Sau năm năm nghiên cứu bí quyết thành công của 177 triệu phú, những người tự xây dựng “đế chế” tài chính cá nhân bền vững cho mình từ hai bàn tay trắng, Thomas C. Corley, tác giả quyển sách Thay đổi thói quen, thay đổi cuộc sống đã nhận ra rằng, dù bạn có phải khởi đầu con đường kiếm tìm sự tự do tài chính với hai bàn tay trắng, thậm chí là khởi đầu con đường đó khi đang trong tình cảnh túng quẫn nợ nần đi chăng nữa, thì chiếc chìa khóa quyết định thành công sau này của bạn chỉ nằm ở bốn điểm sau:
1. Niềm đam mê
Tất cả triệu phú trong nghiên cứu của Thomas C. Corley đều có một điểm chung, đó là họ luôn có một niềm đam mê cháy bỏng, và họ biết cách kiếm được rất nhiều tiền từ chính niềm đam mê đó.
Niềm đam mê từ công việc đã giúp những Elon Musk (người sáng lập hãng xe điện Tesla), Mark Cuban (Chủ tịch Dallas Mavericks), Jeff Bezos (đồng sáng lập và kiêm CEO của Amazon)… có thể làm việc 12-16 giờ/ngày, liên tục trong nhiều tuần và nhiều năm trời từ khi họ vừa lập nghiệp, thậm chí đến khi đã đạt được những thành công nhất định như ngày nay, họ vẫn giữ được thói quen làm việc nhiều hơn 50 giờ/tuần.
2. Tập trung vào mục tiêu
Toàn bộ những triệu phú trong khảo sát của Thomas C. Corley nói rằng họ luôn đặt mục tiêu cho mình thật rõ ràng và luôn tìm cách chia nhỏ chúng thành những mục tiêu cụ thể theo tháng, theo quý, theo năm, thậm chí, 67% trong số này còn soạn thảo mục tiêu bằng văn bản.
“Họ tự viết kịch bản cho một ngày, một tháng và một năm làm việc của mình, họ hạn chế xem tivi, hạn chế thời gian cho internet, hiếm khi trì hoãn và thường hoàn thành mục tiêu đúng hạn” – Thomas C. Corley nhận định.
Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ một nguyên tắc, đó là mục tiêu tài chính đặt ra cần rõ ràng, chi tiết và có thể thực hiện được. Nếu đặt ra một mục tiêu tài chính vượt quá khả năng của mình và không có một lộ trình cụ thể để hoàn thành thì mục tiêu đó có thể sẽ thiêu rụi cả ý chí lẫn quyết tâm của bạn. Tệ hơn, bạn còn có thể lừa dối chính mình.
Có một chàng trai đã tự đặt ra mục tiêu cho mình là sẽ mua được xe hơi trong vòng một năm và công khai mục tiêu đó cho mọi người. Anh ta bắt đầu rơi vào tình huống khó xử khi đã gần hết một năm mà số tiền kiếm được mới chỉ đủ mua bốn cái bánh xe. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh ta tìm ra một cách như sau: mang tiền đến một showroom ôtô, chọn một chiếc xe, đặt cọc một số tiền rồi chụp cả “tá” hình với chiếc xe đó để đăng tải lên mạng xã hội. Vài ngày sau, anh ta báo lại với người bán hàng rằng mình bị “găm” vốn, không có khả năng mua chiếc xe đó nữa, “tặng” người bán hàng một số tiền để tìm cách nhận lại khoản tiền cọc trước đó. Vậy mục tiêu tài chính của anh ta có hoàn thành?
3. Sự kiên trì
“Không quan trọng bạn thất bại bao nhiêu lần”, đó là điểm chung thứ hai của những triệu phú làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Có đến 73% số triệu phú trong khảo sát của Thomas thất bại nhiều hơn một lần. Có vô số con đường khác nhau dẫn họ đến thất bại, nhưng sau đó họ đều đi cùng một con đường dẫn đến thành công, con đường đó được miêu tả gồm các giai đoạn là học được cách chấp nhận thất bại để đứng dậy, học hỏi được những kinh nghiệm quý báu, kiên trì thực hiện lại mọi việc đến cùng để rồi kết quả là tự tạo ra may mắn cho chính mình.
4. Khát khao học tập
Luôn học tập để trau dồi bản thân, bởi kiến thức chứ không phải tiền bạc, mới chính là thứ quý giá nhất tạo nên một nền tảng tài chính vững chắc.
Trong quyển Người giàu nhất thành Babylon, George S. Clason đã kể một câu chuyện về Akard (người giàu nhất thành Babylon) và con trai ông, Nomasir như sau: Khi Nomasir đến tuổi trưởng thành, Akard cho anh một túi vàng và một tảng đá khắc năm lời khuyên về tiền bạc để anh ra đi tự tìm kiếm con đường làm giàu cho mình. Bằng tư duy thông minh và khát khao làm giàu, khi vừa bắt đầu hành trình, Nomasir đã dùng tiền của cha để đầu tư nhằm sinh lợi. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức, Nomasir sớm bị rơi vào những vụ đầu tư thua lỗ và mất sạch số vàng trên, thậm chí anh còn lâm vào cảnh túng quẫn đến nỗi phải bán hết quần áo, ngựa, vật dụng thường ngày của mình. Lúc này thứ duy nhất anh còn chỉ là những lời khuyên về tiền bạc của Akard. Nomasir sau đó tìm được một công việc liên quan đến xây dựng, anh làm việc, tiếp tục tích cóp và tiếp tục học cách đầu tư số tiền mình dành dụm được. Mười năm sau, anh trở về, gặp Akard khi đã thành đạt và gửi lại người cha số vàng gấp đôi số vàng anh từng mang đi.
Giống như Nomasir, trước và sau khi gặt hái được thành công, có tới 142 triệu phú (hơn 80% triệu phú được Thomas nghiên cứu) bỏ ra ít nhất 30 phút mỗi ngày cho việc học để tự trau dồi kiến thức của mình.