Trong danh sách Top 10 hãng bay tốt nhất thế giới xếp hạng bởi Skytrax, quốc gia duy nhất có hai hãng hàng không góp mặt là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với Emirates Airlines thuộc Dubai quán quân và đứng thứ 7 là Etihad Airways (đặt trụ sở chính tại Abu Dhabi). Quốc gia láng giềng Qatar cũng góp mặt với vị trí á quân dành cho Qatar Airways. Ngoài ra, giải thưởng World Travel Awards 2013, được xem là Oscar ngành lữ hành, cũng chọn Etihad Airways là hãng bay tốt nhất thế giới khi được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao nhất về chất lượng đội ngũ tiếp viên và không gian khoang hạng nhất. Thậm chí, sảnh chờ khoang hạng nhất của Emirates tại sân bay quốc tế Dubai cũng xếp đầu bảng. Nói cách khác, cả ba hãng bay thuộc vùng Vịnh đều thuộc hàng ưu tú nhất khu vực. Thomas Horton, chủ tịch hãng bay lớn nhất thế giới American Airlines Group ngậm ngùi rằng nước Mỹ là nơi khai sinh ra ngành công nghiệp bay nhưng hiện không sở hữu một hãng bay nào có thể làm đối trọng với Emirates. Tuy nhiên, nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing lại rất yêu thích các khách hàng Trung Đông vì họ nhìn thấy sự phát triển của khu vực vượt xa tốc độ trung bình của toàn cầu. Tại Hội chợ Hàng không Dubai hồi tháng 11-2013, Emirates Airlines đặt mua 150 mẫu 777 trị giá 76 tỉ USD, giúp mẫu phi cơ này trở thành đợt ra mắt sản phẩm lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử hàng không thương mại. Không để đối thủ vượt mặt, Qatar cũng nhanh chóng đặt mua thêm 50 chiếc 777 trị giá 19 tỉ USD và Etihad Airways tậu 25 chiếc.
Khoang bay hạng nhất của Emirate Airlines
Xét về mặt kinh tế, bang Louisiana (Mỹ) sở hữu GDP 207 tỉ USD lớn hơn con số 175 tỉ USD của GDP Qatar và rõ ràng thủ đô Doha có dân số chỉ 80.000 người song mức độ giao thông hành khách qua lại sân bay quốc tế Doha mỗi ngày gần bằng ½ sân bay quốc tế JFK của New York với hơn 8,3 triệu dân. Thậm chí, sân bay quốc tế Dubai tại UAE còn lớn hơn, nằm trong tốp 10 sân bay đông đúc nhất hành tinh, chỉ kém đôi chút so với Hongkong – nơi lớn gấp ba lần diện tích Dubai. Xét về mặt kinh doanh, trong năm qua, hãng bay trẻ Etihad gia tăng lợi nhuận ròng 48% lên 62 triệu USD, Emirates Airlines tăng 4% lên 600 triệu USD trong khi hai gã khổng lồ lâu đời United Airlines và American Airlines đều của Mỹ lần lượt đạt mức 1,1 tỉ và 1,9 tỉ USD. Xét về mặt chiến lược, trong khi các hãng bay Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu phần lớn chỉ tập trung vào phát triển thị trường khu vực và nội địa, thì các hãng ở Trung Đông đã tận dụng tốt nguồn đầu tư vào cả nội địa lẫn quốc tế. Chẳng hạn, Etihad đã mua 20% cổ phần của Jet Airways thuộc Ấn Độ trong khi kể từ năm 2012, Qatar đầu tư vào sân bay Heathrow còn Abu Dhabi hướng đến Gatwick (đều của Anh). Giới tư vấn hàng không PwC tại London cho rằng Doha, Dubai hay Abu Dhabi đều phát triển như vũ bão suốt mấy năm qua vì ba lý do. Trước tiên, công nghệ hàng không tối tân cho phép khu vực Trung Đông dễ dàng kết nối hơn với châu Âu, châu Á và cả châu Mỹ trên những máy bay to lớn hơn và chặng bay dài hơn. Lợi thế khác là chính phủ nhận thấy giá trị kinh tế của những sân bay. Hơn thế, cả ba hãng bay đều được trợ giá từ những chính phủ giàu dầu mỏ. Do đó, nếu các hãng bay Mỹ hay châu Âu không tiếp tục đầu tư, các chính phủ tiếp tục không xây dựng chính sách cạnh tranh quốc tế, thì trong một tương lai rất gần, người Mỹ sẽ ngồi trên máy bay của Emirates Airlines khi bay sang châu Âu thay vì United hay Delta như trước nay. Hãy nhìn vào những gì xảy ra với Qantas khi họ đã từng là hãng bay quốc gia phục vụ cho mọi chuyến bay trong và ngoài nước tại Úc trước khi Emirates xuất hiện và thay đổi lịch sử.
Lâm Kiên theo Forbes