Mấy ngày tết thư giãn bên tách trà nóng, đọc một cuốn sách hay, bỏ lại sau lưng tất cả nhọc nhằn một năm bận rộn hẳn cũng là điều thú vị đối với doanh nhân. Hồi tháng trước, cuốn sách mang tựa đề ấn tượng “Vươn lên từ vực thẳm” – tác giả Tôn Thất Thông, do Nhà xuất bản Hồng Đức và Công ty Văn hóa Phương Nam liên kết phát hành đã được người đọc đón nhận một cách thân thiện nhờ vào nội dung phong phú và bổ ích. Sách nói về sự thần kỳ của dân tộc Đức vươn lên từ đổ nát của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, cuộc chiến tranh hủy diệt thuộc loại tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Với những ai quan tâm đến tình hình kinh tế xoay vần như không có lối ra của chúng ta thì đây là một nghiên cứu công phu, là biên niên sử về một nền kinh tế hồi sinh từ đống tro tàn. Với lớp người trẻ Việt Nam trưởng thành sau chiến tranh thì cuốn sách là bản anh hùng ca của một dân tộc giàu trí tuệ lẫn nghị lực đáng ngưỡng mộ và học tập.
Chiến tranh thế giới thứ 2 khởi đầu khi Hitler đưa quân ồ ạt tấn công Ba Lan ngày 1-9-1939 rồi lan rộng khắp châu Âu và cả châu Phi, kéo dài sáu năm trời với hơn 60 triệu người chết. Cuộc chiến kết thúc năm 1945, nước Đức của Hitler bại trận kéo theo những hậu quả thật khó hình dung: nền công nghiệp thuộc loại hàng đầu chỉ còn lại 20%, gần phân nửa nhà cửa bị xóa sạch, 12% dân số tử vong, nạn đói kéo dài ba năm mà cao điểm là vào mùa đông 1946, lạm phát phi mã, trao đổi mua bán chủ yếu là ở các khu chợ trời, trộm cắp hoành hành khắp nơi.
Bức tranh kinh tế xã hội càng u ám hơn khi nước Đức bại trận phải chịu những khoản bồi thường chiến tranh vượt quá tiềm năng và bị chia cắt thành bốn vùng chiếm đóng của phe đồng minh chiến thắng áp đặt thể chế của riêng mình, điều đó trong thực tế là sự chia cắt đất nước thành hai miền Đông – Tây với hai chế độ chính trị đối lập.
Xây dựng lại nền kinh tế trong điều kiện chịu sự giám sát của bốn nước đồng minh thắng trận, vậy mà chỉ 11 năm sau khi thành lập nước Cộng hòa liên bang vào năm 1949, dân tộc Đức đã có những bước dài phát triển mà các nước phải ngưỡng mộ và nay trở thành nền kinh tế thứ ba của thế giới, là đầu tàu của châu Âu.
Đúc kết quá trình hồi sinh thần kỳ của một nước Đức mới, nhiều nhà phân tích cho rằng đó là sự tổng hòa của ba yếu tố căn bản mang thuộc tính của dân tộc Đức.
Trước hết là sự khôn khéo vận dụng hoàn cảnh lịch sử, vừa nhẫn nhục, vừa âm thầm nỗ lực tìm kiếm con đường đi riêng. Người Đức đã tận dụng được sự khác biệt của các nước chiếm đóng, đặc biệt là giữa người Mỹ và người Nga ở hai cực ý thức hệ, để có được sự hỗ trợ kinh tế qua kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ vào năm 1948, dùng các khoản viện trợ làm vận tốc đầu cho cuộc hồi sinh ngoạn mục, trong điều kiện một cuộc Chiến tranh lạnh đang manh nha.
Thứ hai, đó là nhờ vào vốn tri thức quá lớn mà cho dù hàng loạt tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực bỏ nước ra đi trước và sau chiến tranh như Sigmund Freud, Von Braun… nhưng vẫn còn quá nhiều trí thức – được thuyết phục bởi các chính sách sử dụng chất xám đã không ngừng chung sức cho một nước Đức hùng cường.
Sự hình thành của chủ thuyết kinh tế thị trường xã hội với ba nhân vật chủ chốt Walter Eucken, Alfred Muller Armack và Ludwig Erhard – người sau này làm Thủ tướng lèo lái con tàu kinh tế Đức từ 1963 đến 1966 – là một điển hình sống động. Người Đức không chọn một nền kinh tế kế hoạch theo mô hình của Nga, cũng không chọn nền kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, họ tìm con đường riêng của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và đặt tên là Kinh tế thị trường xã hội (Social Market Economy – khác với kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam).
Đây là nền kinh tế hướng tới ba mục đích phát triển lành mạnh: (1) phục vụ tự do con người, (2) công bằng – an ninh và (3) hòa hợp giữa mọi xu hướng xã hội.
Thứ ba là một nền dân chủ pháp trị – pháp quyền được hình thành ngay sau khi thành lập một nước cộng hòa liên bang, thoát khỏi sự kìm kẹp của lực lượng chiếm đóng.
Tất cả tạo nên một bản hợp ca hoàn chỉnh suốt mấy chục năm sau đó, để rồi có một nước Đức thống nhất hai miền Đông – Tây sau “cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân” khi bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9-11-1989.
Điều gì đã làm nên kỳ tích ấy nếu không phải là quyết tâm của cả một dân tộc, một sự chọn lựa con đường đúng và một trí tuệ lãnh đạo xuất sắc thức thời.
Tác giả Tôn Thất Thông từ Sài Gòn du học ở Đức vào năm 1968 là một thanh niên đầy nhiệt huyết, luôn trăn trở với tình hình ở quê nhà và sau năm 1975 đã nhiều lần về nước tham gia một vài chương trình phát triển. Phải chăng vì vậy mà trong lời nói đầu của cuốn sách anh đã gửi gắm đôi dòng tâm sự: Đối với những bạn trẻ mà trong tương lai có thể nắm giữ các vị trí có tác động vào công cuộc xây dựng đất nước, hy vọng các bạn sẽ tự rút ra được những bài học bổ ích. Được thế là phúc lớn cho dân tộc.
Trông người mà ngẫm đến ta.
- Gia Minh