Trong trả lời phỏng vấn của DNSGCT hồi tháng 4 năm nay, ông Josselin de Gesincourt – một sommelier danh tiếng của Pháp từng làm việc nhiều năm ở New Zealand và sau này trở thành nhà quản lý rượu vang của Camus – cho biết chỉ cần lật ngược bản đồ New Zealand sẽ có sự phân bố vùng đất trồng nho làm vang giống như nước Pháp, với cùng điều kiện khí hậu và ranh giới vùng miền.
Chẳng hạn vùng Central Otago giống Bourgogne của Pháp. Khi làm vang pinot noir, các lò vang New Zealand tuân thủ quy định sử dụng 100% giống nho này, trong khi ở một số nơi khác thì chỉ cần đáp ứng 85%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vang New Zealand pha chế sẽ đạt chất lượng mùi vị như vang Pháp, khi terroir vẫn là đặc thù của từng vùng. Không ít lò vang của Tân thế giới muốn làm vang Bordeaux từ các giống nho trồng mặc định để cạnh tranh nhưng không đạt được kết quả thuyết phục. Vì vậy, có thể nói rằng Stonyridge đã mạo hiểm thành công.
Thành lập vào đầu thập niên 1980, Stonyridge sở hữu nhiều cái nhất trong làng rượu vang New Zealand: khí hậu ở đảo Waiheke(*) tốt nhất cho các giống nho đỏ; là nhà làm vang đầu tiên chỉ dùng thùng gỗ sồi đểủ rượu (các lò vang New Zealand vốn chuộng kỹ thuật hiện đại nên thường ủ rượu vang trong thùng inox và cổ súy dùng nút chai vặn kim loại), là một trong những lò vang có hầm rượu xây dưới lòng đất… Đặc biệt hơn cả, “chúng tôi là lò vang New Zealand đầu tiên pha chế vang theo phong cách Bordeaux Four (gồm bốn giống nho cabernet sauvignon, merlot, cabernet franc và malbec) và Bordeaux Five (có thêm petit verdot)” – ông Steve White, chủ lò vang Stonyridge nói khi giới thiệu sản phẩm đến lượng khách hàng chọn lọc tổ chức giữa tháng 9 vừa qua tại Nhà hàng Vesper, TP. Hồ Chí Minh.
Sau lần nếm thử năm ngoái với kết quả sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng nhưng chưa có phản hồi về thị trường, nay ông Steve White trở lại Việt Nam với niềm vui nho nhỏ vì đã có nhà phân phối là Công ty Tấn Khoa. Cũng rất thật lòng, ông hy vọng sản phẩm được khách hàng Việt Nam ưa thích, như họ đã từng ưa thích vang Bordeaux nổi tiếng với các thương hiệu như Lafitte, Petrus, Haute-Brion, Latour… “Chúng tôi đánh giá rất cao rượu vang Pháp, đặc biệt là Bordeaux, nên nỗ lực làm ra sản phẩm mang phong cách tương tự. Việt Nam có mối quan hệ sâu đậm với nước Pháp nên người tiêu dùng có kiến thức rất tốt về rượu vang. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thích Stonyridge”, ông giải thích.
Hầu như rượu vang New Zealand trên thị trường đều làm từ một giống nho. Ông Steve White cho biết: “Việc pha chế các giống nho sao cho đạt chất lượng mong muốn là không đơn giản, nhưng chúng tôi đã có quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trồng các giống nho này, đồng thời chúng tôi cũng không ngừng học hỏi thêm từng ngày. Đêm nay, chúng tôi còn giới thiệu vang phong cách vùng Rhône pha chế từ ba giống nho syrah, mouvedre và grenache. Có thể khẳng định rằng nho syrah và mouvedre phát triển rất tốt ở đảo Waiheke. Nếu bạn muốn biết thực sự chúng tôi có thể làm được vang ngon như thế nào thì nên thử sản phẩm”.
Nhờ vùng đất nhiều nắng nên nho trồng ở đảo Waiheke có hàm lượng đường cao và cũng có nghĩa là độ cồn tốt. Tại buổi nếm thửở TP. Hồ Chí Minh, khách hàng đánh giá cao chai Pilgrim 2011 theo phong cách vùng Rhône, trong khi chai Airfield 2011 (Bordeaux Four) còn trẻ, vị chua hơi lấn át và vị chát chưa đạt tới. Cần biết rằng người tiêu dùng Việt Nam đa số thích vị chát của vang đỏ lấn át vị chua, dù đây là yếu tố giúp cân bằng và kích thích ăn ngon. Nhìn chung, chai Airfiled 2011 dễ uống nhưng không thật sự có cá tính, có lẽ phải để lâu thêm vài năm thì sẽ ngon hơn. Đây là điều dễ hiểu vì Airfield là “vang hạng hai” (second wine) của Larose (Bordeaux Five), trong trường hợp vụ mùa thu hoạch không được tốt để pha chế Bordeaux Five đúng chuẩn. Trong khi đó, chai Pilgrim 2011 có thể đánh bại vang của vùng Rhône tại một cuộc thi thử vang mù nhờ vị chát nổi trội mà cũng rất cân bằng mùi vị, đậm đà, dù độ cồn không cao (13%). Với chai Larose 2009, đây đúng là ngọn cờ đầu của Stonyridge với “đẳng cấp Bordeaux” có độ phức tạp rõ rệt theo đánh giá của vài khách hàng.
“Khi tổ chức nếm thử mù ở Úc, nhiều khách hàng nghĩ rằng Larose là vang Bordeaux. Nghe họ nhận xét như thế, tất nhiên chúng tôi rất vui”, ông Steve White nói. Khách hàng tại buổi nếm thử tổ chức ở Hà Nội ngày 17-9 vừa qua cũng đánh giá tương tự, thậm chí có người mua sản phẩm tại chỗ và đặt hàng (Stonyridge chỉ dành 13 thùng, tức 156 chai gồm cả ba loại cho thị trường Việt Nam và chuyên chở bằng đường hàng không). Tuy nhiên Stonyridge là vang đắt tiền: chai Larose 6 triệu đồng, Pilgrim 2 triệu và Airfield 1,5 triệu – mức giá khá nhạy cảm trong thời điểm hiện nay, đặc biệt đối với các khách hàng là nhà hàng có danh mục rượu vang rất cạnh tranh về giá cả đi kèm chất lượng. Riêng người tiêu dùng gia đình có thể bị thuyết phục nếu như họ muốn thưởng thức “Bordeaux Tân thế giới” và đa dạng hóa hầm rượu của mình.