Sau hai tuần đi ngang, cuối cùng thì VN-Index cũng đã có biến động, đáng tiếc là theo hướng tiêu cực, phiên tăng điểm thì chỉ tăng nhẹ, còn phiên giảm điểm thì giảm mạnh. Sau ba phiên giảm và hai phiên tăng, VN-Index tuần từ 17 đến 21-11 đã giảm 12,33 điểm, dừng ở mức 588,03 điểm. Điểm tích cực chỉ nằm ở thanh khoản khi tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 146,7 triệu đơn vị/phiên, tăng 21,24% so với tuần trước, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.542,36 tỉ đồng, tăng 18% so với tuần trước. Chỉ số HNX-Index cũng tương tự với hai phiên tăng và ba phiên giảm điểm, kết thúc tuần giảm 1,6 điểm, dừng ở 89,14 điểm. Cũng giống như sàn HoSE, thanh khoản trên HNX cũng tăng mạnh, tăng 34,63% về lượng và 37,71% về giá trị so với tuần trước đó.
Điểm nhấn của tuần qua không gì khác hơn là câu chuyện margin. Có điều, sự việc trở nên đáng nói hơn khi không còn là vấn đề của một số công ty chứng khoán, mà là “nhà tài trợ” của thị trường – các ngân hàng thương mại. Ngay từ đầu tuần, người ta đã râm ran về một sự siết chặt trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến những nhà đầu tư đang giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán. Tác động của tin đồn khiến cho thị trường có hai phiên giảm điểm liên tiếp (18 và 19-11). Và khi mà thị trường vừa hồi phục bằng một phiên tăng khá (20-11) thì “tin đồn” chính thức trở thành tin thật. Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng được công bố. Theo đó, dù trên lý thuyết hạn mức tín dụng cho vay cổ phiếu của hệ thống ngân hàng là trên 20 ngàn tỉ đồng, nhưng một trong những điều kiện để ngân hàng thương mại được cấp tín dụng kinh doanh cổ phiếu là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Quy định này khiến nhiều nhà đầu tư và công ty chứng khoán cho là Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách siết cho vay chứng khoán, vì tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại đang cao hơn mức 3%.
Trên thị trường, nhóm bị tác động nhiều nhất từ thông tư này là các nhà đầu tư tư nhân có vay vốn từ ngân hàng để đầu tư chứng khoán. Dù vậy, thị trường sẽ không bị tác động ngay, do tỷ lệ nợ xấu được tính theo số tự báo cáo của các tổ chức tín dụng chứ không phải theo số giám sát của Ngân hàng Nhà nước và với các hợp đồng được ký kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành (1-2-2015), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Nghĩa là còn hơn ba tháng nữa thông tư này mới thực sự tác động đến thị trường, tuy nhiên tính chất của thị trường chứng khoán là phản ứng tức thời. Phiên cuối tuần qua chính là cách mà thị trường phản ứng với thông tin đó: các cổ phiếu bị điều chỉnh mạnh trên diện rộng, với 179 mã giảm giá so với chỉ 56 mã tăng giá. Trong ngắn hạn, thông tư này sẽ còn có tác động tiêu cực đến thị trường khi một phần nguồn vốn từ các ngân hàng nhỏ hoặc có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ bị hạn chế.
Tất nhiên, một thị trường chứng khoán phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên việc giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng và tiền gửi của người dân. Ngoài ra, nguồn vốn của ngân hàng nếu tập trung đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong đầu tư, kinh doanh chứng khoán, vì vậy, là rất cần thiết.
Ngoài ra, việc thị trường giảm điểm trong tuần qua không chỉ từ thông tư này, mà còn từ nhiều tin đồn khác cộng với việc khối các nhà đầu tư nước ngoài cùng với khối tự doanh của các công ty chứng khoán cùng bán ròng. Trên cả hai sàn, khối ngoại đã bán ròng 346,96 tỉ đồng, còn sau bảy tuần mua ròng liên tục, khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đã bán ròng với giá trị hơn 93 tỉ đồng.
Dù diễn tiến tuần qua là khá tiêu cực, nhưng do dòng tiền bắt đáy vẫn đổ vào các cổ phiếu giá thấp nên thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức khá. Tuy nhiên, tác động của “cú sốc margin” vẫn ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong ngày giao dịch đầu tuần (24-11). Với 178 mã giảm giá và chỉ 48 mã tăng giá, VN-Index tiếp tục mất 5,5 điểm, xuống còn 582,53 điểm. Nghĩa là trong dài hạn, Thông tư 36 sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh hơn, tránh được những rủi ro hệ thống, còn trước mắt thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, với những phiên đỏ sàn liên tiếp.
Thành Huân