Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ 2017 trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khi đề cập đến những hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm chỉ đạt 5,93% thấp hơn so với 6,5% cùng kỳ năm ngoái. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra 6,5%. Tăng trưởng không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác trong đó có tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ so với GDP có thể tăng hơn dự kiến.
Trong khi đó thu ngân sách chín tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ (70,8% so với 74,9%), thu ngân sách Trung ương chỉ đạt 61%, nợ đọng thuế còn lớn.
Mặt khác, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công kém hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý và sử dụng tài sản công cũng như chi tiêu công còn lãng phí; nợ công cao, áp lực trả nợ cũng là mối lo.
Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ, lâu nay vốn là áp lực lớn đối với chính phủ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Chín tháng đầu năm nay, tình hình vay nợ trong và ngoài nước thuận lợi nên vay nợ cũng nhiều hơn trong khi dòng tiền trả nợ ngay từ năm nay và năm 2017 đang là vấn đề nhức đầu của những nhà làm chính sách. Khác hẳn với tình hình vay nợ những tháng cuối năm 2015, chỉ qua chín tháng đầu năm nay, riêng vốn trái phiếu chính phủ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 30-9 đã huy động được 250.320 tỉ đồng, bằng 88,86% kế hoạch năm. Chưa cần phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỉ USD như Quốc hội đã cho phép cuối năm 2015, Chính phủ đã ký được 31 hiệp định vay vốn với tổng giá trị quy đổi khoảng 4,88 tỉ USD. Như vậy, tính các nguồn vay nợ trong và ngoài nước thì chín tháng qua Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỉ USD.
Vẫn theo Bộ Tài chính, tình hình trả nợ chín tháng đầu năm là 176.827 tỉ đồng, cao hơn con số ước trả nợ bao gồm cả trả nợ viện trợ là 117.200 tỉ đồng.
Xem ra tình hình vay – trả nợ đều trong tầm kiểm soát và diễn ra khá thuận lợi, thế nhưng nếu đặt trong bối cảnh vĩ mô thì việc cân đối nguồn để trả nợ từ số thu thực tế năm nay và những năm tiếp theo không hề thuận lợi.
Nguồn thu từ năm 2016 đang giảm, đặt ra vấn đề gay gắt cho tình hình nợ nần. Các khoản thu quan trọng đều không cho thấy tín hiệu lạc quan. Như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57,4% dự toán sau chín tháng mà nguyên nhân chủ yếu do giá dầu giảm, con số thực thu chỉ hơn 50% so với dự toán.
Mặt khác, số thu từ cổ tức ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thấp. Tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2016 chậm, sau chín tháng mới thu vào ngân sách được 10.000 tỉ đồng trong tổng số khoảng 30.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước, tốc độ tăng xuất khẩu không đạt chỉ tiêu… Tất cả những việc này sẽ ảnh hưởng ngay đến dòng tiền chi ngân sách sang năm và nguồn trả nợ.
Để có thể đưa nợ công xuống mức an toàn thì bài toán đơn giản là phải tăng thu và giảm chi. Nhưng trên thực tế, việc tăng thu có chiều hướng đi xuống và tăng chi chưa có dấu hiệu dừng lại trong tình hình nguồn thu năm 2017 xem ra còn yếu hơn năm 2016. Năm 2017, giá dầu theo dự toán sẽ chỉ còn 50 USD/thùng khiến ngân sách thực tế sẽ giảm bớt. Việc thu từ cổ tức, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thấy có gì sáng sủa hơn. Trong khi đó, nguồn thu từ xuất, nhập khẩu mỗi năm một giảm do giá giảm và phải thực hiện các cam kết giảm thuế theo các hiệp định thương mại đã ký.
Được biết từ năm 2017, Chính phủ sẽ tạm ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ và Quốc hội cũng chỉ cho phép phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm trở xuống ở mức 30% trong “rổ” kỳ hạn phát hành trái phiếu.
Như vậy mới thấy việc vay nợ thì dễ, trả nợ khó là do cơ cấu vay và sử dụng nợ công chưa hợp lý, hiệu quả thấp dẫn đến nghĩa vụ trả nợ và các khoản phải trả hằng năm tăng nhanh.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 20-10 khi trình Quốc hội đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã nêu hai thông tin rất đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Thứ nhất là trong một số ít trường hợp, có khả năng sử dụng một số nguồn lực Nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Chính phủ cho biết việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ tái cơ cấu như vậy sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các đề án và kế hoạch tái cơ cấu của ngành và lĩnh vực, như tại đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, về lộ trình thực hiện, Chính phủ xác định “kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém”.
Về khả năng thứ nhất, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, ông không nghĩ là sẽ dùng ngân sách trực tiếp để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhưng ngân sách gián tiếp thì có thể.
“Lâu nay ta vẫn dùng ngân sách gián tiếp như tăng dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng lên. Việc này làm cho chi phí ngân hàng thương mại tăng lên thì không thể nào hạ lãi suất thấp xuống, điều đó thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phải chịu. Thứ hai là trích lập dự phòng rủi ro tăng lên thì ảnh hưởng đến lợi tức, đến thu nhập doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân sách, đó là sử dụng gián tiếp. Tôi nghĩ sẽ không chi khoản nào trực tiếp”, Bộ trưởng cho biết.
Với định hướng áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, quan điểm của Bộ trưởng Dũng là khi đi vào kinh tế thị trường, phải chấp nhận cho giải thể, phá sản.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Tất nhiên bảo đảm an toàn hệ thống là cần thiết, nhưng là đến mức độ nào. Chính phủ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, nhưng còn những ngân hàng bê bết quá thì không thể để tồn tại được. Bết bát quá thì cứu mãi sao được, người dân và xã hội thì cần ổn định, nhưng thị trường cần minh bạch chỗ này, mình cứ chạy theo các ngân hàng yếu kém là thiếu minh bạch.
Cả nước chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung
Mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã làm 32 người chết, 9 người mất tích. Mưa lũ cũng làm bảy nhà bị sập; tổng số nhà hiện bị ngập: 98.215 nhà; diện tích lúa bị ngập: 1.598ha; hoa màu bị ngập: 9.143 ha, hơn 71.000km đường bị sạt lở và hư hỏng… Thiệt hại ban đầu ước tính hơn 1.500 tỉ đồng.
Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, cả nước đã tích cực đóng góp để giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt vượt qua khó khăn. Ngoài các tổ chức đoàn thể, rất nhiều nhóm thiện nguyện cũng phát động phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung, tự tổ chức đến tận địa phương giúp đỡ và tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại. Trong số đó, đáng chú ý nhất là hoạt động của MC Phan Anh. Chỉ sau ba ngày phát động trên mạng xã hội cá nhân, tính đến sáng 19-10, anh đã nhận được hơn 16 tỉ đồng trong đó có 500 triệu đồng là tiền ủng hộ của cá nhân Phan Anh.
Gia Minh (DNSGCT)