“Khi chúng tôi ôm, tôi cố gắng làm cho mình nhỏ bé, làm cho mình ấm áp hơn bình thường. Tôi cố gắng làm cho mình có mùi như mới ra đời”.
Thế giới sắp kết thúc còn tôi thì đang ăn ôliu. Kế hoạch ban đầu là pizza, nhưng khi bước vào hàng tạp hóa và thấy tất cả những cái kệ trống trơn, tôi nhận ra là mình có thể quên bột pizza và nước xốt cà chua đi. Tôi đã thử nói chuyện với bà thu ngân ở quầy ưu tiên xem sao, một người phụ nữ đứng tuổi đang Skype với ai đó bằng tiếng Tây Ban Nha qua điện thoại, nhưng bà trả lời tôi mà chẳng buồn nhìn lên. Trông bà thật đáng tội.
“Người ta mua hết rồi – bà lầm bầm – Có còn thì còn băng vệ sinh và dưa chuột muối thôi”.
Thứ duy nhất trên kệ dưa muối là một lọ ôliu nhồi ớt anh đào, loại khoái khẩu của tôi.
Đến lúc tôi quay lại quầy thanh toán, bà thu ngân đã òa khóc. “Nó giống như một ổ bánh mì ấm áp – bà nức nở – Thằng cháu đích tôn bé bỏng của tôi. Tôi sẽ không bao giờ được gặp nó nữa, không bao giờ được hít hà nó nữa, tôi sẽ không bao giờ được ôm thằng cu tí của tôi nữa”.
- Xem thêm: Bến chờ
Thay vì đáp lại, tôi đặt cái lọ xuống băng tải và rút tờ năm chục trong túi ra. “Không sao – tôi nói khi nhận ra bà không định cầm lấy tờ tiền – Không cần trả lại”.
“Tiền à? – bà vừa nói vừa khịt mũi – Tận thế đến nơi rồi cậu còn đưa tôi tiền? Chính xác thì tôi phải làm gì với nó?”.
Tôi nhún vai: “Tôi thực sự muốn mua lọ ôliu này. Nếu năm mươi không đủ, tôi sẵn sàng trả thêm, giá nào cũng được…”.
“Một cái ôm – bà thu ngân rơm rớm ngắt lời tôi và dang tay ra – Tất cả hết một cái ôm”.
Giờ thì tôi đang ngồi trên bancông ở nhà, xem tivi, ăn pho mát và ôliu. Rất là vất vả mới khuân được cái tivi ra đây, nhưng nếu thế là hết thì chẳng còn cách kết thúc nào tốt đẹp hơn là với một bầu trời đầy sao và một bộ Cô dâu 8 tuổi dở như hạch phiên bản Argentina. P
him đang chiếu đến tập 436 mà tôi thì chả biết nhân vật nào. Họ đều xinh, họ đều đầy cảm xúc, họ đang bắn tiếng Tây Ban Nha vào mặt nhau. Phim không phụ đề nên khó mà hiểu chính xác họ đang hét cái gì. Tôi nhắm mắt lại và nghĩ về bà thu ngân ở hàng tạp hóa. Khi chúng tôi ôm, tôi cố gắng làm cho mình nhỏ bé, làm cho mình ấm áp hơn bình thường. Tôi cố gắng làm cho mình có mùi như mới ra đời.
– Etgar Keret
Etgar Keret sinh năm 1967 ở Ramat Gan, Israel. Là người viết truyện ngắn, tác giả truyện tranh và nhà biên kịch, anh đã trở thành nhà văn tiếng Hebrew nổi bật nhất của thế hệ mình.
Truyện của anh được xuất bản rộng rãi trên nhiều ấn phẩm quốc tế như The New York Times, Le Monde, The New Yorker và đã được chuyển thể thành hơn 40 phim ngắn, trong đó có một phim đoạt giải MTV. Phim Jellyfish do anh đạo diễn cùng vợ cũng đoạt giải Máy quay vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2007.
Anh sống ở Tel Aviv và giảng dạy tại Đại học Ben-Gurion, Negev.