Trên thế giới, có không biết bao nhiêu tác phẩm văn thơ kể về hoa, cũng có nhiều pho tượng, phù điêu mà hoa cỏ hiển hiện trong đó. Thế nhưng, lại có khá ít nhà cửa, nhất là những công trình to lớn mang dáng vẻ của hoa bởi vì kiến trúc nói chung thường khá khô cứng, góc cạnh, khó diễn tả nổi sự mềm mại, uốn lượn, thậm chí sự bung nở của những cánh hoa, nhị hoa, đồng thời là sự sắp xếp tự nhiên đa chiều, cái cụp cái xòe.
Chính vì thế, các kiến trúc sư luôn phải suy nghĩ làm sao để tạo lập được một công trình xây dựng mà gần như bất chấp mọi quy luật để vươn lên như một bông hoa nở trên mặt nước, đung đưa trong gió hay lủng lẳng từ trên cành…
Tuy khó, nhưng cũng có người và một số nơi đã làm được, và vì sự độc đáo, lạ mắt cho đến nay mỗi ngôi nhà hình hoa đều là địa điểm nổi tiếng và mang tới sự tươi trẻ, mát lành như một làn gió xuân cho các thành phố.
Một trong các công trình ấy là Tòa nhà Burj Khalifa hình hoa lily spider trên sa mạc tại thành phố Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Lấy cảm hứng từ loài hoa Hymenocalis, còn gọi huệ nhện hay trinh nữ vùng duyên hải, một thứ hoa có thân cỏ sống lâu năm, chịu được cả nắng, mưa, gió biển, thấy rất nhiều tại Dubai – UAE, kiến trúc sư người Mỹ Adrian Smith của công ty Skidmore, Owing& Merrill vào năm 2010 đã thiết kế tòa nhà này, không những là một bông hoa có 6 cánh, 3 thùy nở xòe trên một cuống dài, mà còn cao tới 829,8m và là tòa nhà chọc trời cao nhất trái đất.
Nhìn từ trên không xuống, bạn mới thấy hết vẻ đẹp duyên dáng và kỳ vĩ của bông hoa thép kính, do các lớp cánh xếp lượn vòng vèo tinh tế theo hình xoắn ốc, và với 26 tầng như vậy nên tạo ảo ảnh như hoa chồng hoa vậy, và lúc nào nó cũng sáng bóng, tuy không có màu trắng muốt của bông hoa thực, song màu xanh và xám từ 24.348 ô cửa kính, diện tích 120.000m2 cũng rất ấn tượng. Và khi nhìn từ dưới lên thì lại trông giống một kim tự tháp với mũi nhọn vươn lên trời xanh. Nhờ sự lồng lộng, bóng bẩy, thỉnh thoảng còn được thắp đèn màu và bắn pháo bông nên từ đâu ở Dubai, người ta cũng thấy Burj Khalifa.
Cũng với tình yêu hoa cỏ, vào năm 2011, kiến trúc sư người Canada Moshe Safdie đã cống hiến cho khu nghỉ Marina Bay Sands của thành phố Singapore một bảo tàng có hình hoa sen, một bông sen trắng nở bung 10 cánh, diện tích tới 6.000m2, vươn lên từ một đầm sen rộng bát ngát. Bảo tàng này có tên là ArtScience, trưng bày cả những hiện vật mỹ thuật lẫn khoa học và hàng ngày đón khách đông nghịt đến với 21 không gian triển lãm trên những cánh trắng.
Vươn lên từ nước, từ một bờ biển xanh ngắt, nó cũng lấy nước từ những giọt mưa, khi hứng nước mưa chảy xuống và thu lại ở phần mái (đài sen), đi xuống dưới toa lét để phục vụ vệ sinh. Cùng với tòa nhà hình thuyền, tòa nhà bông sen ArtScience cũng là biểu tượng của thành phố hiện đại, yêu sinh thái và sạch nhất châu Á này.
Sảnh Dịch vụ công cộng Public Service Hall ở Tbilisi, Georgia lại có hình của một cây hoa hay một bụi chua me đất trắng. Tác giả của nó là hai kiến trúc sư người Ý Massimiliano và Dorian Fuksas, người trong hai năm từ 2010 tới 2020 đã khẩn trương nhào nặn nhằm tạo nên một công trình gọi là hoa cũng được, mà nấm cũng OK.
Bởi vì nó cơ bản là 11 mái vòm được xếp theo hình một bông hoa và đặt trên bảy hình khối, với mỗi khối chứa bốn tầng nhà và cao hơn 35m trên mặt sông Kura. Tổng cộng, công trình có diện tích 28.000m2 và có một màu trắng tinh bạch ở mái lẫn một màu xanh biêng biếc ở tường, những bức tường bằng thép sơn và có chấn song như một rừng cây.
Mặc dù mang tên Tháp Lửa với ba ngọn lửa, song Flame Towers ở Baku, Azerbaijan có vẻ như một bông hoa ba cánh hơn và chui từ lòng đất lên, gợi nhớ tới một loài hoa địa lan trong rừng nhiệt đới.
Cao 182m, 33 tầng với 130 căn hộ, ra đời năm 2012 và nhờ công ty xây dựng Hill International của Mỹ, sở dĩ nó có tên trên vì nằm trong một khu vực có nhiều khí gas phun lên từ lòng đất, và từ xưa dân gian đã có tục thờ phụng lửa, coi lửa là sức sống thần thánh. Tuy nhiên, nhìn sự cách xa và cong cong của từng tòa nhà thì chúng hẳn là những cánh hoa của một bông hoa vừa mới rơi rụng, và là những cánh hoa rất thon thả như ngọc lan.
Khi xuất hiện vào năm 2018, Sân vận động công viên thể thao Hàng Châu Olympic Sports Centre Trung Quốc không chỉ là một sân bóng, thể thao tổng hợp mà còn là một sàn đấu có thiết kế gợi cảm nhất khu vực, mang hình một đóa hoa mẫu đơn hoặc một bông hoa hướng dương khổng lồ. Nhìn từ dưới lên, nó cứ như một bông hoa úp cánh, rũ xuống che đỡ một khán đài sức chứa 80 nghìn người, song khi nhìn từ trên xuống lại như một bông hoa nở rộ, mới lộ ra từng lớp cánh lớn nhỏ và phần đài to sụ đỏ thắm là sân cỏ.
- Xem thêm: Độc đáo nhà bong bóng
Với diện tích 400.000m2, công trình được NBBJ và CCDI (Mỹ) xây dựng để tổ chức các trận túc cầu ở địa phương và chuẩn bị cho Á vận hội năm 2022. Họ cũng lấy cảm hứng sáng tác từ những loài hoa đẹp nhất, kiêu hãnh nhất tự nhiên và dùng thép tạo nên một đại đóa 28 cánh lớn, 28 cánh nhỏ, xếp thành hai lớp e ấp, với nhiều khoảng trống giữa hai cánh là các ô cửa để ngắm nhìn dòng sông diễm lệ bên ngoài.
Từ năm 1986, tại Delhi, Ấn Độ cũng đã có một đại tự cho mọi người thuộc mọi tôn giáo và trở thành một hiện tượng kỳ diệu trên toàn cầu vì kiến trúc độc đáo. Đó là đền Lotus Temple với hình dạng của một bông hoa sen trắng, 27 cánh xếp thành ba lớp, tạo thành chín mặt với chín cổng bước vào một điện thờ trung tâm cao hơn 40m, và bên dưới nó là các tầng bậc, tương ứng với các hồ nước, phản chiếu công trình lung linh và cho thêm độ cao hơn 30m nữa.
Tất cả đều bằng đá tảng, trong đó những cánh hoa đều từ đá trắng hoa cương, nhập từ quả núi Penteli của Hy Lạp; đây chính là loại đá được dùng xây dựng ngôi đền Parthenon – một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Chưa hết, với nhiều vườn tược, bãi cỏ xanh tươi, đại tự này còn có diện tích lên tới 105.000m2, và do được đánh bóng nhẵn mịn, tùy từng thời điểm, “bông sen” sẽ có màu sắc khác nhau từ trắng, xanh, đỏ, hồng, vàng… Tạo ra Lotus Temple là kiến trúc sư người Iran Fariborz Sahba, và ngay khi nó xuất hiện đã thu hút 70 triệu lượt khách ghé thăm.
Với phong cách Brutalist, kiến trúc người Mỹ Bertrand Goldberg vào năm 1975 cũng mang đến cho Chicago, Mỹ một loạt các ngôi nhà hình hoa, mà tiêu biểu là Bệnh viện phụ sản Prentice Women Hospital. Ông đã thiết kế một tòa tháp 4 thùy, cao 9 tầng, trổ nhiều ô cửa trái xoan, tất cả cùng gối đầu trên một bục cao chữ nhật năm tầng, và từ trên xuống dưới, mọi thứ đều rất cân đối, thanh thoát bởi khoảng trống phía dưới cho cảm giác tòa nhà như bay hay lơ lửng y hệt một bông hoa cắm trên miếng mút.
Trung tâm tân năng lượng Vũ Hán ở thành phố cùng tên của Trung Quốc cũng là một kiến trúc đặc biệt vì gồm có 2 tòa nhà hình hoa: một bông to đã nở và một bông nhỏ hàm tiếu. Bông hoa lớn cao tới 140m và được mô phỏng một bông huệ, với một tháp cao trung tâm hướng tới một cấu trúc hình bát với trên cùng là một tuốc bin gió – nhụy, và xung quanh là 5 tháp thấp đóng vai trò nhành lá.
Do mái trũng, nước mưa cũng dồn về đây, đổ xuống và được quay vòng để tái sử dụng, như làm mát nhà, cộng với trên mỗi tầng thượng đều trồng cây cỏ, khiến nơi này lúc nào cũng xanh tươi tiết kiệm năng lượng. Ý tưởng trên là của công ty Grontmiji có trụ sở đóng tại Hà Lan, và vào năm 2010 họ đã thực hiện một tòa nhà xanh bền vững, một trung tâm nghiên cứu cho Đại học Vũ Hán.
Cũng với mong muốn tạo ra một tòa nhà xanh nằm trong lòng đất, không sản sinh khí các bon níc, vào năm 2012 công ty MAKE, một nhóm kiến trúc sư ở Bolton, Anh đã dựng lên ở trên đồi Pennine một ngôi nhà, gọi là Bolton Eco House, tuy chỉ có một tầng song rộng tới 743m2, hình một bông hoa sáu cánh.
Bên trong lắp đặt khá nhiều thiết bị tối tân như bơm nhiệt ngầm, pin thái dương năng, tuốc bin gió… nhờ thế có thể ở lỳ hàng tháng không ra ngoài vẫn an tâm. Vì khoét sâu vào lòng đất, chỉ khi nhìn từ trên cao xuống, mới thấy được ngôi nhà này giữa muôn vàn cây cỏ, đồng bãi tĩnh mịch.
Trong các công trình giải trí nhẹ nhàng, dễ tạo hình hoa, tiêu biểu nhất phải kể tới Tòa nhà bông sen Lotus Building trên một hồ nhân tạo ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Công trình đã xuất hiện từ năm 2013, nhờ công ty xây dựng Studio 505 của Australia.
Tòa nhà gồm có ba phần, đồng nghĩa với ba bông sen, một ở dạng nụ, một ở dạng hoa và một đã mãn khai, kết quả với một đài sen đầy hạt, cho thấy ba quá trình phát triển của cây, cũng như những giai đoạn trong nhận thức chân lý của người và được thành phố cho dùng làm một công viên, một khu trưng bày triển lãm và một phòng tổ chức họp báo. Ngoài phần bông sen nổi dềnh trên sóng, nó còn có hai tầng ngầm cùng một lối đi xuyên qua một không gian huyền ảo đầy những mái vòm, giẻ quạt như trong nhà thờ.
Việt Nam cũng có nhiều ngôi nhà mang hình hoa cỏ, và một công trình như thế từ lâu đã trở thành biểu tượng của du lịch biển Nha Trang là Tháp Trầm Hương, còn gọi Liên Tháp trên đường Trần Phú, Nha Trang. Ra đời từ năm 2008, nhìn từ xa, nó cứ như một bông sen màu cam rực rỡ vươn lên khỏi những bờ cát trắng, đảo nổi xanh tươi cùng những phố cổ có những ngôi nhà cổ kiến trúc Pháp. Du khách thường tụ tập tại đây trên 3 tầng nhà để ngắm cảnh biển, với cảm tưởng đứng trên một đài sen thật là thiền định, bình yên.
Do yêu sự sống, thích mùa xuân – mùa của sự sinh sôi nảy nở, kiến trúc sư người Tây Ban Nha Antoni Gaudi luôn đưa vào tác phẩm của mình rất nhiều hoa lá, chim muông, con thú và trong tác phẩm cuối cùng của ông là Nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona, Tây Ban Nha, ông dường như gửi hết những gì tươi đẹp nhất của thiên nhiên vào từng ô cửa, rầm trụ, mái nhà và đặc biệt là các vòm trần thánh đường.
- Xem thêm: Những ngôi nhà không dám nhìn xuống
Tại đó, thấy muôn loại hoa cỏ với muôn màu sặc sỡ như thể được tung bay từ trên thiên đàng rơi xuống trái đất. Antoni Gaudi bắt đầu đảm trách xây dựng nhà thờ từ năm 1883, thế nhưng vì sự đồ sộ của nó, đến khi ông mất vào năm 1926 công trình mới được một phần tư. Đến nay, người ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thánh đường mà vẫn giữ nguyên phong cách của ông bằng cách cho thêm nhiều cảnh hoa lá, cây cối lấy từ các họa phẩm nổi tiếng, và dự định sẽ khánh thành công trình vào năm 2026, đúng 100 năm ngày mất của kiến trúc sư. Vì vẻ đẹp tuyệt vời của Nhà thờ Sagrada Familia vào năm 2010, giáo hoàng Benedict XVI đã phong tặng nó là một vương cung thánh đường.