Trước tiên, đó là việc thế hệ dẫn đầu gồm Rafael Nadal, David Ferrer, Fernando Verdasco và Feliciano Lopez đồng loạt chia tay Davis Cup để tập trung cho sự nghiệp cá nhân trong thời gian còn lại của sự nghiệp vì bất đồng với Liên đoàn quần vợt quốc tế về lịch thi đấu giải đồng đội này (các tay vợt muốn giải đấu hai năm một lần). Kế đó là cuộc khủng hoảng đội ngũ trẻ kế thừa, sau khi Nicolas Almagro được trao trọng trách làm tuyến đầu của tuyển Davis Cup. Các tay vợt trẻ Tây Ban Nha thường trưởng thành từ các câu lạc bộ gia đình để vươn lên hạng chuyên nghiệp. Hiện nay, Pablo Carreno đã 20 tuổi và xếp hạng 136 thế giới. Xếp hạng trên anh chẳng có tay vợt Tây Ban Nha nào dưới 23 tuổi. Javier Marti, 19 tuổi, thì xếp hạng 185 và vẫn đang loay hoay tìm cách vượt ngưỡng.
Almagro, thủ lĩnh mới của Tây Ban Nha ở Davis Cup cũng đã 26 tuổi
Liên đoàn quần vợt Tây Ban Nha đã biết vấn đề này từ năm 2009 khi Jordi Arrese, huy chương bạc Olympic Barcelona 1992 kéo hồi chuông báo động. “Sau giai đoạn chúng ta đang sống hiện nay là thời kỳ khô hạn (tài năng trẻ). Cần phải lập phương án chiến lược ngay”, Arrese nói.
Ở Tây Ban Nha, rất nhiều cựu tay vợt đua nhau thành lập các học viện tư nhân hoặc vườn ươm tài năng vì họ không có vị trí trong liên đoàn. Đây chính là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Nhiều người phải đi tìm việc ở nước ngoài, như Felix Mantilla phải sang Úc, Galo Blanco và Fernando Vicente đến Canada, hoặc Alex Corretja lưu lạc một thời gian với Andy Murray trước khi trở về nắm đội tuyển Davis Cup thay thế Albert Costa, chưa kể Jose Higuiras nổi tiếng hành nghề trong thời gian dài ở Mỹ.
“Tôi ao ước được nhìn thấy các cựu tay vợt điều hành quần vợt quốc gia bằng cách dựa vào kinh nghiệm của các huấn luyện viên tên tuổi mà chúng tôi hiện có ở Tây Ban Nha”, cựu số 1 thế giới Carlos Moya nói. “Liên đoàn đang làm việc theo hướng này, nhưng điều đó không dễ dàng”.
Minh Trường