Bãi bồi Sa Vĩ nằm ở phía đông bắc bán đảo Trà Cổ là một vị trí lý tưởng để ngắm nhìn cột mốc 1.378 phân định biên giới Việt – Trung ngay tại cửa sông Bắc Luân. Bức tranh vùng biên ải vào buổi sáng mùa hè thật thoáng đãng và tĩnh lặng, thoáng mùi tanh của tôm cá từ những chiếc thuyền nằm rải rác trên bờ sông. Phía xa xa thấp thoáng vài người phụ nữ đang cần mẫn đào cát bắt sá sùng. Khách phương xa muốn tìm hiểu về giá trị lịch sử có thể đến viếng đình Trà Cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ được xây dựng cách đây hơn 600 năm, như là một minh chứng rằng vùng đất này từ xa xưa đã có người dân Việt bám biển, bám đất trấn giữ.
Ghềnh đá ở Cô Tô
Ngày hôm sau, chúng tôi quay lại Vân Đồn đón tàu cao tốc ra huyện đảo Cô Tô. Rời bến cảng Cái Rồng chưa được mươi phút thì tàu vào vùng vịnh Bái Tử Long. Đây thật sự là một kỳ quan hùng vĩ được tạo nên bằng 600 hòn đảo đá lớn nhỏ với đủ mọi hình thù giăng kín mặt biển, trong đó có nhiều đảo lớn như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… còn giữ được nét hoang sơ. Hơn thế nữa, trải qua nhiều triệu năm phong hóa, lớp đá bề mặt của những núi đá dần trở thành đất màu, để rồi thiên nhiên đã gieo mầm trên đó cả nghìn hécta cây rừng nhiệt đới. Đây cũng là khu vực thương cảng biển đối ngoại đầu tiên của nước ta cách nay gần chín thế kỷ và là miền nối dài của Hạ Long.
Đảo Cô Tô con trong một buổi chiều nắng nhẹ
Không ai nhớ hết phải vượt qua bao đảo xanh nữa để đến cửa Đối, cửa biển nằm giữa hai đảo Quan Lạn và Ba Mùn, ranh giới cuối cùng vùng nội thủy Bái Tử Long. Từ đây ra Cô Tô bốn bề là biển, con tàu cứ chồm lên sóng mà đi tưởng chừng như bất tận. Nhưng không lâu sau, nhìn phía chân trời đã thấy dãy núi xanh mờ tựa con cá sấu đang trôi trên biển cả mênh mông. Đi thêm mười hải lý, cuối cùng viên ngọc quý giữa biển trời Đông Bắc cũng lộ diện với những cánh rừng thông bao bọc và nhiều khúc đoạn ven đảo ánh lên bờ cát tinh khôi, trắng trẻo.
Từ bến tàu Cô Tô vào thị trấn chỉ đi vài mươi bước, đây cũng là điểm khởi đầu của con đường xuyên đảo lần lượt băng ngang thị trấn, những khu dân cư kế cận, rồi cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trên địa hình đồi núi thấp… Những bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy cát trắng trải dài ngút tầm mắt và còn hoang sơ như cái thuở các bậc tiền nhân ra đây lập ấp. Sẽ là thiếu sót lớn khi đã đến Cô Tô mà không thuê thuyền máy ra chơi đảo Cô Tô con nằm về hướng đông bắc của đảo lớn, với điểm nhấn chính là những bãi biển đẹp nhất, hoang vắng nhất quần đảo xa bờ này. Cô Tô con diện tích không lớn nên khách phương xa có thể thả bộ quanh đảo, vượt qua vài ba ghềnh đá, trải nghiệm một chút cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm. Hoặc là len lỏi qua những cánh rừng tự nhiên chứa nhiều loài động, thực vật đặc hữu trước khi đặt chân đến bãi biển đầy con ngao vùi dưới cát.
Đêm xuống, bên bờ kè ven biển, một bếp than hồng được dọn lên và những con ốc sư tử, ốc vôi, ốc đá, tu hài hay còn gọi ốc vòi voi bén lửa thơm phức. Mọi người ngồi lai rai chén rượu ngán, một đặc sản trong vịnh Bắc bộ và ngắm nhìn ánh đèn đủ màu sắc loang loáng từ những con thuyền neo đậu trong khu vực bến tàu. Rạng sáng hôm sau, cả đoàn tìm đến núi Ngắm Sóng, một địa danh nằm phía nam Cô Tô lớn. Lối mòn lên đỉnh núi không dốc nhiều. Một số đoạn len giữa hoa mua, hoa sim tím rịm mọc tràn tận hai bên bờ vực sâu. Và mặt trời đang lên rực rỡ giữa biển trời mênh mông.
Đảo Rùa trên vịnh Lan Hạ
Trở về đất liền, qua bãi Cháy – Hạ Long cả đoàn tiếp tục đi thuyền ra vịnh Lan Hạ trong quần đảo Cát Bà. Càng dấn sâu vào vùng vịnh, chúng tôi càng nhận thấy một Lan Hạ mang sắc thái rất riêng mặc dù nằm liền kề kỳ quan vịnh Hạ Long. Đó là một vùng biển mà tạo hóa dựng nên chỉ với hai chất liệu đá và nước, nhưng xếp đặt tài tình hình thành bức tranh thủy mặc khổng lồ. Lan Hạ khiến cho chúng tôi phải thảng thốt, ngây ngất khi thuyền luồn lách qua hơn trăm hòn đảo lớn nhỏ mà hầu hết phủ màu xanh cây rừng, luôn đổi thay theo góc nhìn và thời gian. Vịnh cũng sở hữu hàng trăm bãi tắm xinh đẹp nhưng hoang vắng nằm dưới dãy núi hình cánh cung.
Bãi tắm trong vịnh Lan Hạ
Vịnh Lan Hạ đẹp như chính cái tên của nó, nhưng vì đứng sau cái bóng quá lớn là vịnh Hạ Long nên cho tới nay khách nội địa vẫn ít người biết tới. Song đây lại là nơi khách Âu, Mỹ hay thuê thuyền đi chơi suốt mấy ngày liền rồi mới trở về bến.
Trần Thế Dũng