Điều gì đang xảy ra với thị trường, tại sao tâm lý nhà đầu tư bỗng chốc bị lung lay, đằng sau sự sụt giảm này là nguy cơ hay mối lo nào? Việc phân tích những yếu tố tác động đến diễn biến thị trường trong tuần thứ ba của tháng 5 sẽ giúp cho nhà đầu tư có căn cứ để quyết định đầu tư trong những phiên tới đây.
Cùng với việc mất điểm nặng nề, thanh khoản trên sàn HoSE cũng suy giảm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HoSE giảm 27,4% so với tuần trước đó. Khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng giảm 25,4%. Trong một tuần các chỉ số chính giảm mạnh, tất cả 24/24 nhóm ngành đều giảm điểm. Động thái bán mạnh ở vài mã chủ chốt khiến thị trường bi quan hơn và kích hoạt đà bán tháo trên thị trường. Ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong tuần qua đó là sự sụt giảm liên tục của hai blue-chips BVH và VCB.
Thị trường đã có chuỗi tăng điểm dài bốn tháng, diễn biến giảm với tính chất điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, với “thái độ” như tuần qua thì khả năng điều chỉnh kỹ thuật không nhiều. Có thể thấy đằng sau sự thay đổi của tâm lý thị trường đó là những lo ngại thực sự về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Áp lực nặng nề nhất chính là thông tin về doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoạt động liên tục xuất hiện. Có những ý kiến cho rằng, áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2012 thậm chí còn nặng nề hơn giai đoạn chống chọi với suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009. Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái và nỗ lực nhằm giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp lại không thể vay vốn vì hàng tồn không bán được. Ngay cả khi thông tin về gói kích thích kinh tế trị giá 29 nghìn tỉ đồng được công bố, nhà đầu tư cũng không tỏ ra hồ hởi bởi nhận thức rõ về tiêu chí của gói hỗ trợ này hoàn toàn khác với hai gói hỗ trợ được tung ra trước đó. Thông tin EVN bác bỏ việc đã đề xuất ba phương án tăng giá điện chỉ như “muối bỏ biển”. Trong khi việc Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội không đồng ý với đề xuất miễn thuế với một số đối tượng của Chính phủ sáng 17-5 lại khiến nhà đầu tư để ý hơn.
Khó khăn của doanh nghiệp niêm yết đã thể hiện rõ qua những số liệu báo cáo quý I. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh, khá nhiều doanh nghiệp báo lỗ. DTC là trường hợp gây sốc khi số lỗ trong quý I-2012 nhiều hơn cả vốn điều lệ. SBS cũng gây sốc khi báo lỗ gần 660 tỉ đồng quý I và lỗ lũy kế 1.400 tỉ đồng.
Đáng ngại hơn cả là “bóng ma giải chấp” trở lại. Trong sự suy giảm mạnh của cổ phiếu ASM (-21%) trong những ngày qua, có thông tin cho rằng có phần do tác động của việc bán hàng giải chấp. Về vấn đề này, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS) đánh giá, sau phiên giao dịch 18-5, áp lực giải chấp đang tạo ra sức ép giảm điểm đối với thị trường. Đặc biệt là các dòng cổ phiếu penny (cổ phiếu có mệnh giá nhỏ) hoặc mid cap (cổ phiếu có vốn hòa vừa) vốn đã tăng mạnh trong giai đoạn trước và thanh khoản đang “biến mất” khá nhanh từ khi thị trường phá vỡ xu hướng tăng ngắn hạn.
Một vấn đề căn bản của thị trường đang được nhà đầu tư “mổ xẻ” đó là thông tin cho hay, hơn hai năm qua tại Việt Nam gần như không có quỹ đầu tư mới được thành lập. Không có thêm nhà đầu tư chuyên nghiệp, thị trường chứng khoán Việt đang mất cân đối về sức cầu. Có trên 1,2 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường nhưng số nhà đầu tư là tổ chức (trong nước và nước ngoài) chỉ chiếm 4%. Số lượng nhà đầu tư không nhỏ, nhưng độ bền của sức cầu rất thấp, thị trường vì thế thường xuyên biến động nhanh, mạnh và bất thường, các giao dịch mang tính “bầy đàn” và chịu ảnh hưởng bởi tâm lý.
Sau bảy phiên giảm điểm mạnh liên tiếp, hầu hết các mã cổ phiếu đang dần rơi về mức giá hợp lý, điều này đã kích thích dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường. Phiên giao dịch 21-5, tình trạng tiết cung đã quay trở lại. Nhiều cổ phiếu blue-chip bật tăng trần khiến VN-Index tăng mạnh lên 448,02 điểm. Tình trạng tiết cung cũng khiến cho khối lượng giao dịch chưa trở lại được mức cao như hồi đầu tháng 5. Trong phiên giao dịch 21-5, cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam chính thức được giao dịch gần 1,9 tỉ cổ phiếu với giá tham chiếu 36.000 đồng/cổ phiếu. Việc GAS lên sàn được chú ý bởi giá trị vốn hóa của cổ phiếu này lên đến 68 nghìn tỉ đồng, trở thành một trong hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong “rổ” tính VN-Index.
Song Hà