Đối với một doanh nghiệp, việc vạch ra một con đường đi đến tương lai, xác định những sản phẩm và dịch vụ nào sẽ phục vụ cho thị trường nào và xây dựng các phương thức tổ chức kinh doanh quyết định rất lớn đến sự thành công và tồn tại của doanh nghiệp ấy. Không ít nhà quản trị doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới thành lập, thường lúng túng với việc này.Bởi lẽ, đã có nhiều tác giả, nhiều cuốn sách viết về đề tài hoạch định và quản trị chiến lược, nhưng đa phần đều mang nặng tính hàn lâm và lý thuyết. Andy Bruce và Ken Langdon, đồng tác giả của nhiều đầu sách khá phổ biến về quản trị doanh nghiệp đã giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hoàn thiện khả năng hoạch định và quản trị chiến lược một cách đơn giản hơn với Tư duy chiến lược (Strategic Thinking). Qua cuốn sách này, các tác giả đã tạo ra sự khác biệt bằng cách đem đến cho người đọc một “bộ cẩm nang” khá ngắn gọn, cô đọng nhưng vẫn chuyển tải được những kiến thức thực dụng nhất, giúp các nhà quản trị doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể hình dung ngay những việc cần làm, từng bước phải thực hiện để có thể tư duy và vận hành doanh nghiệp của mình một cách có mục tiêu, chiến lược rõ ràng.
Tư duy chiến lược bao gồm bốn phần: Tìm hiểu chiến lược, phân tích vị thế của doanh nghiệp, lập kế hoạch chiến lược và triển khai chiến lược. Trong đó, ba phần sau chính là các bước cần thực hiện để quản trị hoạt động của doanh nghiệp một cách chiến lược. Để giúp các nhà quản trị phân tích vị thế của doanh nghiệp, các tác giả đã đưa ra các hướng dẫn về cách đánh giá những tác động của môi trường kinh doanh như kinh tế, công nghệ, pháp luật, chính trị, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và những năng lực nội tại của doanh nghiệp trước khi hình thành kế hoạch chiến lược.
Tiếp theo, để lập ra một kế hoạch chiến lược, các nhà quản trị doanh nghiệp cần phải đi theo các trình tự: xác định mục đích; xác định lợi thế cạnh tranh, tức trả lời cho câu hỏi vì sao khách hàng sẽ mua hàng của doanh nghiệp chứ không phải của ai khác; xác định các ranh giới, tức liệt kê ra những sản phẩm và thị trường sẽ tham gia và chắc chắn không tham gia; lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm, tức những sản phẩm và thị trường mà doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư các nguồn lực; ước lượng ngân sách cần phân bổ cho từng thị trường, sản phẩm và dự đoán lợi nhuận kỳ vọng.
Sau cùng, ở bước triển khai chiến lược, các tác giả đưa ra những công cụ giúp doanh nghiệp so sánh tình hình thực hiện với những mục tiêu đã vạch ra, tức những tiêu chuẩn lý tưởng trong kế hoạch chiến lược, từ đó xác định các lĩnh vực cần cải tiến. Để làm việc này, các nhà quản trị trước hết cần phải biết cách vạch ra những mục tiêu có thể quản lý được theo nguyên tắc SMART. Trong quá trình thực hiện chiến lược, nhà quản trị cũng cần phải biết cách động viên mọi người, khích lệ, đào tạo và tưởng thưởng cho những cá nhân hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược đã vạch ra.
Một điều khác biệt thú vị khác mà các tác giả của Tư duy chiến lược đem đến cho người đọc là tổng hợp từ bốn phần nội dung nói trên thành 101 lời khuyên cô đọng và thiết thực, trình bày trong những ô nội dung riêng thành những điểm nhấn rải đều theo từng chủ đề. Bên cạnh đó là những câu chuyện, ví dụ thực tế khá sinh động, cũng được trình bày trong những ô nội dung riêng để người đọc có thể dễ nhớ.Những điểm cần lưu ý và những câu hỏi dành cho bạn là một cách hệ thống hóa kiến thức thông minh khác được các tác giả trình bày lồng vào các phần nội dung. Phần cuối cùng của cuốn sách là một bài trắc nghiệm khá thú vị để các nhà quản trị có thể tự đánh giá khả năng tư duy chiến lược của mình, từ đó xác định những phần cần được cải tiến nhất…
Đông Dương (DNSGCT)
* Quyển sách này hiện có trên Tủ sách Doanh nhân, website: https://doanhnhanplus.vn/product-category/sach-3/.