Thanh Lam – giọng hát đi vào lòng công chúng suốt bao năm đã trở thành một biểu tượng của tình yêu nồng cháy dành cho âm nhạc. Lam hát có khi dữ dội, lúc sâu lắng triền miên và không lời kết cho một khát khao mãnh liệt… Khi hành trình của người đàn bà hát ấy đủ dài, một Thanh Lam giờ đây trước mắt khán giả trở nên đẹp trong chính cá tính âm nhạc được nuôi dưỡng chỉn chu bởi bản năng thiên bẩm và sự rèn luyện không ngừng nghỉ của một nghệ sĩ chân chính.
Từ khi lên 9, Thanh Lam đã đặt những bước chân đầu tiên vào âm nhạc như điều tất yếu, bởi ở người phụ nữ này, sự yêu thương từ trong gia đình và chiếc nôi nghệ thuật đã đẩy đưa tâm hồn Thanh Lam từ tấm bé. Là con gái yêu của cố nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ nhạc dân tộc Thanh Hương, Thanh Lam may mắn học được rất nhiều về âm nhạc từ hai đấng sinh thành của mình. Có lẽ lớn nhất tồn tại trong chính Thanh Lam đến hôm nay, là trái tim nồng hậu chưa bao giờ nguôi về một thứ xúc cảm đặc biệt khi hát bất kỳ ca khúc nào đó. Thanh Lam cũng là ca sĩ hiếm hoi luôn mang được hơi thở “ngày đầu” ấy trong âm nhạc cho đến tận hôm nay, và khán giả luôn cảm nhận được tình yêu dạt dào có trong nữ nghệ sĩ cá tính này.
Từ lúc lên 3 tuổi, Lam đã được người cha dạy hát và nghe đàn piano. Bảy tuổi, cô được mẹ mình dạy cho chơi đàn thập lục, tập hát các bài dân ca Việt Nam. Sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại đã âm thầm chảy trong con người Thanh Lam từ thuở bé, để sau này, chính cô đã mạnh dạn chọn một cách hát mà hiếm có ca sĩ Việt Nam nào dám thể nghiệm, đó là kết hợp giữa lối hát truyền thống và lối hát phương Tây, tạm gọi là bel canto. Thanh Lam có giọng hát trung trầm (mezzo-alto), vì vậy mà khi nghe, khán giả luôn thấy được sự ấm áp, mãnh liệt và đầy nội lực của cô. Ở bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, Thanh Lam cũng cho rằng cá tính và sự khác biệt mới giúp người ca sĩ tồn tại được.
Và không ai khác, chính Thanh Lam đã thể hiện điều đó trong suốt mấy mươi năm đi hát của mình. Thanh Lam không phải là ca sĩ chờ đợi những khen chê của khán giả, ngay từ đầu cô đã chọn cách “cho riêng mình”. Sự nghiệp âm nhạc của Thanh Lam rõ ràng có từng giai đoạn thành công rất cụ thể. Buổi đầu, Thanh Lam rực rỡ như một đóa hoa đầy tươi mới trong làng nhạc nhẹ khi cô có được rất nhiều giải thưởng âm nhạc trong và ngoài nước. Thanh Lam tham gia nhiều cuộc thi quốc tế, vì vậy, phảng phất trong tư duy nghệ thuật của cô đó chính là yếu tố phóng khoáng, phá cách của phương Tây được truyền vào cách hát của cô.
Rồi đến khi cá tính âm nhạc ấy bắt gặp một người nghệ sĩ sáng tác cũng “lạ đời” Lê Minh Sơn, cả hai cùng kết hợp tạo nên làn gió mới. Thanh Lam nhanh chóng đi vào dòng chảy của world music và đã mang đến cho khán giả nhiều sự ly kỳ hấp dẫn về âm nhạc, trong đó, nét truyền thống luôn đậm chất từ giọng hát đến tình cảm của người nghệ sĩ nhưng lại rất hiện đại qua một kỹ thuật trình diễn cực khó, khó đến khó nghe nhưng lại hấp dẫn người nghe. Sau giai đoạn đỉnh điểm ấy, vào những năm 2007, cách đây gần 10 năm, người ta lại thấy một cụm từ xuất hiện trong sự nghiệp của Thanh Lam, đó chính là Lam xưa.
Có thể nói, từ “Lam xưa” đã xuất hiện cách đây vài năm như một cuộc viễn chinh mới của ca sĩ Thanh Lam khi cô muốn trở về với ngày xưa. Với người nghe, họ cũng không quan tâm Lam xưa là thời điểm nào, cách đây 10 năm hay 20 năm, nhưng ngày tháng mà các ca khúc Bên em là biển rộng, Em và tôi ngự trịở các bảng xếp hạng để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả nhất. Và từ khi cụm từ này xuất hiện cho đến nay, một Thanh Lam gần như trải qua một cuộc thay đổi hình ảnh lớn nhất, vẫn yêu tha thiết, vẫn hát đầy lửa và nồng nàn như có chút ôn hòa hơn, dịu và để lại trong lòng người nghe một cảm xúc thanh nhã của giọng hát từng trải cùng năm tháng.
Sự hòa quyện giữa kỷ niệm xưa cũ và không khí hôm nay đã tạo nên dấu ấn cho giọng hát Thanh Lam suốt thời gian gần đây. Với những thái cực trái ngược nhau, việc đưa ra những nhận xét khác nhau là điều không tránh khỏi nhưng cô vẫn luôn là người bản lĩnh với nghề dù là xưa hay nay. Tất cả những điều ấy đã tạo nên một Diva Thanh Lam đứng vững trong lòng công chúng, không mờ nhạt, như những gì mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dự đoán rằng tương lai không xa nhạc Việt chính là thời của Thanh Lam, Hồng Nhung. Tưởng chừng như thời quá vãng vàng son ấy đã khép lại khi một giai đoạn mới của nhạc nhẹ trỗi dậy, Thanh Lam không hề run sợ trên con đường đi của mình và từ khi Lam xưa xuất hiện từ năm 2007 đến nay, Thanh Lam liên tục có các sản phẩm âm nhạc hay, ấn tượng. Đặc biệt là sự kết hợp với Tùng Dương trong chuỗi các dự án âm nhạc “thuần túy” nhạc nhẹ trong suốt thời gian qua chứng minh rằng, giọng hát bản năng và sự kiên định trong phong cách mới chính là một Diva Thanh Lam.
Một trong những thay đổi thú vị của Thanh Lam chính là cô đã có một “đời sống showbiz” sôi nổi hơn trong chừng ấy năm yên vị với danh hiệu Diva của mình. Lam mạnh dạn hơn khi nhận lời ngồi ghế giám khảo không ít các chương trình truyền hình, từ chương trình Đồ Rê Mí dành cho các em nhỏ, hay đến Tiếng hát truyền hình rồi Vietnam Idol… Vị trí giám khảo nào cũng cho thấy Thanh Lam duyên dáng và trầm tĩnh trên chiếc “ghế nóng” của mình. Có thể, ngay lúc này, khi Thanh Lam đã có quá nhiều những đỉnh cao trong sự nghiệp, giọng hát viên mãn, cô lại muốn tìm cho mình những sự gợi mở trong chính niềm đam mê của các bạn trẻ hôm nay. Thanh Lam cùng với các cuộc thi đi tìm những giọng hát cá tính, như chính cô chia sẻ về lý do mình quyết định ngồi ghế huấn luyện viên chương trình X-Factor năm 2016 này.
Thanh Lam luôn là thế, rất “đàn bà” và quyến rũ trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Thanh Lam là biểu tượng của một cá tính âm nhạc chưa bao giờ thay đổi để làm hài lòng bất kỳ ai ngoài tuyên ngôn và quan điểm nghệ thuật của chính cô. Thanh Lam say hát và yêu mến khán giả, điều đó được thấy mấy chục năm qua và thời điểm này là giai đoạn rất mới của chính Thanh Lam, khi mà sự chia sẻ về âm nhạc đã được cô quan tâm để làm sao góp thêm một chút công sức để các bạn trẻ tìm đến với âm nhạc bằng chính cá tính riêng của mình!
- Phạm Lê