Trong những năm qua, thị trường sách Việt Nam ngày càng sôi động trước sự ra đời của nhiều doanh nghiệp làm sách cùng các thể loại sách trăm hoa đua nở. Bên cạnh đó, những giải thưởng về sách do các tổ chức xã hội lập ra cũng đã xuất hiện như giải thưởng Sách Hay của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED và Dự án Sách Hay tại TP. Hồ Chí Minh, giải thưởng Fahasa của Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM… Tuy nhiên, việc sách phong phú hơn, được quảng bá rộng rãi hơn liệu có góp phần nâng cao văn hóa đọc của cả xã hội lên hay không?
Để có cái nhìn rõ vấn đề, tọa đàm lần này của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tại Press Café có năm khách mời – những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa đọc. Đó là PGS-TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng (Giảng viên khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm TP.HCM), ông Phạm Thế Cường (chủ thư viện Phạm Thế Cường tại quận Gò Vấp kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ sách Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng), ông Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Công ty Sách First News), bà Nguyễn Thúy Uyên Phương (Giám đốc dự án Sách Hay), ông Trần Ngọc Thái Sơn (Giám đốc trang thương mại điện tử sách truyện trực tuyến Tiki.vn).
Tọa đàm diễn ra khi Hội sách TP.HCM 2012 vừa kết thúc, các khách mời đều đã tham dự sự kiện này trong những vai trò khác nhau. Ông Phạm Thế Cường và ông Trần Ngọc Thái Sơn đều cho rằng sách năm nay bán chạy hơn những năm trước. Tuy nền kinh tế còn nhiều khó khăn, giá sách còn cao so với mức sống của đa số người dân nhưng nhờ sách được giảm giá ngay từ đầu hội nên thu hút rất đông người mua. Đây là tín hiệu vui và cũng cho thấy rằng mức giá cao vẫn là trở ngại với một bộ phận không nhỏ người thích đọc sách. Là người tham gia tích cực nhiều hoạt động ở hội sách, ông Nguyễn Văn Phước bổ sung thêm ý khác: “Một trong những điểm mà tôi rất thích ở hội sách là có nhiều cơ hội để giao lưu giữa tác giả, bạn đọc và người làm sách. Các bên càng hiểu nhau sẽ càng tạo nhiều điều kiện để phát triển văn hóa đọc”.
Từ ý kiến của ông Nguyễn Văn Phước, ông Hoàng Dũng vào đề ngay: “Văn hóa đọc thay đổi nhanh chóng từ mấy chục năm nay, đến giờ thì đã khác xưa rất nhiều. Thuở xưa, loài người viết chữ trên đất sét hoặc vỏ cây, sau này làm ra được giấy mực thì cũng rất công phu. Công phu như thế thì chữ viết phải dùng vào việc gì có ý nghĩa lớn và thật quan trọng chứ! Thời ấy, giấy là để chép chữ của thánh hiền, thế nên đọc chữ là để học làm người. Bây giờ, công nghệ in ấn phát triển, có nhiều ấn phẩm phát không cũng chẳng ai đọc”. Theo ông Dũng, xã hội ngày càng phân hóa, các lĩnh vực nghề nghiệp đi vào những chuyên môn sâu, cuộc sống nhiều người bị thu hẹp lại. Khi đó con người đọc để không bị cầm tù trong thực tại. Sách giúp người ta thoát được những ràng buộc về không gian, thời gian, những điều kiện cụ thể để bước vào một thế giới khác. Thế nên mới có văn để tải đạo, cũng có văn để đọc chơi. Ngày nay không chỉ có thánh hiền, mà ai làm ra được thứ để cho người khác đọc, đáp ứng được nhu cầu đọc thì tạo ra văn hóa đọc.
PGS-TS Hoàng Dũng:Dù bị cạnh tranh bởi internet nhưng văn hóa đọc sẽ không chết mà chỉ phát triển theo một hướng khác
Dù bị cạnh tranh bởi internet nhưng văn hóa đọc sẽ không chết mà chỉ phát triển theo một hướng khác
Ông Nguyễn Văn Phước nêu dẫn chứng cho ý kiến “ai cũng có thể làm văn hóa đọc” bằng câu chuyện khá thời sự: “Chúng tôi vừa cho ra mắt cuốn Tâm Sida, hồi ký của một người phụ nữ từng làm nghề bán hoa. Cuốn sách do một người từng ở dưới đáy xã hội viết ra bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng vẫn đủ sức khiến cho trái tim người đọc rung động và cảm phục”. Theo ông Phước, nhân vật chính của cuốn hồi ký có tuổi thơ bất hạnh vì bị đánh đập, xâm hại tình dục. Khi mới 14 tuổi, chị đã bắt đầu trượt sâu vào con đường bán thân nuôi miệng và nghiện ngập. Khi biết mình bị nhiễm HIV, chị nằm chờ chết. Thế nhưng, một ngày, những nhân viên tình nguyện của Ủy ban phòng chống AIDS đã đến với chị một cách chân thành, chia sẻ buồn vui và động viên chị tìm một hướng sống tích cực hơn. Từ đó, chị cố gắng cai nghiện rồi trở thành một tình nguyện viên tuyên truyền phòng chống AIDS. Từ sự động viên của bạn bè, người thân, cùng với nỗ lực của bản thân, chị đã hoàn thành quyển sách sau tám năm viết lách. Đạt được sự thành công ngoài mong đợi, sách đã bán hết năm ngàn bản ngay trong Hội sách 2012.
Ông Nguyễn Văn Phước
Tác giả, bạn đọc và người làm sách càng hiểu nhau sẽ càng tạo nhiều điều kiện để phát triển văn hóa đọc
Nếu như trước đây có nhiều ý kiến cho rằng sự bùng nổ internet sẽ giết chết văn hóa đọc thì tất cả khách mời ở đây lại có quan điểm ngược lại. Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook, Zing Me đã khuyến khích nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ngồi viết. Nếu trước đây, việc viết cho cộng đồng đọc được coi là điều xa xỉ, chỉ dành cho những ai thật sự có năng khiếu văn chương thì giờ đây ai cũng có thể viết và bài viết nào cũng có người đọc. Điều này rèn luyện kỹ năng viết rất tốt. Hơn nữa, những cuốn sách hay thường được mọi người chia sẻ trên internet và có sức lan tỏa lớn hơn trước. Bà Phương cho biết thêm: “Nhiều nhóm bạn trẻ có sở thích đọc sách đã lập nên các Câu lạc bộ (CLB) về sách như CLB giao lưu sách Behind The Cover, CLB Thích Đọc Sách… Có dịp gặp họ, tôi thấy rằng các bạn trẻ này đã sử dụng internet vào việc lập diễn đàn, thu hút thành viên và tổ chức hoạt động rất tốt. Họ chia sẻ những thông tin về văn hóa đọc, về sách hết sức nhiệt tình và hiệu quả”. Đồng ý với bà Phương, ông Dũng cho rằng dù bị cạnh tranh bởi internet nhưng văn hóa đọc sẽ không bao giờ chết mà chỉ phát triển theo một hướng khác.
Có phải ngày nay ai cũng có thể tạo ra văn hóa đọc? Bị cạnh tranh bởi internet, văn hóa đọc sẽ chết hay phát triển theo một hướng khác?
Khi số đông mọi người ai cũng có thể viết ra một cái gì đó để cho người khác đọc, một câu hỏi được các khách mời đặt ra là: “Vậy định nghĩa nào đúng nhất về văn hóa đọc ngày nay?”. Ông Dũng nói vui: “Một ông bạn của tôi từng nói rằng văn hóa đọc là đọc có văn hóa! Thật ra, đây là khái niệm để hình dung chứ khó mà định nghĩa rành mạch. Tôi cho rằng, khi người đọc tìm thấy trong sách một thế giới khác bổ sung cho hiện thực của họ, khi sự đọc giúp họ mở rộng kiến thức và nhận thức, lúc đó họ đã đọc có văn hóa”. Từ những gì đã quan sát được, ông Phạm Thế Cường, chủ một thư viện có 6.000 đầu sách mở cửa miễn phí cho thiếu nhi phản biện lại ý kiến trên: “Theo tôi, đầu tiên người ta đến với sách vẫn là để giải trí. Như tôi lúc nhỏ may mắn được đọc quyển sách đầu tiên rất hay là Không gia đình, từ đó tôi mê sách và luôn khao khát đọc. Với đa số mọi người cũng vậy. Mới đầu đọc sách phải thấy hay, thấy thích thú trước đã, còn những yếu tố giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức mới từ từ “ngấm” sau!”. Ở góc độ người làm sách, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng văn hóa đọc ngày nay phong phú như chính cuộc sống và cũng phần nào phản ánh cuộc sống. Vì người ta luôn tìm ở sách những gì bổ sung cho cảm xúc, kiến thức của bản thân nên khi nhu cầu, ước mơ của con người liên tục thay đổi, văn hóa đọc cũng liên tục được mở rộng.
Từ việc văn hóa đọc của mỗi cá nhân như thế nào để phát triển bản thân, các khách mời nhanh chóng nói sang chuyện văn hóa đọc của cộng đồng như thế nào để phát triển xã hội. Một lần nữa, ông Dũng vẫn là người mở màn chủ đề này: “Chúng ta thiếu rất nhiều sách cơ bản trong tủ sách tinh hoa của văn minh phương Tây. Còn những cuốn đã xuất bản được thì bán không bao nhiêu. Loại sách cung cấp những kiến thức nền tảng cho nhiều lĩnh vực như pháp luật, kinh tế, triết học… này rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của một đất nước. Tại Nhật Bản thời Minh Trị, Thiên Hoàng đã cho dịch toàn bộ tủ sách tinh hoa văn minh phương Tây sang tiếng Nhật và phổ biến khắp cả nước nhằm đổi mới tư duy cho toàn dân Nhật. Năm 1871, cuốn Bàn về tự do bán được một triệu bản. Vào thời điểm đó dân số Nhật khoảng 30 triệu mà sách bán được một triệu cuốn, vậy là kể cả những người đọc chưa thạo cũng mua. Thế thì dân khí của họ phải rất mạnh mẽ và ý chí thay đổi tư duy của cả dân tộc họ rất quyết liệt. Tại Việt Nam, việc nâng cao dân trí cũng đã được cụ Phan Chu Trinh nói đến từ một trăm năm trước, thế mà đến nay chúng ta chưa hề có một chương trình quốc gia nào về vấn đề này. Trong lịch sử nước ta chưa có nhà nước nào ý thức hết được tầm quan trọng và sức mạnh của sách vở, vậy thì người dân đâu có động lực gì để đọc. Theo tôi, chúng ta cần đặt ra câu hỏi là văn hóa đọc phải như thế nào để nâng cao nhận thức của toàn xã hội lên”. Làm việc trong một tổ chức giáo dục và thường xuyên nghiên cứu về lĩnh vực này, bà Phương đồng ý với ông Dũng rằng Việt Nam cần những dòng sách có khả năng thay đổi tư duy của cả xã hội và cũng rất cần những người nắm giữ vai trò quan trọng phải đọc nó. Chẳng hạn, Viện IRED tại TP. Hồ Chí Minh đã biên dịch, biên soạn một tủ sách chuyên ngành gọi là Tủ sách Phát triển Giáo dục gồm những tác phẩm kinh điển và những cuốn sách có giá trị về giáo dục. Ở các nước phát triển, hầu hết các hiệu trưởng và các thầy cô giáo đều đọc những cuốn sách chuyên ngành này, còn ở Việt Nam, theo như bà được biết thì còn rất ít những người trong ngành giáo dục đọc các tác phẩm trên.
Động lực nào để người Việt Nam tập thói quen đọc sách? Để thay đổi tư duy xã hội, văn hóa đọc của cộng đồng phải như thế nào?
Ông Thái Sơn, người đã có thời gian du học khá dài ở Úc chia sẻ: “Tất cả là do quá ít người Việt có thói quen đọc sách, khởi nguồn từ việc thiếu một định hướng để hình thành thói quen đọc sách ngay từ ghế nhà trường và trong gia đình. Ngay cả những sách best seller (bán chạy nhất) cũng chỉ ở mức năm, mười ngàn cuốn thì các dạng sách tinh hoa bán được chưa đến một ngàn cuốn cũng là hợp lý. Tại những nước người dân có thói quen đọc sách thường xuyên thì best seller mới bán được hàng triệu cuốn và sách tinh hoa mới bán được vài trăm ngàn. Do vậy, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra thói quen đọc sách cho từng cá nhân thông qua những tiện lợi khi mua sách. Ví dụ chúng tôi nghĩ ra nhiều hình thức để chính người đọc tự lan truyền, giới thiệu bạn bè về những quyển sách hay. Chẳng hạn, trên Tiki.vn có mục Tiki Khuyên Đọc để đăng những bài cảm nhận của người đọc. Bạn đọc có bài chọn đăng sẽ nhận được Tiki xu, một loại điểm khách hàng thân thiết có thể dùng để được giảm giá những quyển sách khác. Nhờ đó Tiki có thêm người mua sách nhờ những bài cảm nhận này. Nói chung, chỉ nhìn thấy thói quen đọc sách được hình thành từng chút một trong những khách hàng của mình là chúng tôi đã mừng lắm rồi!”. Quay sang ông Sơn, bà Phương tỏ vẻ đồng ý là bây giờ cứ thấy có người bắt đầu thói quen đọc sách là mừng rồi. “Nhưng phải làm sao để người đọc tìm đúng những cuốn sách có giá trị nữa thì mới tốt!” – bà nhấn mạnh. Theo bà, những năm gần đây đã có nhiều đơn vị tâm huyết làm sách có hàm lượng tri thức cao. Vấn đề là còn quá ít động thái cho công chúng biết rằng có những cuốn sách hay như thế, sẽ có tác dụng to lớn và lâu dài như thế. Một ví dụ là trước đây, nhiều tác phẩm thuộc tủ sách tinh hoa của NXB Tri Thức như Dân chủ và giáo dục, Khuyến học… bán khá chậm nhưng ngay sau các cuốn sách này giành giải thưởng Sách Hay và được các phương tiện truyền thông đưa tin thì đã bán rất tốt và có những cuốn còn bị cháy hàng. “Chúng ta cần nhiều hơn nữa các động thái hỗ trợ cho văn hóa đọc như thế này!”. Kết luận của bà được ông Thái Sơn đồng tình ngay: “Tác dụng của truyền thông rất lớn, quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm bán được gần nửa triệu cuốn là một ví dụ. Thế nhưng ở nhiều báo, mục văn hóa đọc cứ thu nhỏ lại, nhường chỗ cho văn nghệ hay những mảng thời thượng hơn, cũng đáng tiếc!”.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn:Nhu cầu đọc sách của người Việt còn thấp, khởi nguồn từ việc thiếu một định hướng để hình thành thói quen đọc sách
Nhu cầu đọc sách của người Việt còn thấp, khởi nguồn từ việc thiếu một định hướng để hình thành thói quen đọc sách
Từng tham gia tổ chức nhiều hội thảo về sách và các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc, bà Uyên Phương nêu lên mong muốn lớn nhất của mình đối với Nhà nước trước những hoạt động này, đó là sự đồng ý và cổ vũ: “Chẳng hạn gần đây, Dự án Sách Hay đã cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ chọn một ngày làm Ngày đọc sách của Việt Nam. Đa số người dân Việt Nam vốn có tâm lý ưa thích các ngày đặc biệt. Muốn dựa trên tâm lý này để tổ chức ra một ngày trong năm dành cho những hoạt động về sách, cách đây cả năm chúng tôi đã thu thập được hơn một triệu chữ ký gửi lên Bộ và hiện vẫn chờ đợi sự đồng ý của Chính phủ”. Theo bà Phương, một vấn đề khác là sự liên kết giữa các ngành xung quanh văn hóa đọc ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Tại nước ngoài, ngành văn hóa đọc được liên kết chặt chẽ và được hỗ trợ bởi nhiều ngành khác như điện ảnh, công nghệ. Một cuốn sách được xuất bản đồng thời cũng sẽ được đưa vào máy tính bảng để người ta có thể đọc ở bất cứ đâu. Rất nhiều phim, kịch cũng dựa trên các tác phẩm văn học và giúp sách được bán chạy hơn. Tại Việt Nam có thể nói những người làm sách khá đơn độc.
Tập thói quen đọc sách cho thiếu nhi, dễ hay khó? Làm sao để việc học của các em gắn liền với việc đọc?
Chăm chú lắng nghe khá lâu, ông Phạm Thế Cường mới trình bày điều mà ông cho là cốt lõi. Theo ông, muốn văn hóa đọc của cộng đồng phát triển được thì ngay từ bây giờ phải bắt đầu tạo thói quen đọc sách ở thế hệ thiếu nhi. Để thu hút các em, sách không chỉ cần nội dung tốt mà còn phải có hình thức đẹp, hấp dẫn. Người lớn cần làm công tác thẩm định để cung cấp cho các em tác phẩm có ích ngay từ đầu. Dần dần, cùng với sự hình thành thói quen đọc sách, các em sẽ tự biết lựa chọn giữa sách tốt và sách xấu. “Nhìn chung, trẻ em dễ tiếp nhận thói quen đọc nếu có sự hướng dẫn đúng cách của người lớn”, ông Cường nhận xét rồi đưa ra dẫn chứng: “Trong số các em hay đến thư viện của tôi, có một em rất hay cuộn hoặc gấp nhỏ sách lại đem theo người. Ban đầu tôi hơi khó chịu vì nghĩ em chưa biết trân trọng sách. Tuy nhiên, đi đâu em cũng cầm theo một cuốn sách để thỉnh thoảng mở ra đọc. Khi được hỏi tại sao lại làm thế thì em hồn nhiên trả lời: “Sách là đồ chơi cháu thích nhất nên đi đâu cũng muốn cầm theo!”. Nghe vậy tôi mới à lên, thì ra em coi sách thân thiết, gần gũi như đồ chơi nên mới làm như thế! Lại có em luôn tỏ ra rất cẩn thận khi cầm hoặc đọc sách. Hỏi thì em trả lời rành rọt: “Cô giáo cháu dạy sách là tinh hoa nhân loại nên chúng ta phải nâng niu sách”. Một ví dụ khác, cuốn sách Đường về nô lệ của NXB Tri Thức cũng là dạng sách kinh điển khó đọc. Tuy nhiên sau khi nghe tôi kể nội dung quyển sách, các cháu rất thích và đòi đọc bằng được, nhiều cháu học cấp hai, cấp ba chỗ tôi đã chuyền tay nhau đọc hết cuốn này!”.
Ông Phạm Thế Cường:Thói quen đọc phải bắt đầu từ thiếu nhi
Thói quen đọc phải bắt đầu từ thiếu nhi
Tán thành với ý kiến của ông Cường, bà Phương góp thêm ý kiến rằng điều quan trọng là phải tạo thói quen đọc cho trẻ từ trong nhà trường. Đã có dịp nghiên cứu giáo dục trẻ em ở các nước phát triển, bà Phương cho biết tại phương Tây, việc học phải gắn liền với đọc. Trẻ em lớp 3 là đã được đọc một số đoạn trong các tác phẩm của Shakespeare. Để trẻ em hứng thú và tiếp thu tốt, tiết học được biến thành trò chơi, diễn kịch rất thú vị. Trong việc giáo dục giới tính, sách cũng rất hữu ích. Chẳng hạn với các em lứa tuổi 12, một buổi sáng cô giáo có thể dắt nữ sinh ra công viên vừa đi dạo, vừa giảng giải và hướng dẫn các em đọc cuốn How am I without him (tạm dịch: Tôi sẽ là ai nếu không có anh ấy). Cuốn sách gồm nhiều mẩu chuyện rất đúng với lứa tuổi đang có nhiều thay đổi tâm sinh lý và đưa ra những câu trả lời cho thắc mắc của các em. Ngừng một chút, bà Phương vui vẻ kể thêm: “Tại Việt Nam mới đây cũng có một vài sáng tạo đáng khích lệ. Ví dụ như thấy giới trẻ bây giờ không thích đọc Truyện Kiều, đã có nhà xuất bản làm ra quyển sách Bói Kiều như một cách bắc cầu để đưa các em đến gần với Truyện Kiều hơn”.
Khép lại buổi tọa đàm, ông Cường chia sẻ về một trở ngại khá phổ biến trong phát triển văn hóa đọc: “Tại thư viện của tôi, trước đây rất nhiều em đến đọc sách chỉ ngồi được một lát rồi về dù đang đọc say mê. Nhiều lần thấy vậy tôi liền hỏi các em và nhận được câu trả lời là bố mẹ các em không cho đọc sách lâu. Tôi đành phải mời bố mẹ các em này đến nhà chơi và hỏi lý do. Câu trả lời của họ là: “Chúng tôi thấy việc đọc sách chỉ phí thời gian! Thỉnh thoảng kiểm tra cặp các cháu lại thấy năm ba cuốn truyện tranh. Chúng tôi chỉ sợ các cháu mê đọc truyện mà sao nhãng việc học!”. Nghe vậy, sau đó tôi phải giới thiệu những cuốn sách trong thư viện mình cho họ xem, đều là sách văn học, sách dạy làm người, sách kiến thức bổ ích dành cho thiếu nhi. Từ đó các phụ huynh này mới vui vẻ cho con họ ngồi lâu ở thư viện. Nói vậy để thấy rằng, một bộ phận lớn người Việt Nam vẫn coi việc đọc sách là vô bổ và không hướng dẫn con đọc sách bao giờ. Như thế thì làm sao mà tạo thói quen đọc cho con em được!”.
Như một câu nói mà bà Nguyễn Thúy Uyên Phương đã trích dẫn trong buổi tọa đàm: “Đọc là để thoát khỏi sự mù mờ trước biển kiến thức của nhân loại”. Nhân loại tiến lên hàng ngày, ai không đọc sẽ bị bỏ lại phía sau. Thế nhưng những sôi nổi của thị trường sách mấy năm gần đây vẫn chưa làm đa số người Việt ý thức được sức mạnh từ sách. Vậy thì văn hóa đọc ngày càng đa dạng, phong phú, song có góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội lên hay không? Đó vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương:Phát triển văn hóa đọc cần đến sự liên kết giữa các ngành liên quan
Phát triển văn hóa đọc cần đến sự liên kết giữa các ngành liên quan