Ở hầu hết các quốc gia có một mùa đông lạnh lẽo và ảm đạm thường tổ chức lễ hội để người dân vui vẻ trong giai đoạn buồn chán này. Các lễ hội này luôn kèm một bữa ăn linh đình và cả rượu bia để làm sôi động thêm các hoạt động khác. Đôi khi, các lễ hội này đã vượt qua giới hạn của việc vui chơi, trở thành chè chén vô độ ảnh hưởng đến cuộc vui và trên thực tế là phản tác dụng.
Đồ ăn, thức uống là để nuôi dưỡng cơ thể, đó là nhiên liệu cho bộ máy cơ thể hoạt động. Ăn uống quá độ thì không có lợi cho sức khỏe và cũng không vui vì chúng ta không thể suy nghĩ sáng suốt cũng như làm việc hiệu quả sau một bữa ăn quá no.
Các loại thực phẩm ở các buổi tiệc tùng thường giàu chất béo, đường, tinh bột và muối. Chúng đặc biệt có hại cho cơ thể và cơ thể phản ứng bằng cách đi vào trạng thái “ngủ đông”. Cảm giác buồn ngủ sau một bữa ăn no là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị quá tải, cần nghỉ ngơi. Uống quá nhiều chất cồn làm cơ thể mất kiểm soát và có khi dẫn đến tử vong. Quá chén khiến cho não bộ không thể hoạt động tốt và dẫn đến mất kiểm soát hành vi.
Một lượng thức ăn vừa phải và chút ít cồn giúp ta thấy vui vẻ hơn, còn cái gì thái quá cũng có hại. Ăn quá nhiều làm ta không thể thư giãn, vui vẻ cùng người thân, bạn bè. Sau một bữa ăn no chúng ta trở nên uể oải, chậm chạp và lười biếng, ít trò chuyện hoặc tham gia vào các hoạt động tập thể. Bữa tiệc từ một buổi sinh hoạt tập thể trở thành nơi cho các cá nhân hưởng thụ và ngủ. Thay vào đó, tôi nghĩ ăn uống vừa phải, sau đó vui chơi với bạn bè và gia đình bằng cách tham gia vào một hoạt động như đi đến một nơi đặc biệt sau bữa ăn, chèo thuyền trên hồ, hát karaoke, đi dạo bằng xe đạp, trượt băng… để câu chuyện và tiếng cười sẽ tiếp tục là niềm vui nhiều hơn là việc mỗi cá nhân say bí tỉ vì uống quá nhiều.
Xem hình cưới hay hình du lịch của ai đó sẽ thú vị hơn là giết thời gian một mình trong bóng tối. Ngủ là chuyện phải làm quanh năm. Còn đây là dịp gặp gỡ với bạn bè và gia đình, nên hãy thúc đẩy tình cảm và chỉ đi ngủ khi không có ai quanh mình.
Ăn uống quá nhiều sẽ để lại hậu quả lâu dài sau kỳ nghỉ, vài kg tăng trọng này sẽ nhắc bạn nhớ đến lượng thức ăn mình đã nạp vào. Cái quần chật căng là lời thúc giục bạn phải mua một cái mới. Các bài tập và ăn kiêng để trở lại cân nặng cũ tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Vậy thì lượng thức ăn thừa nạp vào cơ thể trước đây có đáng công sức bỏ ra để lấy lại vóc dáng cũ?
Hãy đặt lên bàn cân niềm vui lúc ăn uống quá mức và công sức, tiền bạc bỏ ra để giảm vài kg cân nặng, xem ra chúng không cân bằng phải không? Tăng một hay hai ký sau một kỳ hội hè yến tiệc nghe qua có vẻ không có gì ghê gớm nhưng thử tưởng tượng mỗi năm thêm 1-2 kg, sau nhiều năm sẽ ra sao? Sau vài năm, nỗ lực giảm cân của bạn sẽ không còn đạt được kết quả như ý và số cân nặng sẽ vượt tầm kiểm soát của bạn. Nếu năm nay bạn phải nỗ lực một để giảm cân thì năm sau phải nỗ lực gấp đôi và sau vài năm thì hầu như bạn buông xuôi!
Ở Việt Nam, khả năng nhậu nhẹt được đánh đồng với nam tính. Tôi đã từng tham dự nhiều buổi tiệc, đặc biệt là tiệc cưới, khách nam thường biến nó thành một cuộc nhậu lu bù. Tại đây, đàn ông ngoại quốc thường phải viện đến lý do “bác sĩ cấm tôi uống rượu” để từ chối những lời chèo kéo này, trong khi ở nước ngoài chuyện từ chối lời mời uống bia rượu có vẻ dễ dàng được chấp nhận hơn. Ở Việt Nam, bạn mà không nhậu thì bị chê bai và không phải là đàn ông. Cá nhân tôi nghĩ nhiều tệ nạn xã hội có nguyên nhân từ rượu chè quá chén. Trong đó bạo lực gia đình và tai nạn giao thông liên quan trực tiếp đến say xỉn.
Các bệnh mãn tính như xơ gan, tiểu đường, đột quỵ có liên quan đến lượng cồn mà bạn đã tiêu thụ và điều này làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế của quốc gia. Những bệnh này mình có thể phòng tránh hoặc tự chuốc vào. Tôi nghĩ không nên để ngân sách quốc gia phải chịu gánh nặng vì sự lựa chọn của những cá nhân dại dột.
Renate Haeusler
Khôi Minh dịch (DNSGCT)