Đến nay, chưa có nhiều người dân biết địa chỉ 2Ter Lê Duẩn là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, một kho tàng tri thức quý giá. Song càng lý thú hơn nữa khi bản thân nó lại nằm trên phần đất lịch sử xuyên ba thế kỷ!
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên từ Sydney (Úc) về quê ăn Tết, nghe tin có một cuộc triển lãm về Sài Gòn xưa ở số 2Ter Lê Duẩn, vội tìm đến.
Hôm ấy, đã là chiều 27 Tết. Anh gọi điện hỏi tôi địa điểm và hẹn gặp. Anh đi bộ từ khách sạn Intercontinental ở góc Lê Duẩn – Hai Bà Trưng, sốt ruột, bấm máy: “Số 2Ter ở đâu, sao chưa thấy?”. Tôi nói anh đi đến góc Mạc Đĩnh Chi, nhìn xem tòa nhà đối diện Hội trường Xổ số Kiến thiết. Nói xong, tôi cười buồn. Tòa nhà Xổ số Kiến thiết đâu còn nữa, người ta đã đập mất rồi! Nhiều tòa nhà là một phần ký ức của Sài Gòn xưa đã biến đi lặng lẽ như vậy.
May mà tòa nhà và khu đất 2Ter còn đó!
Khu đất vàng trên nền Hoàng thành xưa
Đến nay, chưa có nhiều người dân biết đến địa chỉ 2Ter Lê Duẩn (đại lộ Thống Nhứt trước 4.1975). Chỉ có các nhà nghiên cứu, nhà báo, sinh viên làm luận văn lịch sử, mới quen biết địa chỉ này. Nơi đây là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, một kho tàng tri thức quý giá. Song càng lý thú hơn nữa khi bản thân nó lại nằm trên phần đất lịch sử xuyên ba thế kỷ!
Thật vậy, khi khảo sát các bản đồ cổ của Sài Gòn, ta có thể nhận ra khu đất 2Ter thuộc về khu vực trại lính, nằm gần cung vua, cung thế tử và cung hoàng hậu trong Hoàng thành Gia Định (còn gọi là Thành Quy) do Nguyễn Ánh xây dựng từ năm 1790.
Sau đó, khu này tiếp tục là trại lính trong Thành Phụng (Minh Mạng – 1838) gần cửa Đông Bắc – nơi quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công bằng đại bác và thủy quân vào ngày 17.2.1859.
Sau khi chiếm Sài Gòn, toàn bộ khu vực Thành Phụng và Thành Quy được Pháp chọn làm khu đầu não để xây dựng các dinh thự hành chính và cơ quan quân sự cho toàn Nam kỳ. Trong đó, Dinh Đại tướng Nam kỳ (nay là tư thất Tổng lãnh sự Pháp), kế đến là Tòa án binh (trụ sở Tổng lãnh sự quán Mỹ), được xây liền kề với Trại lính Trung đoàn thuộc địa số 11 (từ góc Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn trải dài đến Đại học Dược và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hiện giờ, bao gồm khu đất 2Ter).
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Trại lính thuộc địa được đổi tên là Thành Cộng Hòa. Sau đảo chính 1.1.1963, toàn bộ khu thành chuyển sang đất đặt trụ sở ba trường đại học và đài truyền hình. Ngoại trừ khu đất 2Ter, cạnh Trường Dược – được giữ làm trụ sở của Tổng cục Chiến tranh chính trị.
- Xem thêm: Sài Gòn xưa qua ô cửa phế tích
Sau chiến tranh, toàn bộ khu 2Ter với hơn 3.000m2, trở thành nơi đặt cơ quan lưu trữ quốc gia. Vào những năm đầu 1990, Nhà nước cho xây dựng tại đây một tòa nhà 9 tầng ở phía sau làm kho tài liệu lưu trữ. Còn phía trước là tòa nhà hai tầng dùng làm văn phòng và khu triển lãm.
Khi xây dựng hai tòa nhà mới, người ta phát hiện dưới nền nhà cũ có một đường hầm bí mật, không rõ dẫn đi đâu, ai xây và để làm gì. Hiện đường hầm vẫn còn dưới lòng đất, chưa được khảo sát. Nếu sau này các cơ quan khoa học được đào khảo cổ toàn bộ khu vực đường Lê Duẩn, bao gồm cả khu 2Ter thì có lẽ sẽ còn tìm ra nhiều điều mới mẻ, chưa biết về Hoàng thành Gia Định xưa.
Kho báu lịch sử toàn diện
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 thật sự là một kho báu về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tại đây có một báu vật vô giá từ thế kỷ XIX là toàn bộ Địa bạ Nam kỳ của nhà Nguyễn viết bằng chữ Hán Nôm. Kế đến là hồ sơ, giấy tờ của các cơ quan chính quyền từ cấp trung ương đến tỉnh, thành, từ thời Pháp thuộc (Thống đốc Nam kỳ) đến Việt Nam Cộng hòa (Phủ Tổng thống và các bộ, cơ quan hành chính…).
Ngoài ra, trung tâm còn lưu giữ nhiều tài liệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong chiến tranh. Mặt khác, các tài liệu đương đại của chính quyền sau chiến tranh, của nhiều tỉnh phía Nam cũng được trung tâm lưu giữ và bảo quản.
Mãi gần đây tôi mới có dịp được ông Vũ Văn Tâm – Giám đốc trung tâm, đưa đi thăm một số tầng lầu kho lưu trữ. Khi bước vào các phòng lạnh đặc biệt, trông thấy hàng dãy kệ sắt chuyên dùng, với hơn 12.000m kệ tài liệu, tôi bồi hồi cảm thấy như được đối mặt với hàng hàng, lớp lớp tiền nhân. Tất cả chứng tích gốc của các bộ máy chính quyền – từ công văn đến bản đồ, hình ảnh, công báo, ấn phẩm thể hiện hoạt động trên nhiều lãnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến văn hóa, xã hội, hầu như đều tề tựu về đây.
Đó không chỉ là tư liệu lịch sử liên quan đến Sài Gòn mà còn là miền Nam và cả nước. Hơn thế nữa, còn liên quan đến dải đất Đông Dương và các cường quốc Pháp, Mỹ, các cuộc chiến tranh và bang giao. Đặc biệt, về lịch sử của Sài Gòn, trung tâm có nhiều bản đồ gốc về quy hoạch thành phố, bản vẽ thiết kế và hình ảnh dinh thự, cảng, công trình công cộng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX…
Năm trước, tôi được ông Tâm hướng dẫn xem phòng lưu trữ hơn 3.000 đĩa hát trước tháng 4.1975 nói như chữ Sài Gòn xưa là “chưa bóc tem”. Ôi chao, đó chính là “báu vật” có một không hai cho những nhà nghiên cứu và say mê âm nhạc. Nó bao gồm các đĩa hát “tân nhạc” và cải lương sản xuất ở Sài Gòn từ những năm 1950, được nộp lưu chiểu cho nhà nước. Ngoài ra còn có rất nhiều đĩa nhạc phương Tây được nhập chính thức vào miền Nam. Ngay cả những bao đựng đĩa nhạc được thiết kế đa dạng, cũng là chứng tích và tư liệu quý.
Bao giờ qua giấc “ngủ đông”?
Tôi hỏi ông Tâm bao giờ có thể cho công chúng và các nhà nghiên cứu tiếp cận kho báu hơn 3.000 đĩa nhạc kể trên, ông Tâm cho biết trung tâm dự kiến mở một phòng nghe nhạc được thiết kế đặc biệt cho các đĩa nhạc quý hiếm này. Đó là ý tưởng tốt và mong rằng không dừng ở đó. Kho báu này đã “ngủ đông” quá lâu rồi, cần thức dậy để trở lại với con cháu.
Không chỉ với các đĩa nhạc xưa, đã đến lúc các tài liệu lưu trữ cần được công bố rộng khắp hơn. Nhiều năm nay, các trung tâm lưu trữ quốc gia đặt tại Hà Nội, Đà Lạt và TP.HCM đã mở cửa cho các nhà nghiên cứu và người có nhu cầu đến tìm hiểu và sao chép. Tuy nhiên, các thư mục lưu trữ quốc gia chưa được công bố trên mạng nên khách phải đến tận nơi để tra cứu trên giấy hay trên máy. Mặt khác, việc sao chép vẫn còn một số hạn chế. Việc quảng bá, giới thiệu tài liệu lưu trữ thông qua sách báo, tập san, triển lãm, internet chưa nhiều và chưa phong phú.
Trong khi ấy, nhiều nước từ lâu đã có thông lệ về thời hạn “giải mật” tài liệu lưu trữ (30 năm hay 50 năm). Cơ quan lưu trữ có thể gắn với thư viện công cộng là nơi người dân dễ dàng tìm đến để không những tra cứu tài liệu quốc gia mà còn tìm được tài liệu về gia đình, gia phả. Các tài liệu của lưu trữ nhà nước cũng như sách báo của thư viện công cộng đều có thể truy cập thư mục, hoặc tải về trực tiếp từ các website.
Tại Paris và Washington DC, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia được đặt trong những tòa nhà cổ kính, nguy nga. Chúng còn là nơi triển lãm thường xuyên các tài liệu gốc tiêu biểu cho lịch sử quốc gia như bản in đầu tiên quốc ca, bản văn tuyên ngôn độc lập, các tranh vẽ và hình ảnh sự kiện trọng đại…
Mong một ngày không xa, tại số 2Ter Lê Duẩn sẽ có một phòng đọc lớn, một phòng triển lãm hiện đại về các tài liệu lịch sử. Và sẽ còn có một bảo tàng của ngành lưu trữ cho thấy công việc sưu tầm, lưu giữ, bảo quản tài liệu quốc gia và các danh nhân được thực hiện như thế nào. Những người yêu lịch sử, yêu di sản sẵn sàng góp tay cho những công trình trân trọng giá trị và linh hồn của các thế hệ trước.