Tôi rất vui mừng chia sẻ rằng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi quan điểm với nhiều chuyên gia am hiểu về Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các quan chức chính quyền và các đại diện khu vực tư nhân – những người đang tham gia tích cực trong việc tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhằm cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Nhưng quan trọng hơn cả, có thể nói văn hóa liên quan mật thiết tới con người và tôi là một người theo chủ nghĩa vị nhân sinh. Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình quản lý, bảo tồn, cũng như được hưởng lợi từ văn hóa.
Bà nhận xét thế nào về những công việc mà Việt Nam đã làm để các di sản của mình được UNESCO công nhận?
Trước khi tôi đến đất nước xinh đẹp này, Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực, thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam – cùng với các ban ngành trung ương, chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cả cộng đồng – chuẩn bị hồ sơ và đề cử UNESCO công nhận các di sản thuộc một số lĩnh vực. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này cũng như các cam kết đi kèm các hồ sơ đề cử các di sản này.
Từ khi bà đến Việt Nam, đã có rất nhiều di sản của Việt Nam đã được vinh danh…
Việt Nam hiện có bảy di sản văn hóa thế giới, trong đó di sản thứ 900 mà UNESCO công nhận năm 2010 là Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội, do triều nhà Lý xây dựng từ thế kỷ XI để đánh dấu nền độc lập của nước Đại Việt, cũng như di sản được công nhận gần đây vào năm 2011 là Thành nhà Hồ thuộc tỉnh Thanh Hóa, được xây dựng theo nguyên tắc phong thủy, là minh chứng cho sự phát triển của tân Nho giáo ở Việt Nam vào thế kỷ XIV, và việc mở rộng ảnh hưởng của học thuyết này sang các khu vực khác thuộc Đông Nam Á.
Bốn hình thức trình diễn và biểu đạt văn hóa của Việt Nam đã được ghi nhận trong Danh sách đại diện các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bao gồm Dân ca Quan họ Bắc Ninh (công nhận năm 2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (công nhận năm 2010). Hai di sản khác được ghi nhận trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, trong số này có Hát Xoan ở tỉnh Phú Thọ vừa vinh danh trong lễ hội tổ chức ngày 18-2 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.
UNESCO cũng khuyến khích việc bảo tồn và truy cập tài liệu về di sản. Theo đó, 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê – Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào năm 2011; 34.555 tấm mộc bản triều Nguyễn, đánh dấu sự phát triển của kỹ thuật khắc gỗ và in ấn tại Việt Nam, được công nhận vào năm 2009.
Bên cạnh đó còn là những di sản thiên nhiên, thưa bà?
Đúng vậy. Tôi cũng muốn đề cập đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang được công nhận năm 2010 là thành viên chính thức thứ 77 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của ViệtNamvà là thứ hai của Đông Nam Á, là quê hương của 17 dân tộc thiểu số. Sáng kiến công viên địa chất do UNESCO khởi xướng nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết phải có một nỗ lực quốc tế để công nhận các khu vực đại diện cho mối quan tâm đến khoa học trái đất, không chỉ vì các lý do địa chất, mà còn bởi các giá trị khảo cổ, các đặc tính sinh thái và văn hóa của khu vực.
Việt Nam có tám khu dự trữ sinh quyển là một phần của Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO; đây là các khu vực tìm kiếm giải pháp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa với phát triển kinh tế và xã hội thông qua mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Trong số rất nhiều cơ chế đang hình thành để bảo tồn di sản, theo bà, điều gì là quan trọng nhất?
Giáo dục là nền tảng cho các cộng đồng, du khách, chính quyền địa phương và trung ương, và quan trọng nhất – là cho các thế hệ tương lai. Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên thế giới và Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể yêu cầu các quốc gia thành viên thúc đẩy các chương trình giáo dục nhằm nâng cao kiến thức và đảm bảo sự trân trọng di sản. Gần đây, UNESCO và Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã thực hiện một cuộc đánh giá toàn diện trong lĩnh vực giáo dục di sản trong các trường học của Việt Nam để xác định những phương thức thực hành, những phương pháp tiếp cận mới, và những ví dụ điển hình từ đó tìm ra nguyên nhân tại sao một số mô hình và dự án giáo dục di sản lại ít tính khả thi hoặc không đảm bảo tính bền vững.
Tuy nhiên, bảo vệ và bảo tồn văn hóa và đa dạng sinh học phải là một quá trình chia sẻ trách nhiệm. Mọi người phải cùng nhau nỗ lực tạo ra nguồn lực để thực hiện các nguyên tắc đúng đắn giúp khai thác hết các thế mạnh của đất nước. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần đảm bảo rằng những người sử dụng di sản và đa dạng sinh học để cải thiện sinh kế có thể tiếp tục sử dụng những nguồn tài nguyên này và học cách cân bằng giữa nhu cầu và vai trò của con người và thiên nhiên.
Ấn tượng của bà khi đến làm việc ở Việt Nam là những gì thưa bà?
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến ViệtNam, tôi đã yêu đất nước này. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là một thành phố cực kỳ năng động và xinh đẹp. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ nguyên ấn tượng ban đầu sâu sắc đó. Tôi yêu công việc của tôi tại ViệtNam. Tôi thực sự yêu thích công việc này. Sự hỗ trợ tuyệt vời của các cán bộ làm việc trong văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của tôi. Tôi rất vui mừng được đóng góp công sức xây dựng đất nước ViệtNam, nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của từng tỉnh thành và có mặt ở bất cứ nơi nào cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chính công việc đã giúp tôi hiểu thêm về đất nước, con người ViệtNam, về sự đa dạng sinh học, về nền văn hóa của các bạn. Có thể khẳng định chắc chắn rằng chính bản thân tôi đã và đang luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của ViệtNam.
Xin cảm ơn bà!
Kim Anh thực hiện