Hội đồng Vàng thế giới (WGC) mới đây công bố rằng trong năm 2014, Việt Nam tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng. Liệu điều đó có phải là sự thật? Theo đa số ý kiến của những người trong ngành kinh doanh vàng, con số đó là không tưởng!
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trọng – Giám đốc Công ty Kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry cho rằng mỗi tháng, nhu cầu nguyên liệu của mỗi doanh nghiệp nữ trang lớn chỉ vào khoảng 200kg, nhưng vì số lượng doanh nghiệp nữ trang lớn chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên thực chất lượng vàng dùng để chế tác nữ trang không nhiều. Còn ở các tiệm vàng, việc chế tác chủ yếu là mua lại sản phẩm đã bán ra trước đó để nấu lại, không thể mua nhiều vàng nguyên liệu. Gộp doanh số của tất cả doanh nghiệp vàng Việt Nam lại thì cũng chưa thể đạt được một nửa mức tiêu thụ mà WGC công bố.
Con số 12,7 tấn vàng nữ trang mà Việt Nam tiêu thụ trong năm 2014 do WGC công bố (tính cả sản phẩm nữ trang vàng đã chế tác ở Trung Quốc nhập lậu) có thể chấp nhận được. Nhưng phần chênh lệch còn lại lên đến 56,4 tấn vàng, nếu được xem là vàng đầu tư thì sau khi nhập về Việt Nam, lượng vàng này đã được chuyển hóa ra sao? Có ba hướng chuyển hóa chủ yếu: (1) Làm nguyên liệu cho vàng nữ trang, nhẫn tròn trơn, nhưng như đã thống kê, vàng nữ trang đã nằm trong con số 12,7 tấn nói trên; (2) Làm nguyên liệu để chế tác vàng mỹ nghệ, thường làm lớp áo bên ngoài sản phẩm, song thực tế không cần quá nhiều vàng cho hoạt động này; (3) Phục vụ công nghiệp sản xuất hàng công nghệ, nhưng lượng vàng cần cho hoạt động này cũng rất ít. Trong nhiều năm trước còn có hướng dập vàng thoi thành vàng miếng để bán ra thị trường, nhưng nay hướng này đã bị chặn.
Trên thực tế, trong năm 2014, hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam rất ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã không tồn tại được vì không còn được kinh doanh vàng miếng. Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát chất lượng vàng trang sức cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì sản phẩm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)