Theo nghệ nhân trà Viên Trân, người Việt có cách định danh trà khá đặc biệt, bởi đôi khi thảo dược phơi khô, hãm với nước sôi đều được gọi là trà.
Đó là một nếp nghĩ truyền thống có phần dân dã trong dân gian, từ đó mà tạo nên trà khổ qua, trà bí đao, trà hoa cúc, trà atisô… dù trong thành phần không hề có chút lá trà nào.
Vì vậy, khái niệm về trà của người Việt không chỉ bó hẹp trong phạm vi các loại thức uống chế biến từ cây chè dù không ít chuyên gia về trà hiện đại phàn nàn rằng những loại cây cỏ ấy đã làm lệch lạc đi khái niệm tinh khiết của trà.
Dĩ dược đại trà
Cách dùng thảo dược sao chế, hãm trong nước sôi uống như trà hằng ngày ấy được ông bà xưa gọi là “dĩ dược đại trà” (lấy thuốc thay trà).
Về loại này, phổ biến trong đời sống người Việt xưa nay có các loại trà làm từ atisô, hoa cúc, khổ qua, bí đao…
Bông atisô vốn được người Việt xem là loại “thần dược” dân gian, rẻ tiền mà có khả năng giải độc tố, giải nhiệt và cải thiện sức khỏe làn da.
Chỉ cần dùng thân, rễ, hoa, lá cây atisô bào mỏng, phơi khô rồi hãm với nước sôi (trong đó hoa và lá có các hoạt chất để chữa bệnh nhiều nhất), không cần dùng đến chút trà nào. Vị trà đậm đà, thơm quyện và ngọt hậu, uống rất dễ ghiền.
Ngoài atisô, trà hoa cúc cũng có tác dụng làm dịu thần kinh và giúp ngủ ngon, ngoài ra còn có thể ngăn ngừa những biến chứng phức tạp, chống lại sự tăng đường huyết đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Uống trà hoa cúc đúng cách cũng khá cầu kỳ. Trước tiên phải cho hoa cúc vào một bình nhỏ, rót nước sôi vào, tráng đều nhanh tay rồi đổ bỏ phần nước này.
Tiếp đến cho đường, mật ong vào một bình nhỏ khác rồi xếp hoa cúc lên mặt, hãm trong nước sôi khoảng năm phút cho ra tinh chất rồi dùng. Để trà ngon, nên dùng loại hoa cúc hoàn toàn khô ráo và có màu trắng ngà, khi uống thấy có vị đắng nhẫn.
- Xem thêm: Vũ Thiên Tân – cô gái dẫn trà
Trà khổ qua được chế biến từ khổ qua xắt lát, phơi khô, cũng có tác dụng mát gan, lợi mật, sáng mắt, nhuận tràng… Dùng loại trà này pha với mật ong có thể làm giảm căng thẳng thần kinh, âu lo, bực bội, hay đơn giản hơn là giải được trạng thái nhức đầu chóng mặt những ngày hè nắng oi.
Ngoài ra, còn có trà linh chi, trà dây, trà trái nhàu, trà bí đao, cỏ ngọt…
Trà cung đình xưa
Phong cách uống trà quý tộc nổi tiếng với loại trà cung đình của Huế và chỉ có ở Huế, trong chốn hoàng cung xưa. Sự công phu của cách uống trà nằm ở công thức và cách pha chế phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.
Việc lựa chọn hàng chục nguyên liệu sau đó được các quan thái y bào chế bằng cách sao vàng, hạ thổ đúng cách vào đúng một giờ nhất định theo luật âm dương ngũ hành.
Quan trọng nhất là đảm bảo độ lửa vừa phải, chỉ cần sơ sẩy một chút là mẻ nguyên liệu sẽ hỏng ngay.
Trong hàng chục vị thảo dược ấy, đa phần là các vị thuốc mát như atisô, hoa cúc, cúc ngọt, câu kỳ tử, vối nụ, hoài sơn, tim sen Huế, đại táo, hồng táo, khổ qua, hoa hồi, cam thảo bắc, hoa lài, hoa chè, quyết minh tử… và một vài loại thảo dược bí truyền của hoàng tộc.
Đơn giản hơn thì có loại trà bát tiên, gồm bảy loại thảo dược kết hợp với trà như đương quy, thục địa, quế chi, kỷ tử, hoa cúc, tim sen, hoàng sơn. Những loại trà này thoảng nhẹ mùi hương của thuốc bắc, vị ngọt hơi se se đầu lưỡi.
Mỗi loại đều có công dụng riêng và được cân đối hài hòa, bởi theo người xưa thì uống bình trà hoàng cung có công dụng chẳng khác gì một chén thuốc bắc sắc trong bảy giờ!
Ngày nay, “trà cung đình” xuất hiện trên thị trường khá nhiều, kể cả dạng pha sẵn đến sơ chế, nhưng đôi lúc chỉ gồm vài ba thành phần nguyên liệu. Xem ra, sự dễ dãi này cũng là nỗi “oan” cho danh tiếng trà hoàng gia của đất kinh kỳ xưa.
Trà dược tương phối ngày nay
Ngoài ra, trà dược tương phối (dùng lá trà phối hợp với các vị thuốc) hiện cũng khá phổ biến trong các quán trà đạo, trà thất. Bên cạnh tính năng của trà, những vị thảo dược khác cũng góp phần mở rộng hơn tác dụng phòng và chữa bệnh, khiến trà dược không chỉ là thức uống, mà còn trở thành thuốc bổ.
Trà xanh phối ngẫu cùng vài lát gừng tươi mang thêm tính năng giải cảm, giải những cơn ớn lạnh mùa mưa kèm với ho, viêm họng, ho kéo dài.
Đôi khi, tách trà uống hằng ngày (khoảng ba gram) chỉ cần thêm một gram muối uống mỗi ngày từ bốn đến sáu lần thì có thêm tác dụng giúp sáng mắt, tiêu viêm, giải đờm, giảm sốt hay trị cảm, ho, mắt đỏ, đau răng…
Riêng những người làm việc trong văn phòng, ít ra mồ hôi thì chỉ nên dùng nửa lượng muối đó. Trà thêm hành lá, bạch chỉ thì trị cảm cúm, trà tỏi sát khuẩn và giải độc, trà pha gạo rang uống hỗ trợ tiêu hóa, trà giấm trị đau dạ dày, đau bụng, đau răng… Mỗi vị trà mỗi phương thuốc, chén trà vì thế mà cũng đa sắc, đa hương, đa vị hơn nhiều.
Trà phương, trà dược nhờ đó được biết đến như những liều thuốc dân dã mà quý giá để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Dùng trà phương, trà dược không khó, vấn đề ở chỗ phải biết lựa chọn và sử dụng tùy theo mùa nào thức nấy, loại nào công năng ấy mới đạt được hiệu quả cao nhất và phòng tránh được các tác dụng không mong muốn.
“Trà phương, trà dược thường nghiêng nhiều về hướng trà Đông y, do đó cũng tùy theo bản lĩnh và tay nghề của người bốc trà mà thức uống mới phát huy được sở trường, công dụng của của nó” – nghệ nhân trà Viên Trân cho biết.