Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, một số người lại than thở giùm cho các cầu thủ đang thi đấu tại Premier League phải vắt kiệt sức cho những trận đấu diễn ra liên tục, không có quãng nghỉ mùa đông như các giải bóng đá khác tại châu Âu. Đặc biệt, nếu một HLV nước ngoài trước nay chưa từng dẫn dắt một CLB Anh, khi phải đối mặt với một lịch thi đấu dày đặc suốt từ Giáng sinh đến qua năm mới, chắc chắn họ sẽ lên tiếng chỉ trích. Juergen Klopp (HLV người Đức mới dẫn dắt Liverpool gần đây) là ví dụ.
Hãy nghĩ xem, trời thì lạnh giá (thời tiết tại Anh còn khắc nghiệt hơn nhiều so với tại Tây Ban Nha hay Ý), người người (trừ những người làm trong ngành dịch vụ) được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình trong kỳ nghỉ lễ, họ (các cầu thủ) vẫn phải ra sân, cống hiến những trận cầu nảy lửa. Kể cũng… đau lòng lắm chứ! Nhiều người còn nhân tiện quy trách nhiệm cho quãng thời gian “hành xác” này của các cầu thủ và đặt ra những “mối liên hệ nhân quả”, chẳng hạn chính vì không có kỳ nghỉ đông nên đội tuyển Anh đá tệ tại các giải đấu lớn (vậy các đội tuyển khác có nhiều cầu thủ thi đấu tại Anh thì sao?), rồi “đó là lý do khiến các CLB Anh bị loại sớm khỏi các cúp châu Âu”. Ý định đổ thừa này quá trẻ con. Những năm giữa thập niên 2000, các CLB Anh thường xuyên lọt vào tứ kết, bán kết, chung kết Champions League, khi ấy Premier League có kỳ nghỉ mùa đông không?
Từ nhiều năm nay, Bundesliga (giải VĐQG Đức) có kỳ nghỉ đông dài nhất châu Âu (mùa giải này, đến ngày 23-1 các CLB Đức mới phải đá trở lại). Gần hơn là Ligue 1 (giải VĐQG Pháp) trở lại vào các ngày 9-1 và Serie A (giải VĐQG Ý) ngày 6-1. Tây Ban Nha có nghỉ dịp Giáng sinh nhưng không nghỉ năm mới (mùa này, La Liga đá hai vòng liên tiếp từ 30-12-2015 đến 4-1-2016).
Bỏ qua “học thuyết âm mưu” chống lại cầu thủ Anh, CLB Anh, cũng không khó để lý giải vì sao các cầu thủ tại Premier League vẫn đang “cày cuốc” trong những ngày đông giá, cũng như vì sao trong số năm giải VĐQG hàng đầu châu Âu, cầu thủ thi đấu tại Đức được nghỉ nhiều nhất. Đơn giản vì Bundesliga chỉ có 18 CLB (thay vì 20 CLB như bốn giải còn lại). Ít hơn hai CLB đồng nghĩa với giải ít đi bốn vòng đấu, tròm trèm một tháng. Vậy thì nghỉ hẳn một tháng giữa mùa cho khỏe là quá hợp lý rồi. Với các giải đấu khác (Tây Ban Nha, Ý, Pháp…), muốn có hai tuần nghỉ đông, họ phải kéo dài thêm mùa giải về phía mùa hè. Kết quả là nửa đầu tháng 5, khi các CLB Anh đã xong nhiệm vụ ở giải quốc nội, hoàn toàn sung sức cho các trận chung kết Champions League (nếu có) thì các CLB Tây Ban Nha vẫn phải thi đấu đến cuối tháng 5, có khi sang đầu tháng 6. Nên mới có chuyện một CLB giành Champions League rồi vẫn còn phải thi đấu vòng cuối giải vô địch quốc gia hoặc chung kết cúp quốc gia. Ấy vậy mà các CLB Tây Ban Nha cứ đoạt Champions League ầm ầm, nhiều hơn hẳn số lần các CLB thuộc Bundesliga đăng quang.
Nhiều người cứ mải bàn ra tán vào mà quên đi quy luật cung – cầu và nét văn hóa bóng đá khác nhau của từng quốc gia. Nếu như tại Tây Ban Nha, Ý… mà thi đấu vào dịp Giáng sinh, sân vận động coi chừng sẽ vắng như chùa bà đanh. Người ta dành thời gian đi xem kịch, dạo phố hay nằm nhà coi tivi, chẳng mấy ai “lặn lội” ra sân vận động! Còn Premier League thì khác, các CLB không những ra sân mà còn thi đấu với mật độ dày đặc hơn bình thường. Đơn giản vì ở Anh, việc cả gia đình cha mẹ con cái bồng bế nhau đến sân vận động trong kỳ nghỉ cuối năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Bóng đá đã trở thành một món quà mà “giới làm bóng đá” gửi tặng người hâm mộ. Vậy nên năm nào thì ngày 26-12 Boxing Day (Ngày tặng quà) tất cả các CLB Premier League đều ra sân để… tặng quà cho các cổ động viên. Rồi tùy tình hình mà các vòng đấu sau đó có thể rải khắp kỳ nghỉ lễ. Như năm nay, các trận đấu diễn ra vào 28, 29, 30, 31-12, rồi ngày 2 và 3-1-2016.
Phải chăng, nên kết luận rằng ở Anh, bóng đá chuyên nghiệp là một ngành kinh doanh… chuyên nghiệp, khi thượng đế có nhu cầu thì giới làm đá bóng đã tận tình đáp ứng. Nhờ vậy, các fan của các CLB Anh tại nước ta cũng được dịp thưởng thức các trận cầu đỉnh cao, tất nhiên là trên các kênh truyền hình trả tiền!
- Địch Vân