Sau khi đoạt danh hiệu Á khôi thể thao từ những năm đầu của thập niên 1990, Kim Khánh bước lên sân khấu ca nhạc – thời trang như muốn khai thác tiềm năng còn ẩn náu của bản thân. Và chính điện ảnh đã giúp chị tỏa sáng. Tuy không có nhiều vai diễn như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh nhưng các vai diễn của Kim Khánh gây được ấn tượng bởi lối diễn xuất có chiều sâu, nồng nàn và rất có cá tính. Đặc biệt, chị có “đôi mắt biết nói” mà các đạo diễn điện ảnh rất thích.
Thảo Linh trong phim Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một vai diễn được đánh giá cao của Kim Khánh. Phim nói về quan hệ giữa một người phụ nữ quyến rũ, đầy đam mê và một đại gia với số phận chìm nổi nhưng không tầm thường. Là một người đẹp nhưng ngay cả trong những cảnh “nóng” nhất, Kim Khánh cũng không bao giờ để sắc đẹp rơi vào sự dung tục. Trong đoạn phim Thảo Linh làm tình với người đàn ông của mình, Khánh vẫn khéo léo để nhân vật cuốn hút khán giả bằng tình yêu nồng nàn mà không cần đến những động tác gây “bỏng con mắt”. Chính chị đã đề nghị đạo diễn Phi Tiến Sơn cho mình tự phác họa cách lột tả tình cảm trong suốt cả trường đoạn ấy. Cảnh diễn rất đạt, đến mức chỉ cần một lần bấm máy quay là xong. Hình tượng nhân vật trong cảnh cho khán giả thấy cả thể xác và tinh thần của Thảo Linh đã hòa quyện đầy đam mê, nhưng đau đớn báo hiệu một kết cục bế tắc mà số phận sẽ phải gánh chịu. Kim Khánh thích phiêu lưu trong số phận của các nhân vật, luôn tìm cho mình những điểm sáng về tâm hồn nhân vật để diễn. Những trĩu nặng đa đoan, những truân chuyên, bối rối của người đàn bà được chị thể hiện rất thành công. Vai Bích Trầm trong kịch Trần gian phải có tình yêu là một kỷ niệm đẹp khác mà chị để lại cho sân khấu.
Cũng vì đam mê nghệ thuật mà Kim Khánh đi học đạo diễn. Vở Cầu vồng khuyết do Quỹ chương trình phòng chống AIDS tài trợ mới ra mắt khán thính giả tại sân khấu IDECAF và đã tạo ngay một hiệu ứng mạnh về chủ đề lẫn phong cách dàn dựng trẻ. Lâu nay, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đã trở thành một chủ đề quen thuộc, vì vậy làm kịch theo đề tài này sao cho mới mẻ, hấp dẫn, không trùng lắp là rất khó. Muốn hướng khán giả vào tận cùng nỗi đau của những người đồng tính, Kim Khánh tự viết kịch bản và làm đạo diễn vở Cầu vồng khuyết. Ở đó, Lâm (Dương Lâm đóng) và Cường (Dương Cường thủ vai) đến với nhau bằng tâm hồn, bằng những rung cảm như một cặp đôi hoàn hảo. Cuộc sống dù ở thời hiện đại vẫn chưa chấp nhận tình yêu đồng giới, đẩy họ vào thế giới nhỏ bé của những người khiếm khuyết, dị dạng. Thế là Lâm phải giấu mình trong cuộc hôn nhân với Uyên (Kim Hiền vào vai), còn Cường bỏ đi xa, tồn tại trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Cả hai đều muốn có một cuộc sống bình dị như bao người nhưng chính tiếng nói tâm hồn, những khát khao từ đáy lòng họ cứ trỗi dậy. Thế rồi bộ ba Cường, Lâm và Uyên đều bị rơi vào bi kịch. Từng lời thoại của mỗi nhân vật đều bộc lộ nỗi đau cũng như sự thành khẩn sâu sắc của họ. Không có những giao đãi kiểu kịch sinh hoạt, lời kịch được kết hợp khá ăn ý với phần âm nhạc phụ họa của Nguyên Bảo. Có lẽ hiếm có một vở kịch mà âm nhạc được sáng tác đúng với chủ đề theo từng cảnh như vậy. Kim Khánh để vở kịch chuyển cảnh liên tiếp, mỗi chuyển cảnh là một sự dồn nén trong biến cố tâm lý của các nhân vật. Chính vì thế, tiết tấu kịch nhanh, khoáng đạt nhưng vẫn đủ sức làm sáng lên thế giới uẩn ức bên trong tưởng như dị biệt của các nhân vật.
Từ kinh nghiệm diễn xuất và bản lĩnh xử lý những tình huống “nóng”, Kim Khánh biết cách dàn dựng để những pha yêu đương của hai chàng trai trên sân khấu chinh phục được khán giả. Những câu thoại sâu sắc về thế giới tâm hồn, những giai điệu âm nhạc như cuộc đối thoại không lời đầy day dứt, những động tác tạo hình tình tứ quấn quít dưới ánh sáng viền được chiếu rọi vào nhân vật trên nền cầu vồng… đã tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo như một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đích thực. Trong vở diễn, Kim Khánh cố tình không để cho các nhân vật của mình có vai trò chính, phụ rõ ràng. Chị quan niệm vai nào cũng là chính, vì vậy mỗi biến cố, mỗi nhân vật có mặt trên sân khấu đều góp phần xứng đáng giúp khán giả cảm nhận được đời sống của những người đồng tính vốn rất éo le. Bà mẹ của đứa con bị AIDS, cô gái điếm và tên ma cô…, tất cả đều hiện lên với nỗi đau rất đời. Cầu vồng khuyết chuyển đến khán thính giả một thông điệp: Chính cách nhìn nhận và coi những người đồng tính như những con bệnh khiến thế giới càng khó chống đỡ với căn bệnh của thế kỷ.
Một cơ hội có lẽ sẽ đến với Kim Khánh trong năm nay khi chị được mời làm đạo diễn phim Cầu vồng không sắc. Trong quá trình bàn bạc chuẩn bị giữa đoàn làm phim và nhà sản xuất, Kim Khánh lại chọn vai diễn thay vì đạo diễn để giữ được tiếng nói riêng của mình. Trong phim, chị vào vai một bà mẹ sống với tình yêu thương con cái vô bờ bến nhưng ai ngờ chính tình yêu thương đó lại khiến bà rơi vào tội ác với con mình. Rất thích vai diễn này, chị tâm sự: “Tôi vào vai bà mẹ bằng tất cả trải nghiệm về cuộc đời mình. Tôi đã sống và chứng kiến những nỗi đau của người em của mình, rồi cả nỗi khổ lẫn niềm vui của những người bạn, đồng nghiệp đồng giới. Tôi mong chúng ta chia sẻ một cái nhìn thân thiện hơn với thế giới những người đồng tính”.
Nhận lời đóng phim không phải vì tiền cát-sê, mà vì bị nhân vật bà mẹ cuốn hút, Kim Khánh không ngại hóa thân thành một nhân vật xấu xí. Trước đây, chị đã từng nhanh chóng chuyển từ vai người đẹp đầy quyền lực trong phim Lưới trời sang vai một cựu người mẫu hết thời ở phim Đam mê của đạo diễn Vinh Sơn. Một khi đã nhận lời vào vai, chị luôn sống trọn với nhân vật của mình. Những ngày làm phim là khoảng thời gian Kim Khánh vắt kiệt cả sức lực lẫn trí óc cho vai diễn. Chị thổi bùng những cuộc phiêu lưu của tâm hồn qua các vai diễn và kết quả là những điều khó quên đã đọng lại trong lòng đông đảo khán thính giả.
Việt Nga (DNSGCT)