Tôi đang chuẩn bị quà để đi dự đám cưới con gái một người bạn thời học Trường Đồng Khánh Huế thì có điện thoại của Duyên. Chần chừ vài giây, tôi quyết định nhờ người mang quà đến lễ cưới chúc mừng hai cháu trăm năm hạnh phúc. Rồi cùng Duyên và những người bạn phóng xe máy về Rú Chá, cách thành phố Huế chừng mười cây số. Ngờ đâu, giờ đây tôi “dặm đường mê mải”… Dù mưa dù nắng, một tuần không về, lòng đã nôn nao!
Rú Chá có cách đây đã vài trăm năm kể từ khi người dân làng Thuận Hòa đến khai sinh lập địa. Đây là vùng ngập mặn tập trung hiếm hoi còn sót lại trên phá Tam Giang với diện tích chừng 6 hécta. Cây Chá mọc dày đặc tạo thành bức tường kiên cố che chắn cho cư dân đất liền vùng đầu sóng ngọn gió làng Thai Dương Hạ nhìn ra cửa biển Thuận An. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Rú Chá là nơi tiếp tế, chở che cho cách mạng. Nhưng, những năm đầu sau 1975, đất nước thoát khỏi đạn bom, một bộ phận người dân rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn đã vào Rú, chặt củi về đun nấu làm cho rừng xác xơ! Và trận bão số 8 tháng 10-1985 là sự “trả thù” của thiên nhiên. Bão dữ, sóng cuồng đã quật ngã dân Thuận An, làng Thuận Hòa tan nát! Ngày ấy, tôi và một đồng nghiệp nữa, mỗi người một xe đạp về Thuận An đưa những tin tức đầu tiên khi bão vừa tan. Đoạn đường bê-tông qua cầu Diên Trường bị triều cường đánh sạt lở sâu hoắm, chúng tôi gồng mình vượt chướng ngại vật tiếp cận Thuận An. Tất cả xác xơ, tang thương! Bây giờ, dù mở mắt hay nhắm mắt lại, tôi vẫn còn thấy những xác người phình to, nằm sấp, trôi dập dềnh trên biển.
Ba năm sau, 1988, nghe lời cán bộ xã, vợ chồng anh chị Nguyễn Ngọc Đáp – Trần Thị Hồng rời làng Thuận Hòa ra cắm sào giữ Rú. Ngày đi, gia sản chỉ có mấy cây tre dựng trại, vài cái xoong nồi, năm ba cái chén và đôi con gà. Ngày đắp đất, be bờ nuôi tôm cá, đêm nằm giữa rừng Chá hoang vắng với cái đài.
Nhớ thuở nào, khi đất nước hòa bình, anh thương binh Đáp trở về làm nghề chăn vịt. Rồi anh gặp chị Hồng chạy chân đất trên đường dài, sáng sáng gánh cá ra mãi chợ Xép – Huế. Không biết đôi mắt anh Đáp nhìn sao mà chị Hồng quên đi đoạn đầu đời với anh hàng xóm ở thôn Vân Quật Đông để ý yêu thương chỉ vì hai con mắt chị to và đen thui, nước da ngăm đen, mái tóc cũng đen, dày. Chịừ một tiếng, anh Đáp mừng run. Rồi họ làm vợ chồng với nhau, rồi… sinh chi tới mười đứa con. Chúng lớn lên trong sự eo hẹp với sắn khoai và cá vụn, cơm thì chỉ thi thoảng dính vài hột nơi khoai, có khi đứt bữa. Vậy mà đàn trẻ lớn nhanh, to khỏe. Giờ, hầu hết đã có gia đình nhỏ và sống quây quần quanh phá Tam Giang.
Tôi chắc chắn rằng, anh Đáp chị Hồng là đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết nhất trần gian. Làm gì họ cũng thấy nhau, tựa vào nhau. Người này có việc đi ra thì người kia trông ngóng. Có lần chị Hồng nói với tôi rằng “Không có việc gì anh Đáp không làm được. Ngoài công việc chính là chăm sóc, bảo vệ rừng Chá, anh còn cùng vợ con làm đủ thứ công việc của một ngư dân, rồi anh trồng lúa, chăn nuôi gà vịt ngỗng ngan, lợp nhà, đan sạp…”. Nhìn anh, tôi không nghĩ anh đã vào tuổi bảy mươi. Cao cao, da đen bóng và đôi mắt sâu thẳm biển khơi, cái lưng thẳng, bước đi vững chãi như thể mới tuổi trung niên.
Khi cái ăn đã ổn định, lại có người vợ luôn dành cho một tình yêu chân chất mà nồng nàn, anh Đáp yên tâm hồi sinh Rú Chá. Đã gần ba mươi năm, ngày đêm anh thầm lặng thức ngủ cùng Chá. Nơi nào có cây đổ, anh đỡ dậy chăm chút, trồng thêm cây con, cần mẫn gỡ từng cái bẫy chim, gặp người chặt cây bẻ cành, anh lựa lời nhắc nhở. Vậy mà có ngày anh phải đối mặt với hàng chục vụ, có lúc anh đã bị những kẻ phá Rú chặt củi, bắn chim “đánh hội đồng”. Chính phong cách sống hết mình của anh cùng sự thấu hiểu của người dân đã làm cho Rú Chá bây giờ xanh tươi, bốn mùa thay lá đơm hoa soi bóng xuống mặt bàu đầy quyến rũ, khuyến dụ, gọi về từng đàn diệc lửa, vạc, cò trắng, chim cu…, có cả những loài chim bay về trú đông làm xao động bao người.
Có một điều lạ, khi Huế vào mùa “nước nhảy lên bờ” thì hoa Chá bắt đầu nở, rồi dần rộ sắc vàng phơi trong nắng cuối thu, đẹp lạ. Và, Rú Chá với những bộ rễ cây như những bon-sai khổng lồ đã là một bức bình phong vững chãi cứu nguy làng Thuận Hòa không bị tổn thất về người trong cơn đại hồng thủy 1999 tràn qua tàn phá tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông Trần Viết Én, chủ tịch xã Hương Phong, thị xã Hương Trà cho biết: “Sau nhiều trận bão, lũ, Rú Chá giờ đây còn quý hơn vàng, nó chính là báu vật vô giá của dân Thuận Hòa. Anh Đáp đã bảo vệ, giữ gìn Rú với một tinh thần hiệp sĩ mà xã chưa chi trả cho anh lấy một ngày lương!”.
Khi cơn bão Haiyan năm 2013 vần vũ trên bầu trời miền Trung, tôi về Cồn Tè, Rú Chá. Trên đường đi gió rít nhức tai, đã nghe cán bộ xã Hương Phong bắc loa kêu gọi dân sơ tán đến nơi cao an toàn. Tôi vào túp lều và thấy anh Đáp đang đứng bên hàng Chá trước lều cùng một chiếc thuyền con, mấy gói mì ăn liền, nước uống, cây đèn pin. Nhìn bầu trời đầy mây đen, anh Đáp lo lắng nói: “Đi thì cả đàn gia cầm ai cho ăn? Chúng đói, chết thì xem như bị trời lùa một cú sạch vốn. Vợ chồng tôi sống nhờ Chá, chết cũng nhờ Chá. Cây Chá cắm sâu vào lòng đất như vậy thì không thể trôi được. Khi bão lớn, nước dâng, tôi vào sâu trong Rú là chắc ăn”. Rú Chá này đã qua bao thử thách, bao mùa bão lụt lớn mà vẫn yên. Và, anh Đáp đã qua đêm vững vàng cùng rừng Chá. Sau cơn bão này, anh Đáp có tâm tư: “Mong sao chính quyền các cấp quan tâm cho tôi tiếp tục được nhận khoán hói Ô Rô với mức giá như những năm qua để thả nuôi tôm cá, lấy ngắn nuôi dài, đủ sức giữ Rú”.
Những người bạn Huế mê Rú quá vui với cái tên tự đặt cho mình – “Xóm Rú”. Những du khách và những người Huế yêu thiên nhiên, thích sống đời phóng khoáng là những người bạn thường xuyên của Rú. Đi để xả stress, thở cùng nắng gió, nhìn lại mình… Đường vào Rú sau khi qua một cái cồn mộ sẽ đến con đường Chá với hai hàng cây giao nhau tạo thành một cái vòm xinh xinh, nhiều sáng thu có những sợi tơ trời mỏng manh giăng giăng trong sương khói. Tôi thường gặp nơi đây những lứa đôi dìu nhau chụp những tấm hình đẹp làm kỷ niệm trước ngày cưới, lại có người đưa cả gia đình về chơi cuối tuần, các bạn trẻ, các đoàn làm phim…
Từ khi có Xóm Rú về “cắm chốt”, anh Đáp đã đem cất cái đài. Cái tivi đen trắng thuộc dạng “đồ cổ” chạy bằng ắc-quy để anh nắm tình hình trong ngoài nước và dự báo thời tiết. Đã mấy năm qua, Xóm Rú dành một ngày trong một tuần sống bình yên trong túp lều và cái chồ tre(*) trên bàu nước. Điều làm họ say mê túp lều là được tự tay nấu nướng các món ăn trên bếp lửa hồng. Mùa đông, mới ấm áp làm sao! Chính là bếp lửa đỏ rực và vẻ đẹp hoang sơ của Rú đã thôi thúc bước chân họ. Rồi có những ngày hè ngồi trên cái chồ ngập tràn nắng gió, họ có những bữa cơm thật ngon với những món ăn rặt Huế: vả trộn, bánh ướt tôm chấy, muối sả với nhiều ớt cay… có trộn lẫn mùi khói của củi và mùi nước mưa giọt từ mái lều xuống những cái lu của đôi vợ chồng Rú. Cái chồ tre kiêm luôn “sàn diễn”. Những bài hát thuộc về thuởấy mười bảy, dù là thính phòng hay đậm chất bolero đều được Xóm Rú hát chân tình, thiết tha với những bàn chân đập nhịp lên chồ tre. Anh Trần từ Mỹ về và không hiểu sao anh lại nằm “tu bụi” ở làng Liễu Hạ quê anh ba tháng ròng rã? Biết anh sắp phải nghìn trùng xa… Huế, tôi gọi điện nói với anh: “Trở về mà anh chưa đi Rú Chá thì coi như chưa về đó”. Thế là, một sáng xuân trời còn lạnh, anh cùng người bạn chí cốt Đoàn Phạm Túy Linh hòa nhập vào Xóm Rú, cùng nhau cất giày, xắn quần bấm ngón chân xuống đất, lội bùn, nắm tay nhau qua chiếc cầu tre vào Rú. Xa rồi, anh nói: “…Quỹ thời gian của đời mình còn ít quá, chắc gì tôi còn dịp từ Cali khăn gói về thăm lại Rú Chá lần thứ hai. Dẫu sao thì sau khi về sống một ngày với Rú Chá, một người bình thường mang nặng những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống không ngừng dịch chuyển như tôi bỗng cảm thấy lòng mình an lạc. Từ đó, lòng người sẽ biết sống với chính mình thông thoáng hơn và sống với người đầy yêu thương, độ lượng hơn…”.
Huế đã qua mùa lụt năm nay, hoa Chá đã thôi thả phấn vàng xuống bàu nước. Trời chuyển mưa dầm gió rét. Đã nghe trong không gian nàng xuân đang đến. Nếu vùng đồi tây nam Huế hoàng mai chuẩn bị điểm tô sắc vàng trên những con đường nhỏ thì ở phía đông, Rú Chá đã xanh mướt màu lá, hạt trĩu cành để nuôi nấng đàn gà và thai nghén một mùa hoa vàng năm sau. Vàng ơi, Rú Chá, tôi còn đi, tôi mãi đi.