Hơn mười năm trước, khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đạo diễn Tuấn Lê và đạo diễn Nguyễn Nhất Lý đã muốn tạo ra chương trình biểu diễn nghệ thuật để đưa cồng chiêng đến với khán giả trong và ngoài nước. Đến nay, hai vị đạo diễn đã hiện thực hóa ước mơ của mình qua chương trình kịch xiếc Teh Dar, hiện đang công diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuốn sổ lưu bút đặt trước cửa nhà hát còn lưu lại rất nhiều lời nhận xét “xuất sắc”, “tuyệt vời”, “kỳ diệu”… bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Thái… dành cho chương trình. Còn khán giả Nguyễn Thanh Thùy thì chia sẻ trên trang Facebook: “Teh Dar là một chương trình hay về cao nguyên, sướng nhất là nghe các loại nhạc cụ, nhất là tiếng trống hùng hồn vang vang ấm nhà hát. Ngồi trước mình có lẽ là một bác ở Tây Nguyên mặc áo thổ cẩm đi coi, thấy bác vui lắm. Dù có thăng có trầm, có thế nào đi nữa thì mình cũng vui vì À Ố show đã xuất khẩu sang châu Âu, mang văn hóa Việt Nam giới thiệu với thế giới, để mình cảm nhận rõ nét đặc trưng văn hóa Việt qua lăng kính vui, lãng mạn, đương đại… Có ai tin là mình đã xem À Ố show phiên bản gốc đến khoảng 20 lần mà vẫn không chán?”.
Cũng như À Ố show đã công chiếu thường nhật ở TP. Hồ Chí Minh trong bốn năm qua, Teh Dar là loại hình nghệ thuật biểu diễn theo hình thức “kịch xiếc mới” với việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như xiếc đu dây, xiếc nhào lộn, xiếc tung hứng, xiếc thăng bằng, với nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng của nghệ sĩ hòa cùng âm thanh, ánh sáng… Những thủ pháp nghệ thuật đa dạng, tài tình có pha chút hài hước khiến người xem vô cùng thích thú và tự do tưởng tượng về cuộc sống, suy nghĩ và tình cảm giản dị, chân tình của các dân tộc Tây Nguyên. Mặc dù nhiều mảng đời sống Tây Nguyên được tái hiện và giá trị nhân văn của vở diễn có thể không được nhiều người hiểu hết nhưng khán giả thật sự bị thuyết phục bởi khả năng phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt của diễn viên cùng với những đạo cụ rất thô sơ, chỉ là thúng, gùi, cây tre…
Theo lời kể của đạo diễn Tuấn Lê, anh và nhóm làm chương trình đã cất công lên vùng Tây Nguyên nhiều lần mới “chiêu mộ” đủ các nhạc công, ca sĩ lẫn nhạc cụ cho Teh Dar. Anh đã có những cơ duyên đặc biệt khi đến vùng đất này, chẳng hạn như câu chuyện gặp Zier, một giọng ca nữ của chương trình. “Chúng tôi gặp cô gái này một cách tình cờ trong buổi cơm trưa, cô gái có giọng hát như có thể trò chuyện với thiên nhiên, làm người nghe rung động, thậm chí rưng rưng dù không hiểu hết lời cô hát”, Tuấn Lê cho biết. Nhận lời mời của chương trình, Zier quyết tâm theo đoàn về thành phố biểu diễn mặc dù cô hiện có con nhỏ chỉ mới hơn 1 tuổi. Hay như câu chuyện về việc tìm mua các nhạc cụ. Đồng bào các dân tộc xem những chiếc chiêng trống, đàn cổ là phương tiện giao tiếp với thiên nhiên, với thánh thần, nên những bài diễn tấu của họ chính là văn hóa tâm linh, là tinh thần, là lịch sử nguồn cội của họ. Có những nhạc cụ là kỷ vật linh thiêng của một dòng họ, mang trong mình giá trị lịch sử lớn lao nên gia đình nhất định không bán, phải tổ chức một buổi lễ cúng mới được “thỉnh” về.
Vở diễn Teh Dar được dàn dựng công phu với các nhạc cụ gần gũi thân quen với các bản làng Tây Nguyên. Quả thật, khó mà có thể diễn tả được hết sức sáng tạo của người đạo diễn, kỹ xảo ánh sáng sân khấu, sự tài tình của những diễn viên. Dường như cả âm thanh, bố cục và màu sắc và sự nhanh nhẹn, uyển chuyển của người nghệ sĩ đã tạo nên một bức tranh sân khấu hoàn hảo. Vì đây là một vở kịch xiếc nên người xem vừa bị cuốn vào cảm xúc kịch lại vừa hồi hộp, thót tim với những pha biểu diễn xiếc. Một cách vô thức, khán giả nhịp chân theo nhịp cồng chiêng hay nghiêng mình theo bước xoay người trên không của diễn viên.
Độc đáo nhất khi các diễn viên sử dụng mặt nạ gỗ của người Ê Đê. Mặt nạ vốn là dụng cụ mang chất tín ngưỡng, là của người dân tộc và việc sáng tạo một chiếc mặt nạ cho đúng chất, thể hiện được “cái hồn” của nó là công việc rất khó, chỉ có các nghệ nhân lão luyện mới làm được mặt nạ. Chiếc mặt nạ đội phía sau đầu bỗng làm cho người diễn viên trở thành một nhân vật có nét tính cách khác. Cùng với cách thể hiện độc đáo trên sân khấu, chiếc mặt nạ không còn là vật vô tri vô giác mà là phản ánh tâm tưởng hướng thiện của người dân tộc Tây Nguyên.
Trong chương trình, tiếng cồng chiêng đơn sơ, mộc mạc đã thể hiện khả năng đánh thức thiên nhiên, thôi thúc sự sinh sôi, đâm chồi nở hoa, mùa màng tươi tốt đồng thời khơi dậy những cảm xúc vui, buồn mãnh liệt trong lòng người xem. Cồng chiêng được đánh lên khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người. Thỉnh thoảng, tiếng trống dừng lại và thay vào đó là tiếng đàn Goong – một nhạc cụ dân tộc của người Gia Rai được sử dụng nhiều trong lễ hội, những đêm tâm tình của các đôi trai gái. Đúng như câu hát quen thuộc của bà con người Gia Rai khi cùng nhau lên nương: “Nghe tiếng đàn Goong nhịp tim xôn xao, nghe tiếng đàn Goong nhịp chân nghiêng chao… tiếng đàn đinh Goong reo rắt, nói lời yêu nhau…”.
Cứ thế mà người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu trong suốt một giờ đồng hồ, chỉ đến khi vở kịch khép lại với điệu múa gieo hạt. Các chàng trai thì đi trước cầm gậy chọc lỗ gieo hạt còn các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo hạt giống vào lỗ. Tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng vỗ tay của khán giả như những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động. Một trong những khán giả rất thích chương trình À Ố show nói chung là đại sứ Mỹ Ted Osius, dòng lưu bút của ông là: “Tất cả cho thấy biểu tượng của Việt Nam, có biểu tượng của thành phố lẫn địa phương. Khán giả sẽ có những tình cảm sâu sắc về Việt Nam khi xem chương trình. Tuyệt vời!”.
- Thanh Nhã