Tháng 5 với thị trường chứng khoán nước ta những năm gần đây không phải là khoảng thời gian thích hợp để tăng trưởng, khi có đến bốn trên năm năm gần nhất (trừ năm 2013) thị trường đều giảm điểm. Năm nay, đối diện với khá nhiều thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô, cộng thêm lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và khối ngoại vẫn đang mua ròng, liệu thị trường có thể xoay chuyển được tình thế?
Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê thì thị trường năm nay có nhiều nét tương đồng với năm ngoái, đó là hai chỉ số cũng đã có đợt giảm điểm mạnh vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 và sau đó giao dịch lình xình. Nếu lịch sử lặp lại, nửa đầu tháng 5 là lúc thị trường đi xuống, còn nửa cuối tháng sẽ chứng kiến sự phục hồi, dù chung quy cả tháng vẫn là tình trạng giảm điểm. Những nhà đầu tư thận trọng rõ ràng đang theo dõi sát sao thị trường chứ không giải ngân và đó là lý do vì sao diễn biến trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ lại giằng co đến vậy. Trong bối cảnh không có các tin hỗ trợ đủ mạnh và dòng tiền nội đang rụt rè như hiện tại, rất có khả năng thị trường tháng 5 này sẽ rơi vào một kịch bản kém lạc quan.
Một trụ đỡ của thị trường trong giai đoạn vừa qua chính là khối ngoại. Việc họ quay lại mua ròng liên tiếp nhiều phiên trên cả hai sàn giao dịch với giá trị mua ròng hơn 2.000 tỉ đồng đã giúp thị trường không quá bi quan như hiện tại. Diễn biến mua ròng của khối ngoại một phần do đồng USD bắt đầu điều chỉnh sau một giai đoạn dài tăng giá kỷ lục so với các đồng tiền mạnh trên thế giới, phần khác do quỹ ETF VNM liên tiếp thu hút thêm lượng lớn chứng chỉ quỹ với giá trị premium ở mức cao. Động thái mua ròng của khối ngoại có thể còn tiếp tục nếu lưu ý rằng kể từ năm 2012, quý I năm nay là quý mà thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng thấp nhất so với các quý cùng kỳ trước đó, vì vậy chỉ tiêu tăng trưởng của các quỹ đầu tư nước ngoài trong các quý còn lại sẽ phải cao hơn cùng kỳ của các năm trước để bù lại. Thêm vào đó, mức P/E của thị trường chứng khoán nước ta đang rẻ hơn tương đối so với các thị trường trong khu vực, nên các quỹ đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục đẩy mạnh mua ròng trong quý II nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng cao vào các quý còn lại của năm. Nếu điều này xảy ra, tương đồng với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái, sự giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại sẽ góp phần giúp thị trường đi lên sau một giai đoạn dài điều chỉnh.
Như đã đề cập, hệ số P/E của thị trường chứng khoán nước ta đang khá hấp dẫn, giảm về khoảng mức 12 (so với mức 13 thời điểm cuối năm ngoái), thấp nhất so với P/E trung bình của các thị trường trong khu vực (khoảng 17-18). Cùng với yếu tố lãi suất huy động của ngân hàng đang ở mức thấp, nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt khá, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, thị trường chứng khoán nước ta đang ở vùng giá hấp dẫn tương đối so với các nước trong khu vực. Tiềm năng tăng trưởng và mặt bằng giá so sánh tương quan của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ quyết định đến động thái của khối ngoại, đặc biệt là các quỹ tương hỗ theo đuổi mục đích đầu tư giá trị dài hạn. Hoạt động mua vào của khối ngoại đã xác thực cho tính hấp dẫn của các cổ phiếu trên thị trường hiện nay.
Thị trường hiện đang chờ dòng tiền đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước để tích lũy và tăng điểm. Rất có thể nhiều nhà đầu tư sẽ theo dõi thêm một khoảng thời gian rồi mới giải ngân. Nếu vậy, giai đoạn tới có thể chứng kiến một sự giằng co và điều chỉnh, cũng là thời cơ tốt cho các nhà đầu tư trung và dài hạn lựa chọn tích lũy những cổ phiếu tốt. Đó có thể là những mã đang thu hút được dòng tiền mạnh từ cả khối ngoại lẫn khối nội, như nhóm cổ phiếu ngân hàng – được cho rằng sẽ dẫn dắt thị trường trong giai đoạn hiện tại, hay một số nhóm cổ phiếu tốt thuộc các ngành như dầu khí, bất động sản, vật liệu xây dựng. Nhóm cổ phiếu dầu khí đang có mức tăng trưởng cao hơn thị trường là nhờ sự hồi phục của giá dầu và sự đảo chiều của dòng vốn ngoại, nên khá phù hợp với những mục tiêu ngắn hạn, vì chúng sẽ lên xuống theo diễn biến của giá dầu thế giới.
Kịch bản kém lạc quan cho nửa đầu tháng 5 đã thể hiện ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ (4-5). Cả hai sàn đều “đỏ rực” ngay từ đầu phiên và đến khi kết thúc, sắc đỏ cùng sự bi quan bao trùm. Với chỉ 28 mã tăng trong khi có đến 229 mã giảm (65 mã giảm sàn), VN-Index mất đi 17,32 điểm, dừng ở 545,08 điểm. Thanh khoản khá với 1.774,41 tỉ đồng, do dòng tiền bắt đáy hoạt động tương đối. Với diễn tiến như thế này, những ngày đầu tháng 5 sẽ còn nhiều khó khăn với thị trường chứng khoán.
Thành Huân (DNSGCT)