Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình giảm số lượng ngân hàng xuống khoảng 15 vào năm 2017, giảm tình trạng sở hữu chéo vốn đang cản trở các nỗ lực chính sách và cản trở việc giải quyết có hiệu quả vấn đề nợ xấu. Để làm được việc này, cơ quan quản lý tiếp tục đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch của các giao dịch tiền tệ cũng như tăng cường thanh tra giám sát hoạt động kinh doanh, rà soát lại cơ cấu chủ sở hữu tại các tổ chức tín dụng. Những nỗ lực của lĩnh vực quan trọng này đã được các định chế quốc tế ghi nhận. Tuần qua, trong Báo cáo về triển vọng khu vực ngân hàng của Việt Nam trong năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã nhận định hoạt động kinh doanh của khu vực ngân hàng sẽ gặp thuận lợi nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, tăng trưởng tín dụng dự kiến cũng phục hồi dù mức tăng còn thấp.
Tuy nhiên, những thách thức dành cho hệ thống ngân hàng cũng không nhỏ, đặc biệt là về chất lượng tài sản, sự giảm sút lợi nhuận và năng lực nguồn vốn còn yếu, tất cả khiến cho quá trình cải cách trong lĩnh vực ngân hàng cần tiếp tục được quan tâm. Theo Standard & Poor’s, tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo cao hơn năm ngoái (12,51%) nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2005-2010. Lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo vẫn ở mức thấp, với hệ số ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) chỉ khoảng 0,8 – 1% (năm 2013 con số này chỉ là 0,49%), chủ yếu do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực cho vay ưu tiên khiến chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động cũng sụt giảm, dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong năm 2014 có thể tăng vì tăng trưởng kinh tế dự kiến vẫn chưa cao và nhiều khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cũng khiến cho lợi nhuận suy giảm.
Trong trung hạn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam được dự báo vẫn ổn định, tuy nhiên khả năng huy động vốn của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nếu có những lo ngại liên quan đến vấn đề quản trị và sự lành mạnh của khu vực ngân hàng, đặc biệt khi lạm phát tăng cao hơn lãi suất tiền gửi. Nếu điều này xảy ra, nhiều người sẽ chuyển sang các hình thức đầu tư khác như chứng khoán, mua các tài sản định giá bằng ngoại tệ, bất động sản… thay vì gửi tiết kiệm như hiện nay. Nhưng đó là vấn đề của tương lai, còn hiện tại kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân có tiền nhàn rỗi. Sau kỳ nghỉ tết, lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh. Nguồn vốn huy động dồi dào giúp cho các ngân hàng có quyền giảm nhẹ hoặc duy trì lãi suất đầu vào, hay chí ít là không phải cộng thêm lãi suất (0,5 – 1%/năm) để giữ chân các khách hàng lớn như trước. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 – 14% trong năm nay, các ngân hàng đang phải chịu áp lực trong việc đẩy mạnh cho vay. Điều này khiến cho khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm khoảng 1 – 2%/năm so với cuối năm ngoái là có thể. Cản ngại chính của việc giảm lãi suất cho vay là lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ bị ảnh hưởng, rủi ro dành cho các tổ chức tín dụng cũng tăng lên nếu không kiểm soát tốt chất lượng các khoản tín dụng để đảm bảo việc thu hồi vốn. Vượt qua những cản ngại này, lãi suất cho vay sẽ giảm, như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.
Minh Hằng