Cuối năm Âm lịch, như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, thị trường chứng khoán cũng sôi động để chuẩn bị cho kỳ nghỉ tết kéo dài. Giai đoạn này trùng với quãng đầu năm Dương lịch, thời điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài thường mở trạng thái mua ròng. Thêm vào đó, kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết cũng lần lượt được công bố trong tháng 1. Vì những điều kể trên, khoảng thời gian ba tháng đầu năm Dương lịch thường là cơn gió lành với thị trường chứng khoán, với sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử, những phiên tăng điểm và sự đi lên đáng khích lệ của hai chỉ số (VN-Index và HNX-Index). Dữ liệu thống kê cũng cho thấy trong những năm gần đây, chỉ số VN-Index trong quý I đều tăng, mức tăng trung bình lên đến 20%. Các biến số kinh tế vĩ mô năm qua cũng khả quan, chẳng hạn xuất khẩu tăng 13,6%, vốn FDI giải ngân tăng 7,4% (đạt 12,35 tỉ USD) so với một năm trước đó và lạm phát cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong chín năm vào tháng 12-2014… Các chuyên gia kinh tế dự báo năm nay GDP có thể hoàn thành mục tiêu tăng 6 – 6,2% (so với mức tăng 5,98% của năm 2014), lạm phát cũng chỉ dưới 4%, giúp các doanh nghiệp tiếp tục giảm được chi phí sản xuất và phát triển, trong khi cán cân thanh toán sẽ tiếp tục thặng dư bốn năm liên tiếp. Những dự báo tăng trưởng trong quý I năm nay, vì vậy, rất dễ trở thành hiện thực, đặc biệt khi thị trường chứng khoán vừa có một giai đoạn giảm điểm mạnh vào cuối năm, khiến cho giá cổ phiếu trở nên rẻ hơn tương đối nếu so với giá của chứng khoán tại các thị trường trong khu vực.
Mà không chỉ các chuyên gia trong nước dự báo VN-Index sẽ tăng trong thời gian tới, cụ thể là trong quý I-2015, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng có cùng nhận định đó. Như kết quả một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện gần đây, với đối tượng là 11 nhà phân tích trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã dự báo chỉ số VN-Index trong năm 2015 sẽ tăng lên mức cao nhất trong bảy năm và dừng trong khoảng 655 điểm vào cuối năm. Theo những chuyên gia này, chỉ số P/E của các cổ phiếu trên thị trường nước ta đang là 12,5 lần, so với mức 14,3 lần của chỉ số MSCI Đông Nam Á. Lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ tăng 10% trong năm nay, trong sự tương quan với mức dự báo giảm 2% của các cổ phiếu thuộc MSCI Đông Nam Á. Đó là chưa kể mức dự báo tăng trưởng GDP trên 6% lần đầu tiên kể từ năm 2011 chứng tỏ các ngành sản xuất – kinh doanh trong nước đã thực sự phục hồi và việc lạm phát giảm khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh bất ổn của tình hình thế giới, sựổn định về chính trị – xã hội của nước ta chính là một điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Các dự báo tăng trưởng còn chưa bao gồm tiềm năng tăng trưởng của nước ta, khi quy mô của thị trường chứng khoán còn nhỏ, chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trên HoSE trong năm 2014 chỉ khoảng 2.200 tỉ đồng, chưa bằng 1/4 mức giao dịch hằng ngày của thị trường chứng khoán Indonesia. Room (tỷ lệ sở hữu tối đa) dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng hạn chế khả năng tiếp cận của họ đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy, dù 2014 là năm thứ chín liên tiếp khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán nước ta nhưng mức mua chỉ khoảng 136 triệu USD, chưa bằng số lẻ so với mức mua của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Philippines (1,25 tỉ USD) và không đáng kể so với mức mua ròng 3,76 tỉ USD của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Indonesia. Một khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh hơn vào thị trường chứng khoán bên cạnh các nhà đầu tư trong nước, mức độ biến động của thị trường sẽ ít dần và sự tăng trưởng càng trở nên bền vững.
Trở lại với kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2014 được các doanh nghiệp niêm yết công bố lần lượt thời gian qua, lợi nhuận năm ngoái của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện đáng kể, trong đó những ngành thủy sản, hàng tiêu dùng dịch vụ, điện, xây dựng… đạt mức tăng trưởng cao hơn mức chung. Trong khi đó, lần giảm giá (xăng RON 92 giảm 1.900 đồng/lít xuống 15.670 đồng/lít) vào chiều 21-1 vừa qua là lần giảm thứ 15 liên tiếp của giá xăng trong nước. Diễn biến này hoàn toàn tương đồng với việc giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm qua, đang giao dịch trong vùng giá dưới 50 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thế giới vẫn trong xu thế giảm bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 22-1 chính thức công bố gói kích thích kinh tế trị giá 60 tỉ euro/tháng, từ tháng 3-2015 đến tháng 9-2016. Con số này cao hơn mức được giới phân tích dự báo trước đó là 50 tỉ euro/tháng. Cần nói thêm rằng sự trì trệ của kinh tế châu Âu chính là một trong những nguyên nhân khiến cho giá dầu giảm đi gần một nửa trong năm 2014. Ngay sau khi quyết định này được công bố, thị trường chứng khoán Âu – Mỹ đã phản ứng khá tích cực. Theo các chuyên gia kinh tế, gói kích thích kinh tế của ECB có thể sẽ giúp châu Âu tăng trưởng trở lại, từ đó cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu và ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán.
Trên hai sàn HoSE và HNX, ngay từ đầu năm, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ thúc đẩy một số ngân hàng sáp nhập để tái cơ cấu đã giúp cho cổ phiếu của các ngân hàng lớn “ghi điểm”. Giới chuyên gia đánh giá, năm nay, ít nhất là trong quý I-2015, cổ phiếu ngân hàng sẽ thay thế dòng cổ phiếu dầu khí dẫn dắt thị trường. Những ngày vừa qua, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, MBB, CTG… đều có những bước tăng mạnh mẽ, như VCB chỉ sau ba tuần giao dịch đầu tiên của năm 2015 đã tăng từ 31.900 đồng lên 37.100 đồng, tăng đến 16,3%. Dòng tiền đổ vào các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là từ khối ngoại và các nhà đầu tư tổ chức, đang chứng tỏ nhận định này là đúng đắn. Dòng tiền cũng hướng vào các doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 vượt kỳ vọng của thị trường và một số nhóm ngành dự báo tăng trưởng cao như bất động sản, xây dựng và các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ chi phí nhiên liệu giảm hay từ sự suy yếu của đồng euro.
Thành Huân (DNSGCT)