Tính cách của Shark Phú khi quan niệm về tướng số khá trùng hợp với một trong những nguyên tắc vàng của một nhà lãnh đạo từng được tác giả nổi tiếng về nghệ thuật quản trị John C. Maxwell từng chỉ ra: Nguyên tắc trực giác.
Từ chuyện tướng số trong mắt Shark Phú
Cách đây không lâu, trong một cuộc giao lưu giữa các shark của chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse tiết lộ quan điểm khá thú vị liên quan đến đánh giá một startup. “Khi đầu tư, tôi rất chú ý đến tướng”, Shark Phú chia sẻ.
“Tinh và tướng là hai từ mà ông bà ta thường nhắc tới. Đó là yếu tố rất quan trọng của con người. Con người đầu tiên phải có sức khỏe. Tướng mạo thể hiện qua sức khỏe, sự tràn đầy sức sống. Tinh là ánh mắt thể hiện khát vọng. Sự cháy bỏng, kiên trì thể hiện qua ánh mắt đó”, ông lý giải thêm về cách đánh giá của mình.
Khi được hỏi đến đến câu chuyện đưa ra quyết định trong 10 giây đầu tiên, vị doanh nhân này rất nhấn mạnh đến “tướng” thủ lĩnh và khẳng định: “Trong 10 giây đầu tiên, founder phải có “tướng” thủ lĩnh, nếu không thì 90% khả năng tôi sẽ loại bỏ”.
Theo vị shark này, quy luật tự nhiên quyết định đến 70 – 80%, con người chỉ quyết định 20%. Con người sinh ra để tạo ra sự cân bằng xã hội. Có người sinh ra đã có thần thái của người thành công, giống như con ong sinh ra đã có con làm ong chúa.
Tuy nhiên không phải tình cờ mà shark Phú có quan điểm như vậy. Điều này khá trùng hợp với một trong những nguyên tắc vàng của một nhà lãnh đạo từng được tác giả nổi tiếng về nghệ thuật quản trị John C. Maxwell từng chỉ ra: Nguyên tắc trực giác.
Tinh và tướng là hai từ mà ông bà ta thường nhắc tới. Đó là yếu tố rất quan trọng của con người. Con người đầu tiên phải có sức khỏe. Tướng mạo thể hiện qua sức khỏe, sự tràn đầy sức sống. Tinh là ánh mắt thể hiện khát vọng. Sự cháy bỏng, kiên trì thể hiện qua ánh mắt đó.
Nhà lãnh đạo kiệt xuất đọc ra tình huống và lên tiếng
John C. Maxwell kể về chuyện từ cách đây khá lâu khi ông sống ở San Diego. Chủ đề của cuộc hội thoại là việc ba cầu thủ đang chạy đua vào vị trí tiền vệ của một đội bóng. Một người hỏi ông rằng ai sẽ là người chiến thắng và có khả năng giữ được vị trí trong cuộc đua này, không chần chừ, tôi nói: “Stan HumPhries”.
“Thật không?”, người bạn hỏi lại. “Tôi không nghĩ rằng anh ta có cơ hội. Anh ta không phải là một cầu thủ cao lớn, người ta còn nói rằng anh ta cũng chẳng có nhiều cố gắng trong phòng tập thể lực. Thậm chí trông anh ta còn chẳng giống một tiền vệ.”
“Không thành vấn đề”, Maxwell nói. “Cậu ấy lãnh đạo tốt hơn. Hãy xem cậu ấy chơi và anh sẽ thấy cậu ấy có khả năng đọc ra bất kể tình huống nào, chỉ ra phương pháp đúng và đạt được kết quả. Cậu ấy sẽ được lựa chọn”. Và thực tế, Stan đã được chọn. Cậu ấy tuyệt vời đến nỗi có thể đưa một đội bóng bình thường như San Diego giành chức vô địch Super Bowl năm 1995.
Tất cả những tiền vệ chuyên nghiệp đều có kỹ thuật chuyên môn. Ở cấp độ chuyên nghiệp, sự khác nhau về thể lực không đóng vai trò quá quan trọng. Điều tạo nên sự khác biệt giữa một con tốt với con át chủ bài chính là trực giác. Những người vĩ đại có thể nhìn thấy nhiều thứ mà những người khác không thể, họ kịp làm cho cục diện thay đổi và vượt lên, trước khi những người khác phát hiện điều gì đang diễn ra.
Cách tư duy của lãnh đạo
Bằng trực giác, lãnh đạo có thể đánh giá mọi điều theo khuynh hướng lãnh đạo của họ. Có một số người ngay từ sinh ra đã có một trực giác lãnh đạo siêu phàm. Nhưng nhiều người khác thì phải thực hành, trau dồi lâu dài mới có những năng lực ấy. Song bằng bất kể con đường nào thì kết quả cuối cùng cũng là kết hợp khả năng tự nhiên và những kỹ năng học tập. Linh cảm thể hiện khả năng lãnh đạo của mỗi người. Hiểu đơn giản là, ai đó có khả năng nắm được những nhân tố vô hình, hiểu về chúng và hành động nhằm hoàn thành mục tiêu lãnh đạo.
Trực giác sẽ giúp nhà lãnh đạo nhận biết được cả những yếu tố vô hình trong công tác lãnh đạo.
Lãnh đạo là dự báo tình huống
Trong mọi hoàn cảnh, họ nắm bắt được tất cả những tình huống mà người khác không thể. Ví dụ như khi John C. Maxwell còn là mục sư chính ở Skyline, nhà thờ của ông ở San Diego, ông thường xuyên phải thực hiện những chuyến đi dài ngày, khoảng 10-14 ngày. Khi trở về, John thường đoán ngay được điều gì đang diễn ra ở nhà thờ. Ông cảm nhận được điều đó sau khoảng một giờ hoặc trong thời gian nói chuyện với nhân viên. John luôn theo dõi và phát hiện những gì đang diễn ra dù ông là người hay vắng mặt.
Lãnh đạo là nắm bắt xu hướng
Tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh chúng ta cũng giống như những họa tiết trong một bức tranh toàn cảnh. Những nhà lãnh đạo có khả năng từ hiện tại lùi về quá khứ nhìn thấy không chỉ những nơi họ và những người được họ dẫn dắt trải qua, mà cả những nơi họ sẽ tới trong tương lai. Giống như thể họ có khả năng ngửi thấy mùi của sự thay đổi trong làn gió.
Lãnh đạo là hiểu rõ nguồn lực của bản thân
Khác biệt cơ bản giữa những người thành đạt và những nhà lãnh đạo là cách họ nhìn thấy những nguồn lực. Những cá nhân thành công suy nghĩ về những thứ mà họ có thể làm. Những nhà lãnh đạo thành công, ở một góc độ khác, nhìn thấy tất cả mọi tình huống trong những khả năng của nguồn lực: như tiền bạc, vật liệu, công nghệ và quan trọng hơn cả là yếu tố con người. Họ không bao giờ quên rằng con người là vốn quý giá nhất mà họ có.
Lãnh đạo là hiểu mọi người
Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson có lần đã nói rằng, khi bạn bước vào một căn phòng, nếu bạn không thể chỉ ra ai sẽ là người ủng hộ bạn, ai sẽ là kẻ chống đối bạn, thì bạn không phải là con người của chính trị. Quan niệm đó cũng có thể áp dụng cho nghệ thuật lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo có thể cảm nhận được điều gì đang diễn ra trong mọi người và gần như nhận biết được những hy vọng, sợ hãi và kể cả những mối quan tâm của họ.
Lãnh đạo là hiểu được chính mình
Cuối cùng, những nhà lãnh đạo có khả năng hiểu rõ bản thân – những điểm mạnh, kỹ năng, điểm yếu và phát hiện của trí não. Họ nhận ra sự thật mà James Russell Lovell đã có lần nói: “Không ai có thể làm được một việc lớn, nếu người ấy không thật sự quan tâm đến bản thân”.
- Theo Trí Thức Trẻ