Lấy ý tưởng từ những quả bong bóng, lúc phồng lúc dẹt, nhẹ bẫng và trong suốt, từ lâu trên thế giới đã xuất hiện những tòa nhà hình bọt nước. Có cái là dinh thự, trạm nghiên cứu; có cái lại là sân chơi, tượng đài song đều hấp dẫn và là ví dụ của kiến trúc tương lai.
Một trong những công trình như vậy là Cung điện Bong bóng (Palais Bulles) ở Theoule-sur-Mer (Pháp). Cung điện Bong bóng do kiến trúc sư Antti Lovag, người Hungary thiết kế năm 1989 cho nhà công nghiệp Pháp Pierre Bernard, và nay thuộc về nhà tạo mẫu Pierre Cardin.
Về hình dạng, nó là một đám bọt dập dềnh trên vịnh Cannes, và về ý nghĩa là một hang động kỳ thú của người tiền sử trên núi Massif de L’Esterel.
Với diện tích 1.200m2, gồm 6 tầng, 28 phòng và đều có dạng cầu, bán cầu từ trong ra ngoài như là những quả bóng. Xung quanh còn có nhiều vườn cây, hồ thác cùng một sân khấu ngoài trời hình dáng tương tự.
Do dài loằng ngoằng, lại phết màu đất, vắt ngang sườn núi trông ra biển, nhìn từ trên cao nơi này giống hệt một ngôi làng cổ đại thuở hồng hoang.
Kỳ thực, mọi thứ rất hiện đại, thay vì làm bằng đá nặng trịch thì từng hang hốc đều bằng bê tông loại nhẹ kết hợp với nhựa và xốp.
Chúng cũng được chồng chất rất khoa học để vừa tạo ra vẻ tự nhiên bay bổng, vừa đáp ứng nhu cầu ngắm cảnh Địa Trung Hải và núi rừng tứ phía. Antti Lovag vốn có quan niệm xây dựng thẳng tuột sẽ tạo ra sự thô bạo đối với cảnh quan, nên ông đã làm cho từng chi tiết của nhà cửa thật mềm mại, có nhiều đường cong uốn lượn.
Bên ngoài tròn, bên trong cũng bố trí các không gian tròn, đồ vật tròn. Đồng thời, để tăng thêm cảm giác sóng nước, quanh nhà còn thấy rất nhiều bể bơi và đổ qua các tầng cao là một thác nước róc rách.
- Xem thêm: Đa dạng nhà gỗ cổ truyền Indonesia
Dự án Địa Đàng (Eden Project) tại Cornwall (Anh) cũng là một công trình ấn tượng thu hút du lịch. Ra đời năm 2001, kiến trúc sư là Nicholas Grimshaw người Anh; đây thực ra là hai nhà “kính” dành để trồng cây thuộc nhiều vùng đất và khí hậu khác nhau, đại thể là vùng Địa Trung Hải với các cây ô liu, nho, vả và miền nhiệt đới với tre, chuối, cà phê.
Tuy nhiên, chúng không phải làm từ kính (thủy tinh) mà bằng một loại nhựa dẻo (ni lông), có tên rút gọn là EFTE, mang khá nhiều đặc điểm ưu việt.Và tất cả các bộ mái đều được tạo hình như những quả bóng xà phòng căng tràn trên mặt đất.
Mỗi một quả bóng (mái vòm) chứa hàng trăm tấm nhựa lục giác, ngũ giác đường kính 11m, được nối liên tục và bơm căng để tạo thành những tấm gối dày 2m có tác dụng như một lớp nệm lưu nhiệt, kích thích sinh trưởng.
Sở dĩ người ta không làm nhà kính hình vuông thông thường, mà bằng nhựa cũng như hình cầu là để giảm thiểu khối lượng và tăng tiết diện của cây với nắng. Mỗi ô lục giác luôn có ba lớp, dù vậy chỉ nặng bằng 1% của kính, lại dai, chịu được sức nặng ô tô, và còn tự sạch và bền 25 năm.
Nhà Nổi (Floating Pavilion) dùng pin mặt trời trên bến cảng Rotterdam (Hà Lan) lại là một kiến trúc chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao hiệu quả nhất hiện nay.
Công trình cũng có dạng bong bóng, khánh thành năm 2013 nhờ công của hãng Dura Vermeer, cao 12m, rộng bằng 10 cái sân quần vợt.
Nhà gồm 3 bán cầu, có bề mặt phủ nhựa EFTE như đã nói nhẹ hơn kính tới 100 lần nên giúp công trình nổi bồng bềnh.
Ngoài những lớp vách và cửa sổ trong suốt, cho phép không cần thắp sáng, hoặc tiết kiệm điện năng tối đa, nó còn dùng phin mặt trời để đun nấu linh hoạt.
Trong nhà cũng có thiết bị lọc nước từ toa lét dùng khi cần thiết và xả nước sạch ra ngoài không gây hại với môi trường.
Từ thử nghiệm này, Hà Lan đã tiếp tục cho dựng nhiều ngôi nhà mới, giảm tới 50% lượng khí thải CO2, và dự tính đến năm 2040 sẽ có 1200 ngôi nhà nổi hạ thủy.
Lâu đài Bọt xà phòng hay đơn giản chỉ là Không gian cong ở bảo tàng ngoài trời Hakone (Nhật Bản) cũng là một sân chơi đặc biệt của trẻ.
Những ai có con nhỏ ở Hakone đều đã vài lần đưa con tới đây, đùa nghịch với các đường cong, hình cầu và mặt cắt kim cương của công trình.
Hoạt động từ năm 1978, lâu đài là một mê cung ba chiều của những hình cầu uốn lượn cầu kỳ như một đám bọt xà phòng bông xù.
Tại đó, trẻ em có thể leo trèo, trượt ống. Tuy trơn song bề mặt của nó lại bằng nhựa polycarbonate khá mềm nên vẫn an toàn với trẻ.
Các bậc phụ huynh có thể quan sát bên ngoài từng động tĩnh của con qua vách trong suốt và nhiều ô hở cách quãng. Có gì đó như một trò chơi ú tim mà cả hai người đều thấy nhau.
- Xem thêm: Những mái nhà đẹp nhất thế giới
Nhà máy nước ngọt- Evolo hay Nhà chọc trời bong bóng ở Almeria (Tây Ban Nha) cũng là một tòa nhà hiếm lạ vì không phải để ở, dù rằng cũng bằng bê tông cốt thép, mà nhằm trồng đước, sú vẹt lọc nước biển, cung cấp nước ngọt cho các nông trại.
Đứng trước tình hình khan hiếm nước do Almeria là vựa rau quả của châu Âu với rất nhiều nông trại và trời nắng gần 300 ngày/năm, hãng DCA vào năm 2010 đã xây lên một tòa tháp bong bóng cao 280m, với mỗi quả bóng là một vườn đước cùng nhiều nhà kính.
Hàng ngày, họ sẽ bơm nước từ Địa Trung Hải lên đây, và để cây hút nước mặn, nhả nước ngọt qua lá, sau đó nước ngọt sẽ bốc hơi vào các nhà kính, cô đọng thành sương và được thu gom.
Tổng cộng tháp có diện tích tới một hectare, và với một hectare đước này sẽ sản xuất ra gần 30.000 lít nước ngọt/ngày, tưới tắm cho một hectare cà chua khác.
Lầu Khát (Thirst Pavilion) cũng là một công trình của Tây Ban Nha để ở nhưng còn diễn tả cơn khát của người trước nước ngọt, như khi đang đi trên vùng khô cằn bỗng thấy trước mặt các hồ nước ảo giác.
Có cấu tạo như một quả bong bóng và lều igloo, ngôi nhà mở cửa năm 2008 trong khuôn viên của Expo 2008 ở Zaragoza để phục vụ triển lãm quốc tế Nước và sự phát triển bền vững và chuyển tải nhu cầu cần nước ngọt cùng những hệ lụy từ môi trường.
Người thiết kế công trình là Enric Ruiz-Geli với ý tưởng về một núi muối đang sôi sục những quả bong bóng là các hồ hay giọt nước lóng lánh, và có màu xanh lam của nước đối lập với màu bạc trắng của muối.
Nhìn từ xa, dưới tác động của gió, chúng cứ như sóng sánh, dâng tràn song thực tế khô cong! Họ cũng gắn vào đó những tấm gương cho phản chiếu ánh nắng và lắp bên dưới lều những bóng đèn led màu lam và trắng làm mọi thứ sống động.
Với đường kính 46m, cao 16m, gồm 82 gối tròn EFTE hai lớp, tựa hồ nước, đây là một ngôi nhà nằm giữa khoa học và viễn tưởng, cũng là một nhà xanh, tiện ích vì dễ vận chuyển, di dời, tái chế.
Mái Vòm bong bóng (Bubble Dome) là công trình táo bạo của một nhóm cử nhân mới ra trường tại đảo Rhode – New England của Mỹ.
Năm 2015, sau khi hoàn thành nhà bơm RGBubble ở đại học Brown, nhóm Pneuhaus đã trình làng thêm một nhà vòm làm từ hàng trăm quả bóng TPU cùng hàng nghìn tấm màng ni lông khâu tay, rồi bơm khí tạo nên một ngôi nhà chắc chắn, không cần trụ.
Bên trong có thể tá túc đông người, tránh mưa nắng, khói bụi. Tuy giản dị nhưng nó có tính ứng dụng cao, trước tiên là để trang trí và sau đó trú ẩn cũng như bảo vệ môi trường.
Nếu ở trên là các kiến trúc liên hợp thì Nhà Bong bóng- Serpentine Pavilion dưới đây tại công viên Kensington London (Anh) là một công trình đơn lẻ thú vị không kém, và còn có thể bơm căng và bóp xẹp như một quả bóng thật.
Ra đời năm 2006, do kiến trúc sư Rem Koolhaas và công ty công nghệ Arup xây dựng, phần đế của nó được làm bằng gạch và kính, nhưng phần vòm lại cất hoàn toàn từ nhựa trong suốt, và là một bóng khí hê li khổng lồ bay ngang trời.
Vào ngày đẹp trời, người ta sẽ để nó bay lơ lửng trên nóc nhà triển lãm- Gallery Serpentine song ngày mưa sẽ hạ xuống, tránh va đập.
Vừa là một quán cà phê, công trình vừa là một thính phòng, tổ chức các sự kiện văn hóa quan trọng của London. Ban ngày, nó sẽ như một khinh khí cầu trắng muốt, phản chiếu ánh nắng lung linh, và vào đêm biến đổi thành vô số màu sắc dưới ánh đèn nê ông.
Tọa lạc ở Malmo, Thụy Điển, Bong bóng bằng kính Neptuna là một nhà kính đem lại bầu không khí nhiệt đới nóng ẩm cho một thành phố quanh năm lạnh lẽo và nhiều gió.
Ra đời năm 2006, nó cũng là giải pháp giữa nhà ở và phong cảnh, cho người dân ngắm nhìn cảnh biển an toàn, thoải mái qua những lớp kính.
Để có nắng ấm chiếu vào bất cứ lúc nào, kiến trúc sư Monika Gora đã chọn loại kính trong nhất, có màu trắng tựa pha lê và lượng sắt cực thấp.
Nhờ thế, bốn mùa ở đây luôn rực rỡ hoa lá và trở thành một thiên đàng của địa phương. Điều kỳ lạ nữa là, không như nhiều quả bóng bầu bĩnh, nó chạy dài và thon thả như một quả bóng dẹt.
Xuất hiện năm 2007, Trung tâm nghệ thuật biểu diễn quốc gia Bắc Kinh Trung Quốc, hay Nhà hát lớn Bắc Kinh, lại là một quả bóng nước hình trứng bằng kính và titanium trắng xám.
Cao 46 mét, diện tích 12000 mét vuông, ở đây thường diễn ra các buổi ca hát, nhạc kịch trọng đại. Ngoài ra là nơi ngoạn cảnh của đông đảo du khách, do cấu tạo cân đối và soi bóng huyền ảo qua một hồ nước và sự chiếu đèn sặc sỡ.
Dự án Sân vận động Lamezia Terne – Calabria, Ý cũng là một nhà thi đấu hình bong bóng kết hợp vỏ sò lạ mắt vì được phủ nhựa có màu xà cừ óng ánh. Không nhô hẳn, mái nhà hơi dẹt song vẫn hấp dẫn và chứa hàng ngàn ô cửa tựa lớp vảy trên thân thủy sinh.
Được giới thiệu năm 2016, đây hứa hẹn là một trung tâm thể dục thể thao lôi cuốn nhất nước, với diện tích 8.000m2, chứa 4.000 người xem các môn thể thao khuyết tật cùng hội nghị.
Đã từng là xưởng chế tạo ô tô lớn nhất thế giới, gồm năm tầng, dài 500 mét, tòa nhà Lingotto Turin, Italy ra đời thập niên 30, cũng là một nơi diễn ra những cuộc đua xe nghẹt thở trên mái, nhằm kiểm tra máy móc trước khi xuất xưởng.
Và hiện nay trở thành một trung tâm đa mục đích, trong đó có việc tổ chức ngắm cảng và hội thảo trên cao.
Từ năm 2002, người ta đã xây trên mái, đối diện với sân bay lên thẳng một phòng họp bằng kính, gọi là Bong bóng và từ đó chưa bao giờ vắng khách.
Tượng Bong bóng dầu ở Karamay, Trung Quốc là một kiến trúc trang trí đường phố, gây được rất nhiều sự chú ý.
Công trình giống hệt một quả bóng nước đang bắn lên khỏi mặt đất giữa bao nhiêu là quả bóng khác lăn tăn. Được làm bằng thép không gỉ, nó mô phỏng một đợt tràn dầu lên khỏi giàn khoan số 1 ở khu tự trị Xinjiag Uygur.
Bề mặt trơn nhẵn, loang loáng, hơi nảy kết hợp với những bọt khí sủi nhẹ chính là tính chất cũng như kết cấu của các loại dầu mỏ.
Không tròn xoe, Khối lập phương Nước (Hộp nước) là một công trình khác ở Bắc Kinh, Trung Quốc giả lập những bọt nước, và được áp dụng cho Trung tâm thể thao dưới nước, phục vụ Olympic mùa hè 2008.
Bên ngoài của nó là một hình hộp, có rất nhiều họa tiết bong bóng, song gãy góc giống bọt xốp hơn, và bên trong là mạng lưới của các bể bơi, ống trượt đa dạng.
Ban ngày, nó đã có màu xanh nhạt, nhưng đến đêm còn được chiếu đèn xanh ngắt như dưới biển.