Dù khá trầm lắng trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán trên thực tế vẫn đang làm tốt vai trò thu hút dòng tiền để tạo nguồn vốn dài hạn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến cuối tháng 10-2014, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán đã đạt 1.202 ngàn tỉ đồng (tương đương 33,53% GDP), tăng khoảng 253 ngàn tỉ đồng so với cuối năm 2013. Trên hai sàn đã có 670 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được niêm yết với tổng giá trị theo mệnh giá là 421 ngàn tỉ đồng, tăng 18% so với thời điểm cuối năm 2013.
Như vậy, thị trường vẫn đang đi lên một cách khá vững chắc trong dài hạn. Còn hiện tại, như dự báo từ tuần trước, xu thế của thị trường đang là đi ngang, độ tăng giảm điểm không nhiều. Tuần từ 10 đến 14-11, với bốn phiên giảm điểm và chỉ có một phiên tăng điểm, VN-Index đã mất đi 2,23 điểm, xuống còn 600,36 điểm. Và thế là sau hai tuần, VN-Index lại gần như không đổi (thời điểm 31-10 là 600,84 điểm). Sự dích dắc của VN-Index trong vùng giá 600 điểm cho thấy một sự giằng co khá quyết liệt, dòng tiền chỉ quẩn quanh giữa các nhóm cổ phiếu để kiếm tìm lợi nhuận ngắn hạn. Trong khi đó, HNX-Index tuần qua có một sự khởi sắc nhẹ, tăng 1,33%, đạt 90,74 điểm. Thanh khoản chính là điểm sáng của thị trường, khối lượng giao dịch trên cả hai sàn đều tăng mạnh, mức tăng là 20,2% trên HoSE (lên 661,5 triệu đơn vị) và tăng đến 47,2% (lên 380,4 triệu đơn vị) trên HNX, nhờ sự đóng góp không nhỏ của một số cổ phiếu thuộc họ dầu khí do các doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý III khá ấn tượng.
So với tuần đầu tháng 11, tuần giao dịch thứ hai của tháng có nhiều thông tin báo cáo kết quả kinh doanh của các cổ phiếu niêm yết hơn và thế là dòng tiền có dịp lần lượt đổ vào các mã có tin tốt và bỏ rơi những mã có kết quả lợi nhuận kém cỏi. Các nhóm cổ phiếu blue-chip, chứng khoán, khai khoáng, xây dựng, bất động sản và dầu khí được giao dịch mạnh và đa phần có mức tăng giá khá. Dù đà tăng không quá mạnh nhưng cũng giúp thị trường duy trì được thanh khoản khá. Đặc biệt, những thông tin truyền miệng về khoản lợi nhuận đột biến trong báo cáo kết quả kinh doanh chưa công bố khiến cho một số cổ phiếu trở nên “nóng”, được giao dịch với khối lượng lớn và giá tăng mạnh. Tuy nhiên, tâm lý “thoát hàng” nhanh khiến cho áp lực chốt lời diễn ra liên tục, ít cổ phiếu nào duy trì được đà tăng quá lâu.
Những cảnh báo về rủi ro cho thị trường do hoạt động margin có thể đem lại cuối cùng cũng khiến nhiều công ty chứng khoán chủ động cắt giảm hoạt động này. Một phần do áp lực nội tại, khi công ty chứng khoán không thể cho vay vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu, một phần do tỷ lệ margin trên toàn thị trường đã ở mức nguy hiểm. Việc các công ty chứng khoán chủ động siết lại hoạt động margin cũng như giảm tỷ lệ margin đối với một số cổ phiếu “nóng” một cách khá đột ngột và đồng loạt vào cuối ngày 13-11 là nguyên nhân chính khiến thị trường có một phiên giao dịch cuối tuần (14-11) khá u ám. Áp lực bán ra tăng đột biến ngay từ đầu và kéo dài suốt phiên khiến cho cả hai chỉ số giảm mạnh, số cổ phiếu “đỏ sàn” bỏ xa số cổ phiếu tăng và đứng giá. Thậm chí nhiều cổ phiếu ra tin tốt trong ngày này cũng bị vạ lây, khi không thể tăng giá. Cũng may là lực cầu giá thấp vẫn duy trì khá ổn định khiến cho đà giảm của VN-Index không quá mạnh và cột mốc tâm lý 600 điểm vẫn còn được duy trì, dù khá mong manh.
Sau hai tuần mua ròng, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh gần 399 tỉ đồng trên HoSE trong khi khối tự doanh của các công ty chứng khoán vẫn duy trì trạng thái mua ròng. Động thái bán ròng của khối ngoại có lẽ chỉ nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư chứ không phải là xu hướng, nên không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của thị trường. Khi mà VN-Index đang dao động trong biên độ hẹp và sự tích lũy là tích cực với thanh khoản tăng dần như hiện nay, triển vọng đi lên của thị trường là có và hai chỉ số sẽ tăng mạnh nếu có thêm dòng tiền từ khối ngoại. Các yếu tố vĩ mô ngày một tích cực hơn và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang tốt nên triển vọng của thị trường trong thời gian tới là khả quan. Một sự tích lũy các cổ phiếu cơ bản trong vùng giá hấp dẫn như hiện nay và chờ sự bứt phá của thị trường là điều mà các nhà đầu tư cá nhân có thể thực hiện.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (17-11), vẫn là sự giằng co về giá giữa các cổ phiếu. Thị trường tiếp tục đi ngang, dù thanh khoản có giảm đi, tổng giá trị giao dịch chỉ còn 1.982,6 tỉ đồng. Việc có 117 mã tăng giá so với 100 cổ phiếu giảm giá đã giúp VN-Index nhích nhẹ 0,57 điểm, lên 600,93 điểm.
Thành Huân