Trong tuần qua, VN-Index tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Ba (21-10) nhờ vào sự tăng giá của các blue-chip, đặc biệt là GAS và VIC. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng được mua bán khá tích cực, đem đến những hy vọng về một sự hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra. Sau một phiên tăng mạnh, lại có một phiên giảm mạnh để lấy đi những điểm số VN-Index vừa đạt được. Áp lực chốt lời ở GAS, VIC đã nhanh chóng xuất hiện cùng với việc OGC bị bán tháo trong phiên ngày thứ Năm, khiến tâm lý thận trọng dâng cao, hoạt động xả hàng diễn ra trên diện rộng. Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn hấp thụ gần hết lượng cung này, phần nào trấn an tâm lý hoảng loạn của một bộ phận nhà đầu tư. Tuy vậy, tâm lý chung vẫn là thận trọng, giao dịch diễn ra rất giằng co. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 6,23 điểm (1,07%) đạt 591,51 điểm, trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0,59 điểm, dừng ở 87,05 điểm. Thanh khoản giảm mạnh trên hai sàn giao dịch, với mức giảm 21,7% trên HoSE và 21,9% trên HNX.
Đáng chú ý trong tuần có sự kiện cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương đột ngột giảm giá và bị bán tháo. OGC là một cổ phiếu blue-chip trong rổ VN30, vì vậy việc cổ phiếu này bị xả hàng, giá giảm mạnh khi chưa nhiều người biết rõ nguyên nhân khiến nhà đầu tư khá hoang mang, bán ra những cổ phiếu khác mình đang nắm giữ với giá thấp để nhanh chóng thoát khỏi thị trường. Hành động này kéo theo sự giảm giá của nhiều mã khác, hệ quả là VN-Index mất hơn tám điểm trong phiên giao dịch ngày 23-10. Dù có hơn 22 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, OGC kết thúc phiên thảm họa này ở trạng thái dư bán sàn với số lượng lớn. Tiếp đến, việc một số công ty chứng khoán thông báo cắt giao dịch ký quỹ (margin) cổ phiếu OGC khiến cho lực cung cổ phiếu này càng gia tăng, do khi tỷ lệ margin bị thay đổi thì nhiều nhà đầu tư phải bán chứng khoán ra đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình.
Đến cuối tuần, thông tin chính thức về việc người đứng đầu của Tập đoàn Đại Dương bị điều tra mới được công bố. Biến cố này cộng hưởng với việc thị trường đang suy giảm do khối ngoại tiếp tục bán ròng, nỗi ám ảnh margin cùng khuyến cáo giảm tỷ trọng cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán… đã khiến cho sự thận trọng thắng thế trong giao dịch. Dù vậy, việc giá các cổ phiếu rẻ hơn nhiều so với trước lại đem đến cơ hội cho những người có nguồn tiền và muốn gia nhập thị trường. Nhiều cổ phiếu tốt đang ở mức giá hấp dẫn, rất phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn.
Điểm tích cực là các nhà đầu tư nước ngoài đã mua nhiều hơn những tuần trước, giúp cho mức bán ròng tuần qua của họ chỉ còn 33,4 tỉ đồng. Dù vậy, sau tám tuần liên tiếp, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.710 tỉ đồng. Trong khi đó, khối tự doanh của các công ty chứng khoán dù còn duy trì trạng thái mua ròng nhưng cũng đã bán mạnh trong phiên cuối tuần (24-10). Tính cả tuần, khối tự doanh mua ròng 16 tỉ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng trong bốn tuần gần đây lên hơn 160 tỉ đồng. Việc khối tự doanh bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu trong phiên cuối tuần cho thấy tâm lý thận trọng không chỉ tác động đến các nhà đầu tư cá nhân mà đã “tấn công” cả các tổ chức và không ai có thể đoán trước diễn biến của thị trường trong ngắn hạn.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (27-10), những tưởng thị trường có thể vượt qua “cú sốc” OGC để bước vào giai đoạn tích lũy, nhưng đến cuối ngày tình trạng bán tháo lại diễn ra trên diện rộng. Có đến 209 mã giảm điểm (23 giảm sàn, trong đó có OGC) và chỉ 38 mã tăng giá, khiến VN-Index giảm 10,71 điểm, dừng ở 580,8 điểm. Thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, với chỉ 104,194 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá 1.754,49 tỉ đồng.
Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh và không có nhóm cổ phiếu nào – dù tốt – có thể trụ lại được lâu dài. Như nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi tăng khá ổn định trong khoảng thời gian dài đã bước vào giai đoạn giảm khá mạnh, khiến những nhà đầu tư chậm chân bị thua lỗ. Kinh tế vĩ mô thời gian qua vẫn khá ổn định ở mức tích cực và quý III vừa qua là quãng thời gian ăn nên làm ra của các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp tiếp tục cải thiện nhờ tiêu thụ được hàng hóa, giảm chi phí lãi vay và khoản vay bằng đồng euro, yen Nhật giảm xuống do chênh lệch tỷ giá. Lợi nhuận chín tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Mức P/E trung bình của cả hai sàn giao dịch đều dưới 15, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các thị trường chứng khoán trong khu vực. Sau đợt sụt giảm mạnh hơn một tháng qua, nhiều cổ phiếu của nhiều nhóm ngành trở nên hấp dẫn. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dệt may, thủy sản… có khả năng tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Thành Huân