Vậy là VN-Index chưa thể tìm được động lực đủ mạnh để chinh phục mốc 640 điểm trong tháng 7. Trong tuần cuối tháng 7, VN-Index giảm 1,62%, xuống còn 621,06 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,38%, chỉ còn 85,13 điểm. Mức giảm không lớn, chỉ như là một bước điều chỉnh nhẹ của thị trường sau một giai đoạn khá dài tăng trưởng mạnh. Thanh khoản trên thị trường cũng không có nhiều biến động, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HoSE tăng nhẹ 7,4%, trong khi giảm nhẹ 9,8% trên HNX so với tuần trước đó. Thị trường diễn ra trong thế giằng co và tầm ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt dần giảm bớt.
Sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong suốt tháng 7 vừa qua là nét chính trong dòng chảy vốn quốc tế và cũng có tác động tương hỗ đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán mức độ giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại trước xu hướng rút lui của dòng vốn nước ngoài ra khỏi Trung Quốc và họ còn lo ngại hơn khi quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater (tổng tài sản gần 170 tỉ USD) mới đây đưa ra lời khuyến cáo các nhà đầu tư nên rời bỏ nền kinh tế thứ hai thế giới. Theo quan điểm của Bridgewater, hiện nước này không còn nơi nào an toàn để đầu tư, ngay cả những người không bị mất tiền do chứng khoán cũng bịảnh hưởng về tâm lý, từ đó hoạt động kinh tế cũng bị tác động tiêu cực. Việc các quỹ đầu tư lớn rút khỏi thị trường Trung Quốc đã tạo thành một làn sóng. Để rút vốn, họ phải bán cổ phiếu, mua USD, không chỉ làm cho thị trường chứng khoán nước này lao dốc mà còn khiến cho đồng USD thêm tăng giá trên thị trường thế giới. Số vốn rút ra khỏi quốc gia này một phần sẽ được chuyển về trụ sở chính của các quỹ, phần còn lại được đầu tư vào các thị trường có triển vọng lạc quan về kinh tế cũng như an toàn cho đầu tư. Vấn đề là các thị trường này – trong đó có nước ta – làm sao để có thể thu hút, hấp thụ nguồn vốn đầu tư mới, đồng thời tránh được tác động tiêu cực của các quỹ đầu tư quốc tế một khi họ hoạt động tại thị trường trong nước. Khách quan mà nói, quy mô hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán nước ta không lớn, đầu tư nước ngoài chủ yếu là đầu tư trực tiếp, dài hạn, nên thị trường chứng khoán chưa bịảnh hưởng quá nhiều.
Đồng USD vẫn duy trì mức giá cao trong bối cảnh lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khá rõ ràng khiến cho các nhà đầu tư trên thế giới đã chuẩn bị tâm lý đón nhận. Việc margin trên thị trường chứng khoán New York đang ở mức đỉnh khiến cho nhiều nhà phân tích lo ngại thời điểm FED dự kiến tăng lãi suất (tháng 9 tới) có thể dẫn đến một đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhỏ trong lãi suất của đồng USD có lẽ sẽ không tạo ra ảnh hưởng gì lớn. Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi mà kinh tế Mỹ duy trì đà hồi phục tốt như hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ đạt được mức tăng trưởng tương ứng trong trung hạn.
Trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, tháng 7, dù các nhà đầu tư nước ngoài duy trì xu hướng mua ròng nhưng giá trị tương ứng (747,91 tỉ đồng) đã giảm mạnh so với tháng 6. Không những vậy, tuần cuối cùng tháng 7, khối ngoại bán ròng 47,58 tỉ đồng, do hoạt động chốt lời các mã bluechip. Động thái này của khối ngoại cũng khiến tâm lý giao dịch chung của thị trường bị tác động và là một trong những nguyên nhân khiến hai chỉ số suy giảm, do thị trường đang khá phụ thuộc vào biến động của nhóm bluechip. Thị trường dù chưa bước vào vùng nguy hiểm, mức độ rủi ro ngắn hạn chưa cao, nhưng cũng đang phải trải qua những ngày khó khăn. Kỳ vọng về đàm phán TPP kết thúc trong tháng 7 đã không thành. Việc TPP không đạt được thỏa thuận cuối cùng vào phút chót khiến cho những ai đang chờ đợi “đón sóng” phải thất vọng. Việc thị trường phản ứng bằng những phiên điều chỉnh là tất yếu.
Đúng như những phân tích trước đó, khi kết quả đàm phán TPP không thuận lợi, thị trường đã phản ứng một cách khá tiêu cực. Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 (3-8), hàng loạt cổ phiếu “đỏ sàn”, các cổ phiếu liên quan đến TPP như TCM, HVG, BVH… đều giảm sàn. Với 174 mã giảm và chỉ 48 mã tăng điểm, VN-Index mất đi 11,59 điểm, lui về mốc 609,47 điểm. Thanh khoản khá, với tổng trị giá 2.707,265 tỉ đồng. Đây là một dấu hiệu khá tích cực trong bối cảnh hiện nay, chứng tỏ rằng dòng tiền vẫn chưa bị rút ra khỏi thị trường, mà chỉ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu tốt đã rơi về trạng thái quá bán ngắn hạn, gần các mức hỗ trợ, sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ. Lực cầu khá mạnh ở vùng giá thấp cho thấy sự phục hồi trong các phiên tới là có khả năng.
Thành Huân (DNSGCT)