Khi tháng 12 trôi về những ngày cuối và thị trường vẫn “xìu xìu ển ển” làm nản lòng cả những người lạc quan nhất, người ta phải lục tìm những số liệu cũ để trấn an nhau, rằng sang năm mới, thị trường sẽ khởi sắc thôi, đừng quá lo lắng.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán có chung một kịch bản, đó là khi chuyển từ năm cũ sang năm mới, VN-Index lại thẳng tiến, có năm chỉ số còn tăng mạnh ngay từ cuối tháng 12. Nguyên nhân của hiện tượng này, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán nước ngoài cũng vậy, đó là tháng 12 ít có tin tốt, còn sang năm mới thì ngược lại. Ngoài ra, với một thị trường còn bị chi phối khá lớn vào giao dịch của khối ngoại như nước ta, một khi nhà đầu tư nước ngoài Âu – Mỹ nghỉ ngơi (cho kỳ nghỉ lễ từ Giáng sinh đến đầu năm mới), thanh khoản của thị trường cũng sút giảm, giao dịch trở nên cầm chừng. Các quỹ ETF cũng đã tái cơ cấu xong danh mục nên không còn mua bán ồạt…
Nếu chỉ là “nguyên nhân chung” như vậy, thì cơ hội bật lên của thị trường vào đầu năm mới là có thể. Sang năm 2016, khi các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 118 (nới room cho khối ngoại) sẽ sớm được giải quyết, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường. Ngay từ đầu năm mới, việc áp dụng thời gian T+2 sẽ đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển tiền và cổ phiếu. Rồi các kết quả kinh doanh quý IV và cả năm của doanh nghiệp niêm yết lần lượt được công bố sẽ khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu của các doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Thêm vào đó, sẽ có nhiều nhà đầu tư tin vào yếu tố chu kỳ (năm mới, thị trường thường tăng điểm) và sau một giai đoạn khá dài kể từ đầu tháng 11 thị trường giảm mạnh có thể kích thích tâm lý “bắt đáy” ở một số nhà đầu tư khác, dẫn tới việc có thêm dòng tiền mới đổ vào thị trường.
Dù vậy, cũng nên nhấn mạnh rằng tính chu kỳ không hề tồn tại trong chuỗi tăng hoặc giảm giá của một cổ phiếu hay điểm số của thị trường chứng khoán. Nhiều năm liền thị trường tăng điểm vào dịp đầu năm không có nghĩa là tháng 1-2016 cũng sẽ tăng điểm. Giá của một hay một nhóm cổ phiếu, cũng như các chỉ số chỉ bị chi phối bởi thông tin tích cực hay tiêu cực liên quan mà thôi. Năm nay, nhìn chung những con số thống kê về tinh hình kinh tế vĩ mô khá tích cực, GDP tăng 6,68%, cao hơn hẳn mức tăng của giai đoạn 2011-2014 trong khi lạm phát thấp nhất trong hơn 10 năm qua (chỉ tăng 0,63%). Tính đến thời điểm 30-11, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã được đưa về mức 2,72%, chắc chắn hoàn thành mục tiêu đề ra là dưới 3% trong năm 2015. Sự ra đời các doanh nghiệp mới có thể xem là một thước đo độ phục hồi của nền kinh tế, khi những năm kinh tế trì trệ thì số doanh nghiệp đăng ký mới thường thấp hơn số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động. Năm 2015, có gần 95 ngàn doanh nghiệp mới thành lập trong khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chỉ khoảng 80 ngàn. Ngoài ra, có trên 21 ngàn doanh nghiệp từng phải ngừng hoạt động do khó khăn nay đã quay lại sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp mới tăng, niềm tin của người tiêu dùng cũng đang được cải thiện, Theo đó, chỉ số Niềm tin tiêu dùng Việt Nam của ANZ – Roy Morgan đã tăng 2,5 điểm, lên 144,8 điểm trong tháng 12, mức cao nhất từ khi khảo sát được thực hiện và cũng là mức cao nhất tại châu Á. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc chính thức có hiệu lực hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt.
Với những thông tin tích cực kể trên, rất dễ để cho rằng tương lai của nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ là màu hồng trong năm mới. Tuy nhiên, những nhà đầu tư thận trọng có nhiều điều để băn khoăn. Việc khối ngoại tiếp tục bán ròng sau khi đã “xả hàng liên tục” gần hai tháng trên thị trường chứng khoán không chỉ là do các quỹ ETF tái cơ cấu, hay “phản ứng quá đà” với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng USD nữa, mà đang cho thấy thái độ thận trọng của họ đối với tình hình chung. Tỷ giá VND/USD chưa ổn định. Lãi suất đồng nội tệ cũng đứng trước sức ép phải hạ xuống. Quan trọng hơn, những vấn đề của kinh tế vĩ mô vẫn còn khá bất ổn, với nỗi lo nợ công và năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh kém của doanh nghiệp trong nước. Khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực, những bất ổn này sẽ bộc lộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nền kinh tế.
So với số điểm 545,63 vào cuối năm 2014, chỉ số VN-Index năm 2015 này không tăng nhiều, tuy nhiên độ biến động khá lớn (xem hình). Các nhà đầu tư trong nước đang chờ đợi khối ngoại giải ngân, tốt nhất là thật mạnh mẽ trong năm mới, quay lại vị thế mua ròng khi các yếu tố khiến họ lo lắng được giải tỏa. Lúc đó, một kịch bản “đầu xuôi đuôi lọt” cho thị trường chứng khoán nước ta trong năm 2016 mới có thể diễn ra.
Tuấn Thành (DNSGCT)