Sau nhiều giai đoạn như chọn ngành, chọn trường, nộp hồ sơ, đến khi nhận được thư mời nhập học rồi, chặng đường chuẩn bị cho quá trình hành trình du học vẫn chưa hết gian nan. Điểm đến cuối cùng – xin visa – cũng gây lo lắng cho không biết bao nhiêu phụ huynh và học sinh. Nếu như thư mời nhập học là chứng nhận của nhà trường về khả năng học tập và tiếp thu của một học sinh thì visa chính là chứng nhận của một chính phủ về khả năng học sinh đó có thể sinh hoạt, học tập tại đất nước họ. Quá trình xin và phỏng vấn visa hoàn toàn độc lập với quá trình nhập học của nhà trường, và cũng có những quy định riêng mà học sinh cần phải lưu ý. Visa quan trọng đến mức nếu một học sinh được nhận học nhưng bị từ chối visa thì giấc mơ du học cũng phải dang dở.
Visa – Những điều cần biết
Visa, hay còn gọi là thị thực nhập cảnh – là tên gọi chung của một loại giấy tờ do chính phủ một nước cấp cho người nước ngoài muốn đến nước họ. Tùy vào độ dài, tính chất của chuyến đi mà có các loại visa khác nhau. Phổ biến nhất phải kể đến visa du lịch có thời gian lưu lại ngắn dành cho khách du lịch với ít điều kiện kèm theo nhất, kế đến là visa thương mại và visa tạm trú. Visa du học nằm trong loại visa tạm trú, có thời gian kéo dài và có thể gia hạn trong suốt quá trình du học. Vì là loại visa tạm trú nên các yêu cầu kèm theo để xin visa đi du học khá phức tạp và theo nhiều quy trình. Đa phần các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Anh, New Zealand, Canada hay các nước thuộc Liên minh châu Âu đều có những yêu cầu tương đương về visa đối với du học sinh. Tùy vào mỗi nước mà yêu cầu có thể khác nhau, tuy nhiên đa phần các giấy tờ cần phải chuẩn bị là:
– Thư mời nhập học từ một trường thuộc quốc gia mà học sinh đang nộp visa.
– Chứng minh tài chính.
– Tất cả các bằng cấp và bảng điểm, cũng như điểm của các kỳ thi tiêu chuẩn mà chương trình học yêu cầu.
– Các giấy tờ cá nhân khác.
Sau khi đã chuẩn bị xong các giấy tờ cần thiết, công việc cần làm tiếp theo là đặt lịch hẹn để phỏng vấn visa. Đây được xem là giai đoạn khó khăn và thử thách nhất trong cả quy trình. “Trước khi cho cháu đi du học, tôi có biết một gia đình người bạn cũng đã phải gặp nhiều điều bất tiện khi xin visa du học. Không biết gặp phải vấn đề visa thế nào mà gia đình đó đã hoãn vé máy bay đến hai lần, ảnh hưởng đến tâm lý cả bố mẹ lẫn con. Đến lúc cho cháu nhà mình xin visa đi du học, tôi và ông xã đã phải tìm hiểu thông tin và tìm lời khuyên từ những nguồn tin cậy, chuẩn bị tinh thần cho con không khác gì đi thi. Cũng may cháu phỏng vấn một lần là đậu. Lời khuyên của tôi dành cho các vị phụ huynh và học sinh là đừng chủ quan trong vấn đề xin visa. Không phải cứ được nhận vào học bởi một trường nào đó là chắc chắn sẽ đậu được visa”, chia sẻ của chị Mỹ Dung (Q.3, TP.HCM).
Sau khi đã xin được visa, một vấn đề nữa mà phụ huynh và học sinh cần phải để ý chính là thời hạn của visa và các bước cần làm để gia hạn khi visa hết hạn trước khi hoàn thành khóa học. Mỗi nước có quy định gia hạn visa khác nhau. Với du học sinh Úc, xin gia hạn visa khi còn đang ở Úc sẽ đơn giản hơn nhiều so với khi đã “lỡ” về Việt Nam. Còn với du học sinh Mỹ, học sinh bắt buộc phải về Việt Nam để xin gia hạn visa nhưng thủ tục có thể hoàn thành một cách nhanh chóng qua đường bưu điện. Tìm hiểu kỹ trước khi visa hết hạn để có sự chuẩn bị hợp lý, tiết kiệm công sức và thời gian khi gia hạn visa cũng là một trong những “chiến lược” mà các du học sinh phải chuẩn bị cho mình.
Những lưu ý khi phỏng vấn xin visa
Phỏng vấn xin visa đối với nhiều học sinh cũng tạo áp lực không khác gì một kỳ thi. Thật vậy, đây chính là cánh cửa cuối cùng mở ra hành trình du học. Để có một buổi phỏng vấn thành công, cần phải chuẩn bị tâm lý trước về những nội dung mà người phỏng vấn muốn tìm hiểu, thường có ba điểm chính sau:
– Liệu bạn có đủ khả năng tài chính để du học?
– Khả năng học tập và kế hoạch học tập?
– Liệu bạn có quay về Việt Nam sau khi du học hay không?
Từ những yêu cầu đó, người đi phỏng vấn có thể dễ dàng suy ra những điểm cần làm để có một buổi phỏng vấn thành công:
– Ăn mặc lịch sự, gọn gàng và nhất là thoải mái. Không cần phải ăn mặc thật đẹp để gây ấn tượng. Trang phục và tóc tai nên giữ ở mức “trung tính” và ít gây chú ý nhất có thể.
– Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, sắp xếp gọn gàng. Đặc biệt các hồ sơ phải trung thực và đầy đủ. Nếu bị phát hiện gian lận, xem như giấc mơ du học của bạn cũng kết thúc.
– Hãy chuẩn bị tốt kế hoạch học tập và tập trước cách trình bày sao cho dễ hiểu và ngắn gọn nhất. Chuẩn bị những câu trả lời thể hiện được sự chủ động trong suy nghĩ và cố gắng tránh việc học thuộc lòng một cách máy móc.
– Khéo léo lồng ghép mong muốn được cống hiến và quay trở lại phục vụ cho đất nước của mình trong các câu trả lời.
– Nếu như có những điểm “chưa tốt” trong hồ sơ như điểm số thấp, các lỗi đã từng mắc phải, hãy chuẩn bị một lời “bào chữa” thuyết phục và chân thật nhất có thể. Và lý do tại sao những điểm chưa tốt đó sẽ không gây trở ngại cho quá trình học tập trong tương lai.
Thủ tục cần chuẩn bị để xin visa du học tại một số nước
Úc:
• Mẫu đơn xin visa
• Lệ phí visa
• 4 hình (cỡ hình chụp hộ chiếu)
• Hộ chiếu còn hạn sử dụng
• Xác nhận nhập học chính thức (eCoE)
• Kết quả thi IELTS
• Giấy tờ liên quan đến học tập và kinh nghiệm làm việc
• Kế hoạch học tập
• Bằng chứng về khả năng tài chính để thanh toán học phí, chi phí sinh hoạt, các chi phí cho người phụ thuộc, vé máy bay khứ hồi
Mỹ:
• Hộ chiếu (còn hiệu lực ít nhất sáu tháng)
• Ảnh cỡ 5 x 5cm
• Lịch hẹn phỏng vấn
• Mẫu đơn điền trên mạng (DS-160)
• Phiếu thu lệ phí visa
• Biên lai đóng phí SEVIS
• I-20
• Thư mời nhập học của trường
• Hồ sơ chứng minh tài chính
• Tất cả bằng cấp và bảng điểm
• Điểm của các kỳ thi tiêu chuẩn do trường Mỹ yêu cầu
• Giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc
• Các giấy tờ liên quan khác
Canada:
• Đơn xin thị thực nhập cảnh
• Hộ chiếu: có giá trị bao gồm hết khoảng thời gian dự định lưu trú tại Canada, cần nộp một bản chính và một bản sao
• Hình: 2 ảnh cỡ hộ chiếu, được chụp trong sáu tháng
• Thư nhập học
• Bảng điểm
• Chứng minh tài chính của người tài trợ
• Giấy xác nhận tài sản
• Nếu người tài trợ từ phía Canada thì cần có những giấy tờ sau: Thư bảo lãnh ghi rõ trách nhiệm tài chính, tiền gửi ngân hàng, bản sao khai thuế thu nhập trong hai năm vừa qua, thư xác nhận việc làm, giấy xác nhận tài sản.
• Lý lịch tư pháp (đối với học sinh trên 18 tuổi)
• Tờ khai giám hộ (đối với học sinh dưới 18 tuổi)
• Giấy giải trình hồ sơ và kế hoạch học tập
• Khám sức khỏe
Nhật Hà