Ngày 9-3-2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết đã mở ra kỳ vọng mới về dòng vốn đầu tư nước ngoài và tạo động lực tăng trưởng cho nhiều ngành nghề. Trong đó, dệt may được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành sau khi hiệp định có hiệu lực sẽ tăng thêm 8,3 – 10,8%. Với triển vọng tích cực, nhiều người kỳ vọng hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may duy trì được sự ổn định và tăng trưởng.
Cổ phiếu ngược chiều kết quả kinh doanh
Theo thống kê, trong nhóm 20 doanh nghiệp dệt may có tổng tài sản lớn nhất đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong quý I vừa qua, chỉ có một doanh nghiệp báo lỗ.
Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao chiếm đa số. Cụ thể, trong quý I, Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (VGT) vẫn là ông lớn có lợi nhuận cao nhất ngành, đạt 178,4 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là những tên tuổi lớn như Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG), Tổng công ty cổ phần Phong Phú (PPH), Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ năm trước như Tổng công ty May Nhà Bè – Công ty cổ phần (MNB) tăng trưởng 204%, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội – Hanosimex (HSM) 181%, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (HTG) tăng tới 493%. Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Everpia (EVE), Công ty cổ phần Mirae (KRM), Công ty cổ phần May mặc Bình Dương (BDG) cũng có mức tăng trưởng cao không kém.
Trái ngược hoàn toàn với bức tranh kinh doanh khởi sắc trên, giá cổ phiếu dệt may lại khiến không ít nhà đầu tư thất vọng. Chẳng hạn, cổ phiếu VGT của Vinatex đang trở về vùng giá khi bắt đầu niêm yết, giao dịch quanh ngưỡng 11.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VGG của May Việt Tiến cũng chỉ đón nhận một số nhịp hồi phục nhẹ, còn lại giá chủ yếu theo đà giảm. Hiện tại, VGG giao dịch quanh mức giá 49.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 1-2018. Cổ phiếu TCM giảm từ đầu tháng 3 đến nay, hiện đã giảm hơn 30% so với đầu tháng 1-2018, về quanh mức 21.100 đồng/cổ phiếu.
Vì sao thiếu hấp dẫn?
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong ngành may mặc hiện nay, chỉ có 40% là doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 60% lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Hầu hết doanh nghiệp Việt (85%) làm gia công may mặc và chỉ có 6% doanh nghiệp có thể lấy được giá trị theo chuỗi cung ứng của ngành may, tức là từ sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Trong khi đó, các phân khúc khác trong chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần như nghiên cứu phát triển, thiết kế, phân phối, xây dựng thương hiệu, thậm chí cả sản xuất nguyên phụ liệu đều được thực hiện ngoài Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI với dây chuyền đầu tư khép kín sẽ có giá thành thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc có nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại nước ta cũng khiến áp lực cạnh tranh thu hút lao động gia tăng dẫn đến chi phí nhân công tăng. Tất cả những yếu tố trên dẫn đến biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam niêm yết trên sàn ở mức tương đối thấp và giá trị gia tăng của ngành này là một điểm trừ đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, xét ở góc độ thị trường, nguyên nhân chính dẫn tới việc nhóm cổ phiếu dệt may đi ngược thị trường bất chấp kết quả kinh doanh có sự khởi sắc là do khẩu vị của nhà đầu tư. Trong giai đoạn chỉ số Vn-Index tăng trưởng mạnh, nhà đầu tư thường có xu hướng rót vốn vào những nhóm ngành có quy mô vốn hóa lớn và có khả năng dẫn dắt thị trường như tài chính, công nghệ, bất động sản. Trong khi đó, cổ phiếu dệt may lại không có nhiều ưu thế về tính dẫn dắt hoặc biên lợi nhuận.
Ở góc độ triển vọng kinh doanh, việc Hiệp định CPTPP được thông qua hồi tháng 3 vừa qua là một điểm cộng cho ngành nhưng khi thiếu vắng sự tham gia của Mỹ, sự hưởng lợi từ hiệp định này đối với ngành dệt may đã giảm đi đáng kể. Cùng với đó, sản phẩm của ngành dệt may trong nước cũng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, đối chọi trực tiếp với các mặt hàng giá rẻ từ các nước Trung Quốc, Philippines, Bangladesh…
Trên thực tế, chính các doanh nghiệp dệt may cũng nhận diện được những thách thức này và đã phản ánh ngay trong kế hoạch kinh doanh năm 2018. Điển hình như năm 2018, TCM đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.166 tỉ đồng và 189,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm nhẹ 1% so với kết quả thực hiện năm 2017. GMC cũng đặt kế hoạch sản xuất – kinh doanh 2018 khá thận trọng với lợi nhuận trước thuế 70,6 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước.