Khép mi lại và tưởng tượng quan cảnh Trung Đông, trong đầu bạn chắc chắn sẽ hiện lên mái nhà thờ của đạo Hồi, chiếc choàng trùm kín người, sa mạc cát.
Nhưng xin đừng vội cho rằng Trung Đông không còn gì khác. Giữa khu vực nóng muốn chảy mỡ đó, bạn có thể thấy cả một khoảng trời rợp kinh khí cầu đủ màu sắc, một vùng đất rực rỡ như bảy sắc cầu vồng, một hang động bạt ngàn măng – nhũ đá, một sao Hỏa ngay giữa hành tinh xanh…
1. Thành phố ngầm cổ đại
Ngày xửa ngày xưa, các núi lửa vùng Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ đua nhau phun trào, tràn những thác dung nham nóng rẫy qua các tầng đá, khoét những rãnh sâu, lỗ hổng lớn và đẽo gọt ra vô số cột đá với muôn vàn hình dạng.
Thời gian qua đi, người cổ đại dắt díu nhau tới, tiện thể đục đẽo thêm một chút vào các tầng đá hổng lỗ chỗ như tổ ong, biến chúng thành nhà cửa, đền thờ, tu viện.
Một thành phố ngày càng ăn sâu vào lòng đất ra đời, vừa là nơi ăn chốn ở, vừa là pháo đài trốn tránh và chống lại kẻ thù.
Ngày nay, Cappadocia vẫn giữ nguyên vẹn hình hài đẹp tựa thế giới cổ tích của quá khứ. Mỗi năm, hàng triệu du khách từ khắp nơi tấp nập đổ về.
Đám kinh khí cầu càng ngày càng che kín bầu trời Cappadocia, biến vùng đất đầy di tích văn hóa này thành một trong những địa điểm du lịch “hot” nhất hành tinh.
2. Đất nở hoa cầu vồng
Mỗi một mét đất đảo Hormuz, vịnh Ba Tư đều là di tích lịch sử đau thương. Dù cực kỳ khô cằn, thiếu nước, nhưng hòn đảo này lại nằm ở vị trí chiến lược mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn có.
Với eo biển nhỏ, chỗ hẹp nhất chỉ 34km, Hormuz sớm biến thành cảng thương mại lớn. Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại chuyện chiến tranh, giành giật trên hòn đảo để khám phá kỳ quan thiên nhiên tuyệt diệu của nó.
Kiến trúc tự nhiên hùng vĩ nhất của Hormuz là vòm muối. Trải nhiều năm, một lượng lớn đá muối bị đẩy lên trên bề mặt Hormuz, cao đến 186m.
Sau hàng ngàn năm từ từ nổi lên khỏi mặt nước biển, lớp đá đảo Hormuz cũng được nước và sóng kiến tạo vô vàn hình dạng đẹp. Để trí tưởng tượng bay bổng một chút, bạn sẽ chúng có hình đầu cừu, đầu chim, thậm chí là cả đầu rồng.
Theo nghiên cứu địa chất, tuổi của Hormuz là 600 triệu năm, nhưng nó chỉ mới nổi lên trên mặt biển chừng 50.000 năm. Bạn cũng sẽ được thỏa mãn nhãn quan với Thung lũng Cầu vồng kỳ diệu.
Được nhuộm màu bởi các khoáng chất tự nhiên, đất và cát đảo Hormuz lên sắc rực rỡ y như cầu vồng. Chúng bao gồm các gam màu đỏ, cam, trắng, xanh dương, xanh lá cây, vàng, tím và nâu.
Tận dụng sự đa sắc của đất, người trên đảo Hormuz đắp hẳn một “thảm đất nghệ thuật” giữa bãi biển. Bất kể họa sĩ nào từng chiêm ngưỡng thảm đất này cũng không thể ngớt trầm trồ.
Dưới cái nắng gay gắt, mọi gam màu trên thảm đất như tỏa rạng. Vé vào xem cũng khá rẻ: chỉ 2.000 toman, tức là chưa đến 1 USD/người.
3. Ốc đảo tươi tốt nhất
Được ví như viên ngọc quý giữa sa mạc Saudi, Wadi Qaraqir là hẻm núi dài 15km được cấu thành từ đá sa thạch. Đặc trưng của Wadi Qaraqir là vách đá cao ngất, cực kỳ hiểm trở song cái tuyệt vời hơn cả của nó là dòng suối trong văn vắt chảy dưới chân.
Giữa sa mạc khô cằn, dòng suối ấy hình thành một ốc đảo tươi tốt. Cây cọ đua nhau mọc, cao đến 3m. Bên dưới tán lá xòe rộng của chúng là rừng cỏ rợp ngợp, xanh tốt quanh năm.
4. Hồ nước muối sâu nhất
Dù bạn có là “vịt cạn” cũng sẽ trở thành tuyển thủ bơi lội nếu đến Biển Chết, hồ nước mặn sâu đến 400m nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan.
Nhờ độ mặn cao khủng khiếp của hồ nước này, bạn sẽ tự nổi lềnh phềnh mà không cần đến phao. Nước Biển Chết cũng có khả năng chữa bệnh.
Tuy nhiên, vì quá mặn, Biển Chết không “nuôi” được loài động thực vật nào, trừ một số loài vi khuẩn.
Thực ra, Biển Chết được cấp nước thường xuyên từ các sông suối nước ngọt tự nhiên xung quanh. Tuy nhiên, sau khi lượng nước này chảy vào Biển Chết, chúng không có lối thoát để chảy đi nơi khác.
Với cái nóng khủng bố vùng Trung Đông, nước ngọt bị bay hơi, để lại muối và các khoáng chất. Nước của Biển Chết vì thế cứ mỗi ngày lại một mặn hơn.
5. Hang động đẹp nhất
Cách Beirut, thủ đô của Liban, chừng 18km về phía bắc là hang động Jeita lừng danh thế giới. Nó bao gồm hai hang đá vôi riêng biệt nhưng lại liên kết với nhau, dài tổng cộng 9km.
Chỉ cần bước tới trước cửa Jeita thôi là bạn hiểu tại sao người ta bảo nó là hang động đẹp nhất. Nhũ đá từ trên cao rủ xuống như tấm rèm che.
Măng đá, cột đá từ dưới đất đâm lên tủa tủa. Nến thắp sáng không gian bằng các gam màu kỳ ảo. Nếu mực nước đủ cao, bạn có thể ngồi êm ả trên thuyền mà du ngắm cả hai hang.
Điều đặc biệt là các măng đá của Jeita vẫn đang phát triển, liên tục mọc thêm những kiệt tác mới bên cạnh những tạo tác thiên nhiên từ hàng nghìn năm trước.
6. Sao Hỏa trên mặt đất
Hãy đến thung lũng Wadi Rum của Jordan và bạn sẽ không phải ganh tỵ với bất cứ phi hành gia nào được tận mắt chiêm ngưỡng địa hình sao Hỏa.
Những cột đá cao chót vót bị bào mòn, uốn cong bởi gió và bão cát nghênh ngang nổi lên giữa bạt ngàn cát đỏ.
Dù nhìn xa đến tận đường chân trời, trong mắt bạn vẫn không có gì ngoài cát đỏ và những cột đá sa thạch cổ. Cả phim The Martian lẫn Rogue One: A Star Wars Story đều lấy Wadi Rum làm bối cảnh.
- Xem thêm: Ngày và đêm ở “New York của Trung Đông”
Không chỉ thế, Wadi Rum còn là nơi bảo tồn nhiều di tích văn hóa của nhiều tộc người từ thời cổ đại. Người ta tìm thấy 25.000 khắc đá và 20.000 khắc chữ tại thung lũng này. Niên đại của chúng có thể lên đến 12.000 năm.
7. Hoang mạc cát vô tận
Trải dài trên lãnh thổ của Ả Rập Saudi, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen, Rub’ al Khali là hoang mạc cát không gián đoạn lớn nhất thế giới.
Nó chiếm hẳn 1/3 phía nam bán đảo Ả Rập, rộng đến 650.000km2. Cát của Rub’ al Khali cũng khá điệu đà, chỗ mang màu đỏ, chỗ màu vàng, chỗ lại trắng xóa.
Gió sa mạc liên tục xóa sổ đụn cát cũ và hình thành đụn cát mới. Mỗi ngày, Rub’ al Khali lại có một bộ mặt khác.
Ở phía tây, Rub’ al Khali cao 610m so với mực nước biển. Nó thấp dần xuống khi đi về phía đông, còn 180m.
Rub’ al Khali được xem là một trong những sa mạc khô hạn nhất thế giới, nhưng trữ lượng dầu mỏ dưới chân nó lại nhiều cỡ bậc nhất hành tinh.
Ước đoán Rub’ al Khali có tới hàng chục tỉ thùng dầu. Trách sao các quốc gia có nó lại không giàu ngất ngưởng.