Samsung trao cơ hội cho thế hệ trẻ tiên phong với những thay đổi tích cực trong cộng đồng tại cuộc thi cùng bạn kiến tạo tương lai – solve for tomorrow 2020.
Samsung Vina phối hợp với Tổ chức Tuổi trẻ Thành đạt (JA Vietnam) tổ chức Vòng Chung kết và Lễ trao giải Cuộc thi Cùng bạn Kiến tạo Tương lai – Solve For Tomorrow 2020. Đây là sân chơi sáng tạo dành cho các em học sinh THCS & THPT ứng dụng công nghệ để đưa ra giải pháp giải quyết những vấn đề của địa phương. Là một phát kiến của Samsung toàn cầu, Solve For Tomorrow được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019.
Cuộc thi Cùng bạn Kiến tạo tương lai – Solve for Tomorrow 2020 đã trải qua 2 vòng thi, thu hút được sự tham gia của hơn 13,000 học sinh và 708 giáo viên tại hơn 90 Trường học ở Việt Nam. Tại Vòng Sơ khảo, Ban tổ chức đã nhận được bài dự thi của gần 400 đội thi từ hơn 10 tỉnh thành trên khắp cả nước, 40 đội thi tài năng đã được lựa chọn vào Vòng Phát triển sản phẩm và 10 đội thi xuất sắc nhất đã được góp mặt tại Vòng Chung kết để thi thuyết trình, chạy thử mô hình và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.
Qua các vòng chấm điểm, Ban giám khảo đã chọn ra Top 10 đội xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết, trong đó có 5 đội thuộc khu vực Miền Bắc, 5 đội thuộc khu vực Miền Nam.
Vinh danh top 10 đội xuất sắc lọt vào Vòng Chung kết và Lễ trao giải cuộc thi
1. Nhóm Tech Up – Giải pháp: Xây dựng ứng dụng “Golden Time”
Golden Time là ứng dụng cho phép phát hiện người bị té ngã: khi phát hiện người bị té ngã, ứng dụng sẽ lấy thông tin định vị GPS và gửi cho người giám sát (người thân, bạn bè thân thiết,..). Dựa vào tin nhắn khẩn cấp người giám sát có thể kịp thời tới ứng cứu người bị té ngã theo định vị và hướng dẫn đường đi từ Google Map. Ứng dụng Golden Time được lập trình bằng ngôn ngữ Java dựa trên bộ công cụ lập trình Android Studio, có thể chạy trên các hệ điều hành Android như điện thoại thông minh Samsung.
2. Nhóm Vượt thời gian đập tan thách thức – Giải pháp: Xe Robot thăm dò môi trường
Mô hình “Xe Robot thăm dò môi trường” áp dụng nhiều công nghệ đã có ở trong nước, sử dụng xe robot có gắn các module cảm biến, thay thế con người thăm dò các môi trường độc hại trước khi con người tiến vào khu vực đó. Tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ Internet Of Thing, Xe Robot thăm dò môi trường có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau cả trong dân sự lẫn quân sự, giúp đánh giá và kiểm soát được mức độ nguy hiểm của môi trường và đưa ra những phương án tiếp cận hợp lí.
3. Nhóm OCEAN – Giải pháp: Găng tay Robot giao tiếp với người câm
Dự án phát minh ‘Găng tay Robot giao tiếp với người câm’ của đội thi tại tỉnh Hưng Yên, nhằm giúp đỡ cộng đồng người câm giảm bớt khó khăn khi giao tiếp bằng việc tích hợp các cảm biến Flex Sensor để thu thập dữ liệu người dùng và xử lý dữ liệu đó bằng công nghệ AI. Khi tay thực hiện các kí hiệu đã định sẵn, cảm biến flex sensor sẽ cảm nhận chuyển động cơ học của bàn tay và truyền tín hiệu đến các vi điều khiển. Vi điểu khiển xuất tín hiệu đến module để giải mã tín hiệu ra câu lệnh có sẵn trong thẻ nhớ và khuyếch đại âm thanh đến loa để phát ra tiếng nói.
4. Nhóm KTTL_LTT1 – Giải pháp: Chế tạo gọng kính có chức năng cảnh báo ngồi học sai tư thế
Các cảm biến trên gọng kính sẽ xác định được chính xác khoảng cách từ mắt tới mặt bàn, sách vở theo hướng nhìn. Từ đó có thể xác định khoảng cách giữa mắt và bàn, sau đó đưa ra cảnh báo khi học sinh nghiêng đầu nhiều về một bên vai. Gọng kính cảnh báo học sinh khi ngồi học, viết, đọc sách, làm việc với máy tính sai tư thế, giúp điều chỉnh lại tư thế ngồi của mình.
5. Nhóm Sao Băng – Giải pháp: Máy vẽ tranh theo mẫu
“Máy vẽ hình theo mẫu” vận dụng công nghệ tạo ra rô bốt biết vẽ tranh nhờ các vật liệu tận dụng từ máy tính, thiết bị radio, TV hỏng. “Máy vẽ hình theo mẫu” có thể vẽ được nhiều bức tranh, chữ có nội dung khác nhau tùy thuộc và thiết kế của người sử dụng. Có thể mở rộng công năng của sản phẩm bằng cách thay thế đầu vẽ thành bút vẽ laze để tạo ra các tác phẩm tranh 3D, tranh khắc trên các chất liệu khác nhau.
6. Nhóm Tò mò – Giải pháp: Bộ thiết bị hỗ trợ kiểm tra y tế
Từ thực trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, các bạn học sinh thuộc đội thi “Tò mò” tại tỉnh Đồng Nai đã sáng tạo ra sản phẩm “Bộ thiết bị hỗ trợ kiểm tra y tế” có các chức năng: đo thân nhiệt, khai báo y tế bằng mã QR và sát khuẩn tay tự động. Sử dụng công nghệ cảm biến nhiệt hồng ngoại và module quét mã QR, bộ thiết bị cho phép tự động hóa quy trình đo thân nhiệt, khai báo y tế và sát khuẩn tay, với cách lắp đặt đơn giản và chi phí thấp nhằm chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.
7. Nhóm GO IN SAFETY – Giải pháp: Thiết bị cảnh báo nguy hiểm giao thông ngược chiều ở các góc khuất tầm nhìn
Thiết bị sử dụng cảm biến siêu âm cùng với vi điều khiển Arduino để phát hiện và báo hiệu có đối tượng lưu thông ngược chiều tại các khúc cua khuất tầm nhìn. Mục đích của giải pháp là tạo ra một thiết bị có thể cảnh báo, tăng sự chú ý cho người tham gia giao thông bằng tín hiệu đèn tại những khúc cua bị che khuất tầm nhìn, khi có hai phương tiện lưu thông ngược chiều hoặc có vật cản như súc vật, người đi bộ… thay thế cho gương lồi, biển báo.
8. Nhóm HOA HƯỚNG DƯƠNG – Giải pháp: Ghế chống cong vẹo cột sống
Ghế chống cong vẹo cột sống tích hợp mạch điện tử để tự động hóa nhận biết và nhắc nhở khi người học ngồi sai tư thế. Từ đó nhắc nhở bằng âm thanh và tác động lực để sửa khi người học ngồi sai tư thế. Bên cạnh đó, ghế còn tích hợp bộ đếm thời gian nhắc nhở thời gian học hợp lý và có khả năng tự động nhắc nhở bật đèn nếu khu vực ngồi học không đủ ánh sáng.
9. Nhóm HNV – Giải pháp: Thiết bị bẫy sâu rầy trên ruộng rau sử dụng năng lượng mặt trời
“Thiết bị bẫy sâu rầy trên ruộng rau sử dụng năng lượng mặt trời” bắt và tiêu diệt được một số loại côn trùng gây hại. Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động trong các điều kiện thời tiết khác nhau, từ đó thu hút và bẫy sâu rầy trên ruộng, giúp giảm bớt công việc của người nông dân.
10. Nhóm Meoracle – Giải pháp: Hệ thống thu gom rác tự động
Hệ thống thu gom rác tự động gồm có: Nhà xe (nạp năng lượng cho xe chạy), khu tập trung rác, khu xử lý rác và hệ thống giao thông dưới lòng đất. Hệ thống vận hành theo quy trình: Mọi người sẽ bỏ rác vào thùng, khi nào rác đầy thì cảm biến sẽ gửi tín hiệu đến xe. Từ đó, xe sẽ đi dựa trên line vạch sẵn tới khu tập kết rác và hệ thống sẽ tự động đưa rác vào thùng xe. Xe sẽ chở rác về nhà máy xử lý rác thải và quay về nhà xe để nạp lại năng lượng.
Với tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 600 triệu đồng, Ban tổ chức cuộc thi “Cùng bạn kiến tạo tương lai – Solve For Tomorrow 2020” sẽ trao 03 giải Nhất, Nhì, Ba và 07 giải khuyến khích cho các thí sinh và giáo viên lọt vào vòng chung kết. Trong đó Giải Nhất là 01 bộ sản phẩm của Samsung (Máy tính bảng Samsung Galaxy Tab A 10.1 inch + Phụ kiện di động ) và 01 chuyến tham quan thành phố công nghệ và trụ sở chính của Samsung tại Hàn Quốc cho các thành viên trong đội thi.
- Giải Nhất thuộc về: Nhóm Vượt thời gian đập tan thách thức – TP Hà Nội – Giải pháp: Xe Robot thăm dò môi trường
- Giải Nhì thuộc về: Nhóm HNV – Tỉnh Bến Tre – Giải pháp: Thiết bị bẫy sâu rầy trên ruộng rau sử dụng năng lượng mặt trời
- Giải Ba thuộc về: Nhóm Tech Up – Tỉnh Thái Nguyên – Giải pháp: Xây dựng ứng dụng “Golden Time”
- Giải Khuyến khích:
- Nhóm OCEAN – Tỉnh Hưng Yên – Giải pháp: Găng tay Robot giao tiếp với người câm
- Nhóm Tò mò – Tỉnh Đồng Nai – Giải pháp: Bộ thiết bị hỗ trợ kiểm tra y tế
- Nhóm GO IN SAFETY – Tỉnh Kiên Giang – Giải pháp: Thiết bị cảnh báo nguy hiểm giao thông ngược chiều ở các góc khuất tầm nhìn
- Nhóm KTTL_LTT1 – Tỉnh Lào Cai – Giải pháp: Chế tạo gọng kính có chức năng cảnh báo ngồi học sai tư thế
- Nhóm HOA HƯỚNG DƯƠNG – Tỉnh Đồng Tháp – Giải pháp: Ghế chống cong vẹo cột sống
- Nhóm Meoracle – TP Hồ Chí Minh – Giải pháp: Hệ thống thu gom rác tự động
- Nhóm Sao Băng – Tỉnh Hòa Bình – Giải pháp: Máy vẽ tranh theo mẫu
Tầm ảnh hưởng của cuộc thi và mô hình giải pháp cho địa phương và xã hội
Những dự án được lựa chọn tham gia tại Vòng Chung kết đã mang đến những giải pháp có tính ứng dụng thực tiến rất cao, mang lại đóng góp tích cực đối với cộng đồng. Một số mô hình công nghệ nổi bật được trình bày tại Vòng Chung kết có thể kể đến như: Găng tay Robot giao tiếp với người câm; Xe Robot thăm dò môi trường; Thiết bị cảnh báo nguy hiểm giao thông ngược chiều ở các góc khuất tầm nhìn; Thiết bị bẫy sâu rầy trên ruộng rau sử dụng năng lượng mặt trời,…
Ông Suh Kyung Wook, Tổng Giám Đốc, Công ty Điện tử Samsung Vina chia sẻ: “Thông qua chương trình Solve for Tomorrow, Samsung mong muốn tạo dựng nền tảng về kiến thức lẫn kỹ năng, giúp các em học sinh phát triển khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để biến ý tưởng thành hiện thực, đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Trên thực tế, chúng tôi rất vui mừng khi những đề tài của năm nay đều là những giải pháp mang tính thực tiễn cao, gắn liền với bối cảnh xã hội Việt Nam, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống của cộng đồng địa phương.”
Ông Bùi Tiến Dũng – Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên chia sẻ: “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu việc làm trong ngành công nghệ thông tin. Việc trang bị những kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực CNTT thông qua sự cọ xát tại những cuộc thi sẽ giúp các bạn học sinh xây dựng ước mơ có được công việc tốt và được săn đón tại những doanh nghiệp lớn. Cuộc thi “Cùng bạn Kiến tạo tương lai – Solve for Tomorrow 2020” đã mang đến một sân chơi vô cùng ý nghĩa và bổ ích cho các bạn học sinh trên khắp cả nước, tạo tiền đề cho các bạn học sinh tiếp tục tham gia những Cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức như: Cuộc thi “Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật” hay Cuộc thi “Học sinh, Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”,…”
Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng – Tổng Giám đốc BK-Holdings – Đại diện BGK Cuộc thi nhấn mạnh: “Đơn vị tổ chức Cuộc thi rất chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và hỗ trợ các đội thi. Dựa trên bảng tiêu chí chấm điểm được xây dựng công phu và thống nhất từ nhiều tháng, BGK đã có phần đánh giá rất chi tiết và lựa chọn được những đội thi xuất sắc nhất từ hàng trăm bài dự thi trên khắp cả nước. Hy vọng rằng, từ Cuộc thi SFT 2020, các bạn học sinh sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê và lan toả tình yêu công nghệ với thật nhiều thế hệ thanh thiếu niên trên khắp cả nước, nhằm đóng góp những giải pháp tích cực cho cộng đồng và xã hội.”
Kể từ năm 2010, Samsung Solve For Tomorrow đã mang đến cho hàng triệu sinh viên cơ hội giải quyết các vấn đề xã hội đồng thời phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo của họ.
Đây là cuộc thi dành cho học sinh THCS & THPT (với sự hướng dẫn của Giáo viên), khuyến khích các em chủ động xây dựng các giải pháp ứng dụng Robotics và công nghệ, có giá trị ứng dụng thực tiễn để giải quyết những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như Xã hội, Môi trường, Giáo dục, Y tế & Sức khoẻ.