Tô Châu là một thành phố lịch sử và văn hóa nổi tiếng thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. Ở đây sơn thủy hữu tình, phong cảnh tươi đẹp, các khu vườn cảnh trang nhã nổi tiếng khắp thiên hạ được người ta ca ngợi “Giang Nam viên lâm giáp Thiên hạ, Tô Châu viên lâm giáp Giang Nam” (Vườn cảnh Giang Nam nhất thiên hạ, vườn cảnh Tô Châu nhất Giang Nam).
Lịch sử các khu vườn cảnh cổ điển của Tô Châu có từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên vào thời Xuân Thu. Khu vườn cảnh tư gia sớm nhất được ghi trong sử sách là Bích Cương Viên của nhà Đông Tấn (thế kỷ thứ 4). Thời kỳ Minh Thanh, Tô Châu trở thành nơi phồn hoa nhất Trung Quốc, vườn cảnh tư gia phát triển khắp trong nội ngoại thành. Ở thời kỳ hoàng kim (thế kỷ 16-18), Tô Châu có ở khoảng 200 khu vườn cảnh, hiện nay còn bảo tồn hoàn chỉnh được hơn 10 khu, do đó Tô Châu được người ta gọi bằng cái tên mỹ miều là “Thiên đường của nhân gian”.
Đặc điểm của vườn cảnh Tô Châu
Vườn cảnh Tô Châu có diện tích nhỏ, thủ pháp nghệ thuật không câu nệ và biến đổi thiên hình vạn trạng. Các vườn cảnh đều được kiến trúc theo vẻ đẹp của sơn thủy hữu tình và vận dụng nghệ thuật thi họa truyền thống Trung Hoa mô phỏng phong cảnh thiên nhiên sông núi và lấy đền đài, chùa tháp, ao hồ, núi giả cỏ cây hoa lá làm chủ thể.
Ngoài ra, để cho vườn cảnh thêm sinh động người ta còn tạo ra những con đường quanh co uốn lượn, những cây cầu nhỏ bắc qua những dòng suối trong xanh rủ bóng những hàng liễu… Với một không gian có hạn nhưng để lại cho người xem một hiệu quả là nhìn nhỏ nhưng thấy lớn.
Các khu vườn điển hình của Tô Châu hiện nay là Chuyết Chính Viên, Lưu Viên, Võng Sư Viên và Hoàn Tú Sơn Trang được sinh ra trong thời kỳ hoàng kim của sự phát triển vườn cảnh tư gia. Vườn cảnh Tô Châu là nơi hội tụ tinh hoa của của nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh Trung Quốc. Với những ý tưởng nghệ thuật sâu xa, cấu trúc tinh tế, giản dị nhưng lãng mạn và mang vẻ đẹp tự nhiên cho nên Tô Châu trở thành đại biểu mẫu mực cho nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh của Trung Quốc.
Tư tưởng nghệ thuật sơn thủy trong tranh thủy mặc
Nghệ thuật tạo vườn cảnh, nghệ thuật văn học và nghệ thuật hội họa của Trung Quốc có nguồn gốc lịch sử rất lâu đời cho nên nghệ thuật tạo vườn cảnh chịu ảnh hưởng của nghệ thuật sơn thủy trong tranh thủy mặc của các văn nhân thời kỳ Đường – Tống.
Trong quá trình phát triển vườn cảnh đã hình thành hai hệ thống vườn cảnh lớn: vườn cảnh Hoàng gia và vườn cảnh tư gia. Khu vườn cảnh Hoàng gia tập trung ở Bắc Kinh còn vườn cảnh tư gia thì đại biểu là ở Tô Châu. Do sự khác biệt về điều kiện địa lý tự nhiên, địa vị chính trị và nền văn hóa nên hai hệ thống này có sự khác biệt rõ ràng về tính quy mô, sự bố cục, phong cách, sắc thái và một số mặt khác v.v…
Những khu vườn hoàng gia với ưu thế hoành tráng, uy nghiêm, đường bệ có vẻ đẹp sâu xa trong khi đó khu vườn tư gia Tô Châu thì sắc sảo, tự do phóng khoáng, tinh tế và trang nhã. Do sau này người ta chú ý đến sự thống nhất hài hòa giữa văn hóa và nghệ thuật nên các khu vườn hoàng gia phát triển ở giai đoạn cuối ý tưởng nghệ thuật phần đông cũng được đúc rút từ các khu vườn tư gia Tô Châu.
Điều kiện ở và môi trường sống hoàn mỹ
Các khu vườn cảnh Tô Châu là sự kết hợp giữa nhà và vườn nên có thể để thưởng thức, để du ngoạn, để cư trú. Sự hình thành loại hình thái kiến trúc này ở trong khu vực thành thị có mật độ dân số đông đúc và thiếu phong cảnh tự nhiên là một sự sáng tạo để làm đẹp và hoàn thiện môi trường sống là sự khát khao của con người với tự nhiên, theo đuổi để cùng sống hài hòa với tự nhiên.
Chuyết Chính Viên, Lưu Viên, Võng Sư Viên và Hoàn Tú Sơn Trang là loại hình kiến trúc vườn cảnh được bảo tồn hoàn chỉnh đã phô diễn một cách có hệ thống về nội dung bố cục, kết cấu, tạo hình, phong cách, sắc thái và cách bố trí của nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh Tô Châu. Nhưng khu vườn cảnh này đã phản ánh lên nền văn minh cư trú, trình độ cuộc sống, trình độ thẩm mỹ một thời của vùng Giang Nam, Trung Quốc. Phong cách vườn cảnh Tô Châu đã ảnh hưởng đến toàn thể phong cách kiến trúc của vùng Giang Nam thời bấy giờ. Đây cũng là những thành tựu về nghệ thuật, thành tựu về trình độ thiết kế kiến trúc và xây dựng v.v…
- Xem thêm: 1.300 năm, Phượng Hoàng cổ trấn
Ý nghĩa văn hóa và nội hàm phong phú
Vườn cảnh Tô Châu không những là vật phẩm văn hóa lịch sử mà nó còn là sự chuyển tải tư tưởng văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Sự biểu hiện về tên gọi, hoành phi, câu đối, bia đá, thơ phú bài trí trong các tư dinh không những tô điểm cho nghệ thuật tinh xảo của vườn cảnh mà còn chứa đựng số lượng lớn những tư liệu về lịch sử, văn hóa, tư tưởng và khoa học với nội dung vật chất và nội dung tinh thần sâu rộng. Ngoài ra những tư liệu này còn phản ánh lên các trường phái tư tưởng và quan niệm của các nhà triết học về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo…
Trong những năm gần đây, nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh Tô Châu đã được lan rộng ra nước ngoài. Cây trồng trong Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan New York là bản sao của Vườn cảnh Võng Sư Viên ở Tô Châu. Khu vườn trong trung tâm công viên thành phố Vancouver (Canada) được xây dựng theo phong cách vườn cảnh thời Minh ở Tô Châu. Những điều này cho thấy nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh Tô Châu đang được phát huy rực rỡ và vươn xa.
- Xem thêm: Rừng xanh tuyết trắng Cửu Trại Câu
Trong năm 1997 và năm 2000 có chín khu vườn cảnh Tô Châu và các khu vực xung quanh là Chuyết Chính Viên, Lưu Viên, Võng Sư Viên, Hoàn Tú Sơn Trang, Thương Lãng Đình, Sư Tử Lâm, Nghệ Phố, Ngẫu Viên và Thoái Tư Viên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của người dân Tô Châu nói riêng và của nhân dân Trung Hoa nói chung.