Thanh khoản và điểm số của thị trường tuần qua không tăng mạnh như kỳ vọng. Việc thiếu thông tin hỗ trợ khiến cho diễn tiến các phiên giao dịch khá trầm lắng. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HoSE giảm 16,7% so với tuần trước, còn trên HNX khối lượng khớp lệnh cũng giảm 20,6%. Thị trường đi vào giai đoạn mà các phiên tăng giảm xen kẽ với biên độ khá nhỏ, dù những phiên giảm điểm có biên độ mạnh hơn. Vậy nên, kết thúc tuần, cả hai chỉ số chính của thị trường đều đi xuống. Với hai phiên tăng và ba phiên giảm điểm, VN-Index giảm 7,87 điểm (tương ứng 1,32%), dừng ở 586,1 điểm. Trong khi đó với một phiên tăng và bốn phiên giảm, HNX-Index đã mất 1,06 điểm (1,24%), chỉ còn 85,72 điểm.
Có thể nói, thị trường đang ở trong một vòng xoáy ngắn hạn, với các nhà đầu tư đang rất thận trọng trong mua bán và đặc biệt là tranh thủ chốt lời ngay khi được giá. Áp lực chốt lời cao đến mức có nhiều cổ phiếu được phân tích là có thể tăng mạnh và đang giao dịch dưới giá trị thực, thế nhưng chỉ sau vài ba phiên tăng giá đã lập tức quay đầu giảm điểm do lực bán ra quá lớn. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà đầu tư nước ngoài – vốn được đánh giá cao với chiến lược đầu tư dài hạn – cũng tham gia vào cuộc chơi ngắn hạn hiện nay. Cụ thể, sau hơn chục phiên mua ròng liên tục, đà mua của khối ngoại đã chững lại, chuyển sang xu hướng bán ròng với đối tượng chính là những mã mua vào không lâu trước đó. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên cả hai sàn tuần qua lên tới gần 300 tỉ đồng. Điều này chứng tỏ họ chưa có niềm tin vào khả năng tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn hiện nay. Như một vòng lẩn quẩn, chính việc khối ngoại bán ròng lại là nguyên nhân khiến cho tâm lý giao dịch chung trầm lắng và hai chỉ số giảm điểm. Bởi nói gì thì nói, những giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh trước đây thường gắn liền với sự mua ròng mạnh của khối ngoại. Một khi khối ngoại cũng chú trọng giao dịch trong ngắn hạn, chốt lời như đa số nhà đầu tư cá nhân trong nước thì thị trường không tăng điểm cũng là điều dễ hiểu.
Thông tin giá xăng và giá điện cùng tăng dù mang tính hỗ trợ trong ngắn hạn cho ngành năng lượng, với các doanh nghiệp lĩnh vực dầu khí và điện, nhưng lại có tác động tiêu cực đối với thị trường chung. Tuy nhiên, mức độảnh hưởng cũng không lớn, vì việc điện sẽ tăng giá cũng đã được thông báo từ trước, còn giá xăng thì sau một thời gian dài giảm giá, nếu có tăng trở lại cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo nhiều nhà phân tích, bên cạnh tác động từ khối ngoại, chính việc các công ty chứng khoán đồng loạt hạn chế tỷ lệ cho vay margin, song song đó là các quy định, thông tư mới ban hành từ phía Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc cho vay kinh doanh chứng khoán mới là nhân tố tác động mạnh đến thị trường trong giai đoạn hiện nay. Mốc 600 điểm vẫn là một thách thức chinh phục cho VN-Index khi mà các thông tin mang tính hỗ trợ mạnh đang thiếu. Các chỉ số liên quan đến kinh tế vĩ mô không có gì mới, trừ tín hiệu tích cực của lãi suất – đang tiếp tục giảm. Khối các doanh nghiệp vẫn đang cho thấy sự hồi phục, số lượng doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tốt tăng lên, số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ giảm. Ngoại trừ một số doanh nghiệp được các nhà đầu cơ chú ý do có kết quả kinh doanh đột biến, nhà nước thoái vốn, phát hành thêm cổ phiếu…, đa số các cổ phiếu trên sàn chưa hấp dẫn được dòng tiền. Thời gian qua, các cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm và sự tăng giảm điểm của nhóm này mang tính dẫn dắt cao.
Trong thời gian tới, dòng tiền có thể vẫn duy trì xu hướng này, tức là không tăng giảm theo nhóm ngành, mà tập trung vào nhóm các mã có thông tin tích cực được tung ra trong mùa đại hội cổ đông. Những thông tin bao gồm vấn đề chia cổ tức, dự kiến kết quả kinh doanh trong quý I, hay các doanh nghiệp được kỳ vọng có lợi nhuận tăng bất ngờ từ những diễn biến liên quan tới thị trường tiền tệ thế giới… Tuy nhiên, sự gia tăng ấy chưa đủ để tạo nên sự tăng vọt về điểm số cho VN-Index. Chỉ khi có một sự đột biến của dòng tiền, có thể đến từ khối ngoại, hoặc từ ngân hàng chảy sang chứng khoán do lãi suất tiết kiệm giảm, thì thị trường mới vào giai đoạn tăng trưởng thực sự.
Sự đột biến về điểm số chưa xuất hiện trong phiên đầu tuần (16-3). Cả hai sàn tiếp tục có một phiên “đỏ rực”. Kết phiên, VN-Index giảm 5,3 điểm, xuống 580,8 điểm. Toàn sàn HoSE có 141 mã giảm điểm trong khi chỉ 83 mã tăng điểm. Giá trị giao dịch dù chưa cao, chỉ 1.816,5 tỉ đồng nhưng cũng đã khá hơn so với vài phiên liền trước. Chính điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư hy vọng là dòng tiền bắt đáy bắt đầu quay lại khi VN-Index trở về vùng giá 580 điểm.
Thành Huân (DNSGCT)