Hiếm người lui tới, nhưng vùng đất này có những đền đài, lăng mộ của các vua chúa Nubie thời cổ tại Soudan hoành tráng không thua kém kim tự tháp của các pharaon Ai Cập. Chúng đang bị đe dọa biến mất bởi các đập thủy điện trên con sông Nil cũng do các kỹ sư Trung Quốc xây dựng.
Chúng ta đã mất Nam Soudan! Lại có nguy cơ mất cả miền Tây vì cuộc xung đột tại Darfour. Nếu phía Bắc phải bị nhấn chìm trong nước thì còn lại gì?
Một rẻo đất ở miền Trung thôi ư? Chúng ta đang ở tại Nubie, cách thác nước số II, tên là Dal 40km về hướng nam.
Tại đây, các kỹ sư Trung Quốc dự kiến xây một bức tường khổng lồ cao 45m trên sông Nil. Trên đảo Sai, anh chàng Malik el-Noubi nổi khùng nói tiếp: “Cái đập nước là một con quái vật.
Nếu họ xây dựng, tôi sẽ có 30m nước nằm trên nóc nhà. Rồi nhà thờ Sai-Sab, pháo đài, các địa điểm khảo cổ, đền đài và lăng mộ vua chúa, mọi dấu vết của quá khứ còn nằm trong cát sẽ bị chôn vùi tất cả”.
Cùng với em trai là dân chài, Malik bước xuống thuyền. Anh ta rẽ một con đường cây cối rậm rạp đưa chúng tôi đến gần sa mạc.
Chỉ vào hàng rào kẽm gai, khoanh một vùng trong sa mạc Sahara, anh ta nói: “Đây là ngôi đền Amara! Chỉ có một vùng cát vàng mờ ảo cách đó vài bước chân thể hiện ra ngôi đền Amon từng được Ramses II xây dựng giống như đã bị bốc hơi từ lâu. Chỉ còn lại rõ ràng trong những bức ảnh màu trắng đen được chụp vào thập niên 1950.
Cuộc chạy đua với thời gian
Những giọng nói vang lên từ một đụn cát. Chúng tôi không phải đơn độc. Một tổ kiến thực sự hiện ra trước mắt. Một đoàn người đào bới làm việc ồn ào, gọi nhau í ới.
Chàng thanh niên người Anh đầu đội mũ Panama tiếp chúng tôi, cười nói: “Các anh có thể tìm ngôi đền lâu lắm! Nó đã bị Cơ quan khảo cổ vùi lắp để khỏi bị gió xoáy mòn”.
Neal Spencer và nhóm của mình đang chạy đua với thời gian. Lý do: bị đập thủy điện đe dọa. Chính phủ ở trong tâm thế muốn phát triển bằng mọi giá. Bất chấp tất cả.
Năm 2015, Ả Rập Saudi bắt đầu tài trợ cho nhiều đập nước. Nếu họ giữ lời hứa cho đến cùng, nhiều đập nước sẽ được xây dựng.
Một sự hợp tác cả hai cùng có lợi: người Ả Rập Saudi đang có chiến tranh tại Yemen, cần có những tay súng Soudan. Chỉ riêng con đập Dal đã nuốt trọn các ngôi đền của Đế chế mới: Amara, Sai, Sedeinga và Soleb cùng nhiều di tích thời kỳ đào vàng của thực dân tại Nubie mà người Ai Cập gọi là Nub.
Con đập Kajbar sẽ quét sạch khỏi bản đồ các ngôi đền ở Tombos, Kerma và đảo Argo: ngôi đền Wadi Sabou thời tiền sử và Dongola thời Thiên Chúa giáo.
Nhà khảo cổ người Anh nói tiếp: “Đó là diệt sạch 2/3 di tích còn lại của Nubie sau trận tàn phá của Tổng thống Ai Cập Nasser tại vùng Bắc Wadi Halfa.
Thác nước Dal không để lại dấu vết nào cả. Ở đây có nhiều đảo nhỏ với những loài chim cảnh hiếm hoi xinh đẹp, tạo ra hình ảnh một thiên đường.
Người ta thu hoạch đậu nành bằng chiếc máy gặt-đập thô sơ chế tạo thủ công. Ngôi làng Dal nấp phía sau những ngọn đồi đá, nhìn từ xa giống như một đàn voi.
Ngôi nhà điển hình của người Nubie có mặt tiền trang trí rất tỉ mỉ xinh đẹp. Dân chúng sống bằng dòng sông và đất đai hai bên bờ từ hàng ngàn năm qua. Ngồi trên bờ, mấy ngư dân đang uống trà. Họ râm ran bàn về đập nước.
“Đập nước trên sông Nil? Thế thì chẳng còn cá sấu nữa rồi!”, một người nói. Một người lớn tuổi hơn nói: “Ở tại Dal này, đập nước đã chia dân làng thành hai phe. Một phe chống, một phe ủng hộ”.
Một quá khứ vàng son
Đảo ở Nubie còn rất nhiều di tích. Như tại Sai thực sự là một kho dự trữ thời gian bởi vì các thời đại chồng chất lên nhau, từ thời Đồ đá cũ cho đến Đế chế Ottoman. Malik el-Noubie là một tay anh chị thực sự ở Sai.
Trên đỉnh cao của đảo, những pháo đài cổ hùng vĩ trấn giữ cả dòng sông. Cổng vào thành phố Malik sừng sững trấn giữ hai cái đầu cá sấu.
Anh ta nói: “Những con cá sấu này đã từng ăn thịt người nên tôi phải giết chúng. Xác của chúng là để cảnh cáo cho mọi người”.
Vừa là chiến lợi phẩm, vừa là bùa hộ thân, đó là niềm tin cổ của người Nubie, trước khi cải giáo theo Hồi giáo cách nay chỉ mới 500 năm.
Người ta nhìn thấy một lá bùa như thế trên cổ của một người đàn ông tại Soleb. Cầm một nắm đất, ném tung tóe lên cánh đồng trồng hành, hắn nói: “Tên tôi là Béchir, có nghĩa là tổng thống!”.
Hắn khoe chiếc răng cá sấu đeo trên cổ: Nó phù hộ tôi, cho tôi sức mạnh của cá sấu. Phải công nhận ở gần sông, có rất nhiều cá sấu. Béchir vạm vỡ và có vẻ như không sợ ai cả.
Hắn ra dấu cho chúng tôi đi theo. Hừng đông vừa ló dạng và ánh nắng mặt trời đã đốt cháy những hàng cột của ngôi đền Aménophis III.
Một con chồn sa mạc chạy vụt qua. Chúng tôi mò mẫm trên đống đổ nát của ngôi đền song sinh với cái ở Louxor, Ai Cập với những hàng cột chạm trổ hoa văn phức tạp.
Trên tường là vô số thần linh. Những con voi chạm khắc trên mặt đất. Sự tò mò của chúng tôi làm cho Béchir thích thú.
Hắn chồm lên chỉ vào cái phù điêu nằm trong đống ngổn ngang: đây là một cây đà ngang của hoàng cung, kia là một cái khiên cho thấy một dũng sĩ Nubie bị đánh bại: ‘Tôi không thể tưởng tượng một ngôi đền Soleb có thể bị biến mất”.
Hắn xúc động lấy từ trong túi ra một bức ảnh trắng đen của người phụ nữ có ánh mắt dịu dàng và sáng quắc.
Hắn khoe đã từng làm việc ở đây vào thập niên 1970 với nhà khảo cổ nữ người Ý Michella Schiff Giorgini, người đã dành cả cuộc đời để khôi phục ngôi đền. Câu chuyện kết thúc khi ánh nắng mặt trời chiếu sáng từ trên đỉnh của những cây cột.
Lo ngại của ngư dân
Cảnh quan này làm người ta quên đi mối đe dọa của đập nước với các ngôi đền và dân chúng Soudan tại Nubie.
Tại Djebel Dosha, lăng mộ của pharaon thần linh Sésostris III, Ali Mokhtar giải thích tác hại của đập nước đối với ngư dân.
Anh ta có nhiều vết sẹo trên mặt theo phong tục của của bộ lạc, lưng mang dao găm, đựng trong bao da kỳ đà, đặc trưng của dân du mục Hawawirs từ Wadi el-Muqqadam, một nhánh của sông Nil đến vùng thảo nguyên Bayouda.
Nhưng anh ta làm nghề gì ở đây? Bố tôi di cư đến đây do hạn hán liên tục, làm chết cả đàn gia súc. Chúng tôi chuyển sang nghề đánh cá. Anh ta thích bơi lội trên sông Nil hơn làm thợ hồ tại Ả Rập Saudi như nhiều người khác trong bộ tộc.
Không thể nào chịu đựng nổi sự tấn công của loài muỗi nimitis, tập trung dọc theo hai bờ sông Nil. Nhất là từ tháng 1 đến tháng 3, mùa thụ phấn cho cây thốt nốt. Chúng đông nghẹt như cát trong giông bão.
Chúng tấn công vào tai, mũi, mắt để hút máu và truyền bệnh khủng khiếp làm mù mắt. Mọi người đều phải đeo mạng che mặt chống muỗi hay dùng đuốc un khói.
Tại Nubie, tai họa đau thương lại thường đi chung với nguồn lợi béo bở. Phía sau ngôi đền Sedeinga, tiếng búa nặng nề của thợ mỏ vang lên ở sau những ngọn đồi trọc.
Lần theo âm thanh, chúng tôi tìm gặp giữa hai ngọn đồi một dải nhà tole rỉ sét màu nâu. Sau khi khám xét, các bảo vệ có vũ trang cho chúng tôi đi qua.
Nóng bức như địa ngục. Vô số bể lắng cặn cyanure. Một gã nhỏ con đầu đội nón kufi trắng kéo chúng tôi vào quầy hàng của mình.
Phía sau, hai người thợ áo quần rách rưới, dùng búa đập đá thạch anh, không chú ý đến ai cả. Dahab? Ngài muốn mua vàng?”.
Với ánh mắt tinh quái, hắn mở hộc tủ lôi ra một chén thủy tinh chứa đầy bột vàng nặng khoảng 1kg. Đây là cái mà Ramsès II đến đây tìm kiếm! Hắn muốn đưa hàng đến Wall Street.
Dầu hỏa vàng
Vàng là dầu hỏa mới tại Soudan. Nam Soudan ly khai vào năm 2011 làm cho đất nước này mất nguồn dầu khí.
Từ đó, phong trào đào vàng huy động trên 2 triệu người tham gia. Đất nước sản xuất hơn 100 tấn vàng/năm và năm 2018 đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 của lục địa sau Nam Phi.
Mỏ vàng lớn nhất thế giới, Hassai đã có lúc do Công ty Areva của Pháp quản lý nay là của Soudan 100%. Trong vòng 20 năm, công ty này đã sản xuất ra 60 tấn vàng.
Khai thác vàng cổ truyền đã bị chống đối với những khẩu hiệu vẽ trên tường: Không cyanure! Không thủy ngân! để nhắc nhớ mối nguy hại của chúng. Bên cạnh là các khẩu hiệu khác: Không xây đập! Không tại Dal! Không tại Kajbar!
Hình ảnh người Nubie như một dân tộc nô lệ, đã trải qua nhiều thời đại với triết lý không nói ra sự thật.
Tại thác nước số III, Kajbar là một trong những ngôi làng nổi loạn. Trong một quán cà phê nhếch nhác, đàn ông ngồi quanh bàn. Họ đang nhai arak, một loại cây gây ảo giác mọc rất nhiều ở chung quanh.
Chúng tôi gọi một dĩa đậu foul cho ba người ăn. Một người đàn ông có cặp mắt xanh dữ dội tiến đến gần. Sélim có vẻ như một tay anh chị.
Sau đó, chúng tôi mới biết tổ tiên anh ta là người Bosnia, được gởi đến vùng này để tái lập trật tự trong thời kỳ Đế chế Ottoman.
Từ đó, không khí chiến tranh lúc nào cũng sục sôi. Sau những trận tàn sát qua lại giữa các kỹ sư, nhân viên và dân chúng, con đập đã phải đóng cửa.
Người ta đồn: Chính phủ ngưng dự án tại thác nước thứ III, nhưng sẽ chuyển lên thác nước thứ II, nơi dân chúng dễ dạy hơn.
Đó không phải là một cái đập họ muốn làm. Mà là hàng loạt đập khác nữa! Quả vậy, với hai con đập đang tiến hành tại Nubie, còn ba cái nằm trong dự án.
“Nếu cứ tiếp tục, người ta sẽ gọi tổng thống của chúng tôi là Béchir Cá rô Phi!”. Dè dặt hơn Tawfiq nói: “Áp lực rất lớn”.
Một đoạn phim truyền hình lặp lại nhiều lần cảnh một nông dân bị mua chuộc nói: “Nếu có điện, tôi sẽ xem bóng đá ngay trong làng được rồi! Tất cả chuyện đó chỉ để kiểm soát người dân tốt hơn mà thôi”.
Tawfiq dẫn chúng tôi đến Wadi Sabou rất gần đó. Hoa mimosa rở rộ trên cánh đồng của thung lũng, với hàng ngàn bức họa trên vách đá từ thời tiền sử. Không ai đến nghiên cứu khi con đập thủy điện còn đang đe dọa cả vùng.
Niềm tin và mê tín
Nằm ở trên cao, một tấm bảng khổng lồ vẽ hình các tòa nhà trên nóc có thánh giá to với các kỵ sĩ cầm lao có thể là các chiến binh của đế chế Makourine, vương triều Thiên Chúa giáo cuối cùng tại Soudan.
Tại Tombos, tín ngưỡng độc thần không ngăn chận mê tín. Nơi đây nổi tiếng với bức tượng Người khổng lồ nằm ngủ. Nhiều phụ nữ đến sờ tay hay cọ bụng vào bức tượng còn chưa hoàn thành. Đó là một vị vua vô danh.
Nhìn thấy một phụ nữ lấp ló bên cạnh, chúng tôi tiến đến gần hỏi thăm. Chị ta không có con được: “Tôi đã thử bằng mọi cách: xin bùa chú, tìm đến ông cha và ăn cả trứng cá sấu. Rồi được một người bạn chỉ mánh: hãy đi tìm bức tượng này!”.
Gần thác nước số III, thành phố Kerma đang bị đe dọa nhấn chìm. Đây là kinh đô của một vương quốc không chữ viết, xây dựng quanh ngôi đền bằng gạch khổng lồ Deffuffa.
Năm 2018, nhà khảo cổ người Thụy Sĩ Matthieu Honegger tìm thấy một lăng mộ hoàng gia được bao quanh bằng bức tường thần bí gồm 1.400 xương sọ bò cái.
Nó bổ sung cho khám phá của Charles Bonnet vào năm 2003 với hàng loạt tượng vua chúa Nubie, nhất là anh hùng Taharqa, đã từng thống trị Ai Cập vào triều đại thứ 25.
Nhà khảo cổ Ahmed Nassr, tại Khartom cho biết: “Một phần lịch sử của Soudan, chứ không chỉ là Nubie đang nằm tại Kerma và Doukki Gel”.
Quan điểm này được nhiều người đồng tình tại Nam Nubie. Karima nằm tựa lưng vào ngọn núi thiêng Djebel Barkal, có nhiều kim tự tháp nhỏ và dốc đứng hơn tại Ai Cập. Không xa đó là lăng mộ các pharaon Nubie tại el-Kourrou và Nouri.
Vấn đề tài chánh
Tại Karima, các ngân hàng bóng loáng và cửa hàng đầy ấp cho thấy sự giàu sang, một điều không có tại Nubie.
Samir bán tạp hóa, cho biết nhiều quan chức Chính phủ xuất thân từ thành phố này. Cái duy nhất không hoạt động ở đây là đường sắt. Nhà ga biến thành chợ rau cải.
Tại Karima, chúng tôi gặp được cựu cố vấn của ông hoàng Qatar Saoud al-Thani, ngay từ năm 2014 đã tài trợ 135 triệu USD cho các cuộc đào bới khảo cổ tại Soudan. Một con số khổng lồ so với ngân sách tài trợ cho các nhà nghiên cứu.
Khi nào số phận của đập thủy điện còn chưa dứt khoát, hãy nỗ lực cứu vãn các di sản khảo cổ. Người ta nhìn thấy sự tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Ả Rập Saudi và Qatar tại đây.
Tháng 6-2018, Ả Rập Saudi hứa hẹn bảo đảm nhu cầu dầu hỏa của Soudan trong vòng năm năm sắp tới. Còn Qatar tài trợ xây một hải cảng hiện đại trên đảo Souakin ở Biển Đỏ. Những dự án trị giá hàng tỉ USD.