Sau hơn hai tháng (kể từ phiên giao dịch ngày 12-8), VN-Index mới tìm lại được cột mốc 600 điểm. Con số tròn trĩnh này thực sự gây ấn tượng khi mà thị trường chứng khoán trong nước cũng như toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Trong tuần giao dịch từ 19 đến 23-10, với ba phiên tăng điểm và hai phiên giảm điểm, đà đi lên của VN-Index tiếp tục được duy trì và quan trọng hơn, ngưỡng 600 đã được chinh phục sau khi VN-Index tăng 1,47%, dừng ở 601,74 điểm. Cùng chiều, HNX-Index cũng tăng 0,46%, đạt 81,55 điểm. Không khó hiểu khi đi kèm với sự gia tăng chầm chậm của điểm số là sự sụt giảm về thanh khoản, bởi tâm lý thận trọng của người mua khi giá cổ phiếu đã trở nên đắt hơn và một số nhà đầu tư mua được cổ phiếu giá rẻ trước đó chốt lời để bảo vệ thành quả. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HSX giảm 10,2% so với tuần trước, chỉ đạt 493,5 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 8%, chỉ còn 176,1 triệu cổ phiếu được giao dịch. Diễn tiến chậm rãi này cho thấy những ngày tới thị trường sẽ còn trồi sụt quanh mốc 600 với VN-Index và 80 với HNX-Index. Nếu tâm lý chốt lời chiếm ưu thế, hai chỉ số sẽ quay đầu. Ngược lại, khi tâm lý tích cực là chủ đạo, đà tăng sẽ tiếp tục duy trì. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn ở trên mức trung bình của 20 phiên ở những phiên tăng điểm và dòng tiền đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, chưa có tín hiệu rút ra khỏi thị trường. Động lực chính của hai chỉ số chủ yếu vẫn là kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng và bất động sản. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đồng hành với hướng đi lên của hai chỉ số, khi mua vào gần 200 tỉ đồng trong tuần qua. Việc họ duy trì mua ròng trong phần lớn các phiên giúp giới đầu tư duy trì tâm lý ổn định.
Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng chậm chạp. Giá dầu và giá vàng đều trên đà giảm, kinh tế của một số nước châu Âu cũng như Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn. Cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất tái cấp vốn cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,05%/năm, bất chấp trước đó các chuyên gia kinh tế cho rằng ECB nên nới lỏng các chính sách tiền tệ để chống lại tình trạng lạm phát thấp kéo dài tại 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Trong khi đó, ở Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này hạ lãi suất cơ bản đồng nhân dân tệ (lần thứ sáu liên tiếp) và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ở trong nước, thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp niêm yết lớn vẫn đang hỗ trợ tốt cho các mã chứng khoán liên quan và cả thị trường. Việc thoái vốn của SCIC khỏi các doanh nghiệp tốt như VNM, FPT… trong bối cảnh hàng hóa hiện tại không còn nhiều sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài đã mở ra cơ hội cho khối ngoại tiếp cận nhiều hơn với những cổ phiếu bluechip. Điều này cũng cho thấy sự hoạt động khá hiệu quả của SCIC. Sau 10 năm, đơn vị này đã bảo toàn và phát triển nguồn vốn ban đầu với các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục. Hiện SCIC đang quản lý 230 khoản vốn Nhà nước với tổng giá trị sổ sách là 17 ngàn tỉ đồng, có giá thị trường ước gần 78 ngàn tỉ đồng.
Trong giai đoạn tăng trưởng vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản góp phần không nhỏ, đây cũng là nhóm cổ phiếu được đánh giá sẽ dẫn dắt thị trường từ nay đến cuối năm. Mối lo ngại sẽ có điều chỉnh vẫn hiện hữu, tuy nhiên cũng cần thấy rằng trong đợt tăng giá gần đây của thị trường, mức độ dòng tiền lan tỏa thường không diễn ra mạnh trên diện rộng mà luôn có sự tập trung cục bộở các nhóm ngành khác nhau, do vậy hướng đi của nhiều mã cổ phiếu cũng có sự khác biệt đôi chút so với thị trường chung. Điều này có nghĩa là dòng tiền sẽ vận động đến nhóm có thông tin tích cực, nhưng cũng vì vậy mà hai chỉ số khó có sự bứt phá do không có nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ. Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sớm đưa ra quyết định tăng lãi suất trong thời gian tới cũng là một lực cản cho sự gia nhập của dòng tiền ngoại.
Phiên giao dịch đầu tuần (26-10) thể hiện rõ xu hướng dao động của dòng tiền. Gần như đồng thuận tăng điểm suốt phiên, nhưng đến phiên giao dịch ATC, lệnh bán dồn dập đã khiến cho sắc đỏ bao trùm hai sàn. Với 135 mã giảm giá trong khi chỉ 89 mã tăng giá, VN-Index giảm 3,13 điểm, lùi về 598,61 điểm, chính thức mất mốc 600 vừa đạt được. Thanh khoản vẫn ở mức trung bình với 1.983,773 tỉ đồng. Trong thời gian tới, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục “co kéo” quanh mốc này để chờ xác định xu hướng mới.
Thành Huân (DNSGCT)