Giờ đây, cuộc sống thay đổi, khoa học kỹ thuật phát triển, những công nghiệp mới thay thế dần lao động thủ công, nhỏ lẻ, những xóm nghề cũng mất dần hoặc từng bước phai tàn. Vậy mà gần đây trong lần đến thăm một xóm làm hủ tiếu truyền thống của Cần Thơ, chúng tôi đã thích thú trước cách khai thác du lịch mới kết hợp với việc làm nghề.
Bà chủ đang làm món pizza hủ tiếu
Dưới chân cầu Rau Răm phường An Bình, quận Ninh Kiều, dài theo con rạch về phía trong từ trước đến nay có hàng chục lò cung cấp hủ tiếu cho thành phố Cần Thơ và một số vùng lân cận. Nhưng mấy năm gần đây, việc làm ăn thua lỗ, nhiều lò trong xóm nghề này đã tắt lửa, hiện chỉ còn vài ba lò lây lất qua ngày. Riêng lò anh Sáu Hoài, ở số 476/14 lộ vòng cung này lúc nào cũng tưng bừng, rôm rả tiếng người. Bước vào căn nhà rộng đã thấy khách ngồi đầy quanh mấy chiếc bàn. Kế bên là bếp lò lúc nào cũng đỏ lửa bởi bà chủ đang liên tục làm món hủ tiếu chiên giòn đãi khách. Nói “đãi” là vì mỗi bàn khách đều được phục vụ một dĩa hủ tiếu giòn miễn phí. Vợ chồng ông chủ Sáu Hoài có ba đời làm nghề tráng hủ tiếu ở đây đã nghĩ ra cách tận dụng loại hủ tiếu bột lọc chế biến một vài thức ăn ngon, lạ miệng để khách thưởng thức khi đi tham quan nghề làm hủ tiếu, tham quan vườn cây trái, mương rạch trong sáu công vườn sau nhà.
Du khách thưởng thức các món ăn làm từ hủ tiếu
Nhìn lại các bàn chung quanh mới thấy toàn khách nước ngoài. Người nào cũng tươi cười với miếng hủ tiếu chiên giòn trên tay. Anh Sáu Hoài cho biết, chính cậu con trai lớn của anh sau khi tốt nghiệp đại học, lên TP.HCM đi học nấu bếp ban đêm của cô Phan Tôn Tịnh Hải về đã chế biến mấy món từ hủ tiếu này. Món hủ tiếu giòn miễn phí được khách nước ngoài thích thú đặt tên là “pizza hủ tiếu” này rất đơn giản: Chỉướp chút bột nêm, ít tiêu vào rồi bốc thành bánh, chiên giòn, rưới ít hành lá và tương ớt là xong. Miếng bánh hủ tiếu giòn rụm, mằn mặn, uống bia rất ngon. Lại thêm món hủ tiếu để lạt, chiên giòn xong rưới thêm chút nước cốt dừa, sắp thêm vài lát thịt khìa, vài miếng chả chiên và rau thơm ăn rất hấp dẫn (món này từ 30 đến 40 ngàn đồng một dĩa). Ở đây, khách đến ăn sáng còn có hủ tiếu nước nấu với xương ống, thịt nạc thăn hay hủ tiếu xào thập cẩm rất ngon. Chủ nhà còn chỉ cho chúng tôi gian nhà dài rộng bên bến sông với ba chục bàn ăn để khoe về sự đông đúc của chỗ này. Anh Sáu Hoài cho biết: “Thường khách đi theo các tour lữ hành, đến bằng tàu du lịch, sau khi đi một vòng vào Phong Điền, ra chợ nổi Cái Răng rồi ghé lại đây, vừa ăn sáng, uống nước, vừa tham quan nghề làm hủ tiếu và ra vườn xem cây trái. Họ cũng thích mua vài món đồ mỹ nghệ đan đát từ tre, trúc tôi bán giùm cho hội người khuyết tật nữa”.
Du khách tham quan cầu khỉ trong vườn
Theo chân một đoàn khách Pháp gần hai chục người vừa bước vào, chúng tôi bước ra sau xem mấy lò tráng bánh và sân phơi bánh của nhà. Đa số khách trong đoàn là học sinh, sinh viên. Họ có vẻ rất thích thú khi cùng đi qua chiếc cầu khỉ ra sau vườn, nơi có bảy tám gốc thanh trà cổ mấy chục năm, cây nào cũng tàn nhánh um tùm, cao vút. Tiếc là mùa trái đã qua chứ không thì những vị khách Pháp kia còn thích biết mấy trước những chùm thanh trà vàng tươi, mọng nước trên cành.
Ghe chở du khách đến vườn
Theo vợ chồng anh Sáu Hoài, loại hình làm ăn này chỉ mới bắt đầu từ hai năm nay nhưng được khá nhiều du khách biết đến. Nhiều khách nước ngoài sau khi về đã quảng bá trên mạng hoặc giới thiệu khách khác đến đây. Ngoài ra anh Sáu Hoài cũng kết hợp với các công ty lữ hành trong nước để dẫn khách vào đây. Vợ chồng anh không thu phí vào cửa. Các hãng lữ hành tùy hỉ bỏ tiền vào thùng đặt phía sau nhà ăn. Khách muốn mua hàng về làm quà thì bà chủ đóng gói cho vào túi (mỗi bánh pizza hủ tiếu giá 20.000 đồng). Theo lời anh Sáu Hoài, chỗ anh từng đón khách Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc. Mùa đông khách nhất là từ tháng 7 năm này đến tháng 4 năm sau. Khách trong nước thường đến vào mùa hè. Những ngày đông nhất bình quân họ đón 300-400 khách/ngày. Mùa vắng thì chỉ vài chục khách. Những ngày này đang mùa du lịch nên ghe chở du khách liên tục ghé vào bến, ghe nào cũng đầy người. Lò hủ tiếu mỗi ngày ra được khoảng 500 ký, vừa bỏ mối các nơi vừa làm món ăn cho “Vườn du lịch sinh thái Sáu Hoài”.
Hỏi về kế hoạch sắp tới, vợ chồng anh Hoài cho biết họ đang xây sáu phòng nghỉ để đưa vào sử dụng trong tháng tới theo loại hình home stay, và theo dự kiến là sẽ xây đủ 20 phòng. Đúng là dưới tấm bảng hiệu Welcome to Sáu Hoài’s, gia đình này đang ăn nên làm ra!
Chi Lan