 21 tuổi vẫn được chọn, cùng 18 người khác vào chương trình có tên Woman in Space Program (Chương trình Phụ nữ trong không gian – WSP).
Các bài kiểm tra khắc nghiệt mà họ thực hiện vào năm 1961 chính là những bài kiểm tra được dùng để tuyển chọn đàn ông cho chương trình không gian của NASA lúc đó là Mercury 7.
Sarah Ratley – một trong số những thành viên được tuyển vào WSP – kể lại trong một chương trình phát thanh của Đài CBC năm 2018 rằng trong một bài kiểm tra, nước đá được bơm vào lỗ tai để làm đối tượng chóng mặt và xem họ hồi phục nhanh thế nào.
Một bài kiểm tra khác là cho đối tượng ngồi trong một buồng cô lập giác quan đầy nước và không có ánh sáng hay âm thanh lọt vào để xem họ chịu đựng được bao lâu trước khi bị ảo giác.
Có 13 người đã vượt qua các thử thách với thành tích ngang bằng thậm chí vượt trội cả phái nam và họ tự gọi chương trình huấn luyện của mình là Mercury 13.
Wally Funk, người xuất sắc nhất trong số đó, còn có kết quả một số bài kiểm tra tốt hơn cả John Glenn, một thành viên nam xuất sắc của chương trình huấn luyện Mercury 7. Cô khiến bác sĩ kinh ngạc với thành tích ở trong buồng cô lập đến hơn 10 tiếng, cho đến khi những người nghiên cứu phải mở buồng lôi cô ra vì tới giờ họ phải… về nhà.
WSP thực ra là một chương trình nghiên cứu do bác sĩ William Randolph Lovelace II tự bỏ tiền thực hiện một cách âm thầm. Là người đã thiết kế các bài kiểm tra cho chương trình tuyển chọn nam phi hành gia của NASA, Lovelace muốn tìm hiểu liệu phụ nữ có thể vượt qua các thử thách tương tự để tham gia các chuyến bay không gian hay không. Kỳ vọng của ông là dùng kết quả thu được của chương trình WSP để thuyết phục NASA mở rộng cửa tuyển chọn phụ nữ.
Nhưng mọi việc đã không diễn ra như Lovelace và 13 cô gái mong muốn. Vài ngày trước đợt kiểm tra thứ hai dự kiến tiến hành tại một bệnh viện ở thành phố Pensacola ở bang Florida, NASA hay tin về Mercury 13 và yêu cầu Lovelace ngừng lại.
Một người bay cho mọi người
Ngày 20-2-1962, John Glenn của Mercury 7 trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh Trái đất ba vòng. Mercury 13 dõi theo chuyến bay của Glenn rồi bắt đầu đấu tranh để được là một phần chính thức của chương trình không gian NASA.
Họ đã ra điều trần trước quốc hội vào tháng 7-1962. Chính Glenn cũng đã trình bày ở đó những hiểu biết của mình về khả năng mở rộng các chương trình không gian cho phụ nữ. Nhưng theo Sarah Ratley, Jackie Cochran – nữ phi công đầu tiên lập kỷ lục bay nhanh hơn vận tốc âm thanh – đã phản bội Mercury 13 khi nói trước quốc hội rằng việc tuyển chọn nữ phi công là tốn kém và việc loại họ ra khỏi chương trình không gian là hợp lý. “Các ông sẽ mất họ khi họ kết hôn” – Cochran nói trước quốc hội.
Wally Funk kể rằng khi biết chương trình bị hủy, bà không nản lòng: “Tôi còn trẻ và tôi vui vẻ. Tôi cứ tin là nó sẽ đến. Nếu không phải hôm nay, thì là trong vài tháng nữa”. Khi NASA vẫn chưa có chủ trương tuyển nữ phi hành gia, Funk vẫn nộp đơn dự tuyển hai lần trong năm 1962 cho chương trình Gemini, dĩ nhiên là không được chọn.
Năm 1963, Wally Funk và những cô gái của Mercury 13 chứng kiến Liên Xô đưa người phụ nữ đầu tiên vào không gian, đó là Valentina Tereshkova. Năm 1966 một lần nữa Funk gửi hồ sơ đến NASA và bị gạt đi. Đến năm 1979, khi NASA lần đầu tiên thông báo tuyển nữ, bà nộp đơn, lần thứ tư, và lại bị từ chối, một phần vì đã 40 tuổi. NASA đã không đưa một phụ nữ Mỹ nào lên các chuyến bay không gian cho đến mãi năm 1983.
Không từ bỏ đam mê bay cao, Wally Funk đăng ký trở thành phi công hàng không thương mại, nhưng cũng bị phớt lờ, hầu như là vì giới tính. “Tôi đã được dạy dỗ rằng khi mọi việc không thành, bạn nên đi theo cách khác của mình” – bà kể với tờ New York Times về những tháng năm bị chối từ và những cách khác để bay, trong đó có việc trở thành người huấn luyện lái đủ các loại phi cơ và làm điều tra viên an toàn hàng không cho các tổ chức.
Khi đã 71 tuổi, bà Funk lại tìm ra một cách khác để trở lại với ước mơ không gian. Bà chi 200.000 USD để đặt một chỗ trên chuyến bay cận quỹ đạo của tỉ phú Richard Branson, ngay khi ông quảng bá vào năm 2010 tham vọng về chuyến bay du lịch không gian bằng tàu Virgin Galactic.
“Mỗi ngày bà ấy đều chuẩn bị để bay vào không gian. Bà giữ sức khỏe, bà đi bơi, bà tập thể dục, bà chơi đố chữ để giữ sức khỏe tinh thần nữa” – Sue Nelson, một nhà báo khoa học và là một người bạn của Funk suốt 20 năm qua, đã kể về cách Wally Funk luôn sẵn sàng cho một chuyến bay không gian.
Sarah Ratley thì không có cơ hội để mà sẵn sàng, bà mất vào tháng 3-2020. Trong số 13 cô gái của Mercury 13, chỉ có Wally Funk và Gene Nora Jessen còn sống, nhưng Jessen đã phải ngừng bay từ năm 2017 vì thoái hóa điểm vàng.
Khi Wally Funk bay vào không gian vào ngày 20-7-2021, tận hưởng cảm giác phi thuyền vượt qua đường biên không gian quy ước Kármán Line ở độ cao 100km so với mực nước biển, ngắm nhìn đường cong tuyệt diệu của bề mặt Trái đất ngoài cửa sổ tàu, và trôi bồng bềnh trong điều kiện không trọng lực, bà đã bay cho tất cả mọi người trong đội của mình, cho tất cả những người phụ nữ của những năm 1950 – 1960 từng khao khát chinh phục không gian mà không có cơ hội.
Chào mừng đến không gian, bà Wally Funk!