Trong đại dịch, không chỉ con người mà nghe như cả Trái đất cũng đang vặn mình kêu đau. Nghe những quy luật tự nhiên trước nay vẫn được xem là quy luật, nay dường như đang thay đổi…
Khu phố bị phong tỏa đã qua ngày thứ 10. Ở một đoạn đường với vài chục nóc gia, có mấy công ty thuê đặt văn phòng thường ngày vẫn có người ra kẻ vào, có mấy quán cà phê mở nhạc xập xình… giờ tất cả lặng như tờ, không một bóng người ngoài đường, không một tiếng nói, tiếng cười, tiếng máy xe, tiếng còi xe.
Trong cái thinh lặng lạ thường đó, tôi lắng nghe cảm thức của chính mình, một trong hơn 7 tỷ sinh linh trên Trái đất đang trải qua một trải nghiệm mà mỗi người còn sống (nếu may mắn không nằm trong số hơn 4 triệu người đã bị đại dịch COVID-19 cướp đi mạng sống) có lẽ chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất trong đời. Bởi trải nghiệm dị thường đến nỗi khó mà tin sẽ có lần thứ hai.
Trong đại dịch, không chỉ con người mà nghe như cả Trái đất cũng đang vặn mình kêu đau. Nghe những quy luật tự nhiên trước nay vẫn được xem là quy luật, nay dường như đang thay đổi, rõ nhất là trong lĩnh vực khí hậu.
Thì đó, trung tuần tháng 7, hai quốc gia châu Âu phát triển hàng đầu là Đức và Bỉ – chưa kể Áo, Hà Lan cũng chịu tác động ít nhiều – đã trải qua đợt lũ lụt lịch sử. Mưa lụt trái mùa lớn chưa từng thấy trong gần 100 năm qua đã khiến gần 200 người thiệt mạng. Con số vẫn chưa dừng lại vì có đến hơn 1.500 người đang mất tích. Chưa kể đường sá, cầu cống, nhà cửa, xe cộ… bị cuốn theo dòng lũ. Đến mức mà bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đang thăm Mỹ trong chuyến đi cuối cùng với tư cách thủ tướng và để nhận bằng tiến sĩ danh dự Đại học Johns Hopkins, đã vội vã về nhà, đến thăm vùng thảm họa để tận mắt chứng kiến những thiệt hại mà bà gọi là “siêu thực, ám ảnh”, hứa hẹn tái thiết và kêu gọi cùng hành động phòng chống biến đổi khí hậu.
Canada thì ngược lại, đang đối diện với đợt nắng nóng kinh hoàng. Cũng là cái gì đó rất trái với quy luật tự nhiên trước nay. Tại một vùng cho đến nay hầu như chỉ biết đến tuyết rơi và những mùa hè mát mẻ, nhiệt độ đột ngột tăng lên 49,6 độ C như ở Trung Đông, hay sa mạc Sahara. Hơn 700 người Canada đã thiệt mạng vì nắng nóng. Ở bang Oregon, Mỹ, ít nhất có 95 người chết do đợt nắng nóng kỷ lục, còn ở bang Washington cũng có hàng chục người chết vì nóng.
Mưa và nắng ở mỗi vùng đất đã hình thành quy luật từ xa xưa. Giờ đây, cái quy luật đó đang bị phá vỡ và Trái đất đang ở một thời kỳ biến động khó lường – theo nhiều nhà khoa học về khí hậu. Một dự thảo báo cáo bị rò rỉ của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (dự kiến công bố đầu năm 2022), cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ định hình lại một cách căn bản sự sống trên Trái đất trong những thập kỷ tới, ngay cả khi con người chế ngự được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang làm hành tinh nóng lên.
Trích đoạn báo cáo IPCC (theo bản dịch trên trang web Hành tinh Titanic): “Sự tuyệt chủng của các loài, dịch bệnh lan rộng, sốc nóng không sống nổi, hệ sinh thái sụp đổ, các thành phố bị đe dọa bởi nước biển dâng – những tác động này và các tác động khí hậu tàn khốc khác đang tăng tốc và chắc chắn sẽ trở nên rõ ràng trước khi một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay bước qua tuổi 30”.
Các lựa chọn mà xã hội đưa ra hiện nay sẽ quyết định liệu loài người có tiếp tục thịnh vượng, hay chỉ đơn giản là sống sót khi vượt qua thế kỷ XXI.
“Điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu chúng ta nhiều hơn là của chính chúng ta”, báo cáo viết.
Kết luận quan trọng thứ hai của bản báo cáo: thế giới phải đối mặt với thực tế này và chuẩn bị cho cuộc “thanh trừng” dữ dội của biến đổi khí hậu. “Các mức độ thích ứng hiện tại không đủ để ứng phó với các rủi ro khí hậu trong tương lai”, báo cáo cảnh báo.
Các dự báo cho thời điểm giữa thế kỷ này – ngay cả trong một kịch bản lạc quan là ấm lên chỉ 2 độ C – cho thấy cảnh báo trên vẫn chỉ là đang nói giảm/nói tránh.
Hàng chục triệu người có khả năng phải đối mặt với nạn đói vào năm 2050, và 130 triệu người nữa có thể trải qua tình trạng nghèo cùng cực trong vòng một thập kỷ nếu tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
- Xem thêm: Đất chảy
Vào năm 2050, các thành phố ven biển nằm trên “chiến tuyến” của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ chứng kiến hàng trăm triệu người bị đe dọa do lũ lụt và các cơn bão biển ngày càng ác liệt vì nước biển dâng. Khoảng 350 triệu người sống ở các khu vực thành thị sẽ phải chịu cảnh khan hiếm nước do hạn hán nghiêm trọng khi nhiệt độ tăng 1,5 độ C; con số này sẽ là 410 triệu người khi mức tăng nhiệt là 2 độ C.
Thêm nửa độ cũng có nghĩa sẽ có thêm 420 triệu người tiếp xúc với những đợt nắng nóng khắc nghiệt có khả năng gây chết người.
***
Từ báo cáo IPCC, nghe như vọng lại cảnh báo từ nhiều năm trước của giáo sư Stephen Hawking, nhà vật lý lý thuyết người Anh, nhà vũ trụ học được coi là thiên tài của thế giới (1942-2018). Tại sự kiện khoa học Starmus diễn ra năm 2017 tại Trondheim, Na Uy, Stephen Hawking đã cảnh báo con người phải tìm một ngôi nhà mới trong vũ trụ trong vòng 200-500 năm tới nếu muốn sống sót.
“Vì sự cân bằng của Trái đất đang bị phá vỡ. Trái đất đang bị đe dọa từ rất nhiều phía”, Stephen Hawking nhấn mạnh. “Các mối đe dọa quá lớn và quá nhiều… Tài nguyên khoáng sản của chúng ta đang bị vắt kiệt, với tốc độ báo động. Chúng ta đang mang đến hành tinh của mình một món quà thảm khốc của sự biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, băng tan ở vùng cực, nạn phá rừng, và sự tàn phá các loài động vật. Chúng ta là những người thiếu hiểu biết, không biết suy nghĩ”.
Phải chăng vì nghe theo lời cảnh báo của Stephen Hawking rằng phải chuẩn bị cho một tương lai “con người liên hành tinh” khi Trái đất đã bị chính con người hủy hoại đến mức không còn có thể ở được nữa, mà ngay trong những ngày đại dịch bi thảm này, khi biến đổi khí hậu đang gây thảm họa ở nhiều nơi, lại cũng là lúc chúng ta chứng kiến những nỗ lực chinh phục sao Hỏa của một số quốc gia, và của những tỷ phú như Richard Branson và Jeff Bezos bằng những tên lửa của công ty riêng. Tương lai nhân loại có vẻ đang đi bằng những bước nhanh hơn, khi không chỉ nhà nước mà chính tư nhân cũng đã tham gia công cuộc chinh phục vũ trụ.
Đó là xu thế có vẻ không gì cưỡng lại được, dù xa dù gần. Con người sẽ không còn chỉ là con người trần gian (hiểu theo nghĩa chỉ biết có Trái đất) mà sẽ trở thành con người liên hành tinh nhờ “thuộc địa hóa” những hành tinh khác như sao Hỏa.
Ấy vậy mà, nghịch lý thay, tôi – và có lẽ không chỉ tôi – vẫn chỉ muốn làm “người trần gian”, như trong lời bài hát Hoa học trò của nhạc sĩ Anh Bằng (Anh đem cánh phượng bôi hồng má em/Để cho em đẹp như tiên/Nhưng em không chịu/Sợ phải lên trên trời/Lên trời hai đứa hai nơi/Thôi em chỉ muốn làm người trần gian…), cho dù lúc con người kéo nhau lên sống trên sao Hỏa thì thế hệ loài người hiện tại đã tan biến đâu đó trong vũ trụ rồi. Trần gian: một cánh phượng, một tia nắng, một áng mây, một dải núi, một ngọn suối róc rách, một làn gió biển và những cơn sóng, một con sông hiền hòa, một cánh đồng lúa, những kiến trúc, những cảnh tượng, những sinh vật, những tiếng cười, những con người… làm sao kể hết những cái đẹp, cái đáng yêu từ đơn sơ, mộc mạc đến hoành tráng, hùng vĩ của thiên nhiên, của trần gian.
Thế nên, dù vũ trụ có hứa hẹn vô số những điều mới lạ thì con người vẫn cứ muốn yêu lấy trần gian của mình. Chỉ có điều, để có thể tiếp tục yêu, phải biết giữ gìn lấy nó, nâng niu nó, không làm tổn hại đến nó thêm nữa. Từ cá nhân đến cộng đồng, đến quốc gia, cần làm hết sức để tránh sự “thanh trừng” của biến đổi khí hậu mà nhân loại đã thấy, rất nhãn tiền.