Từ trước đến nay, các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Pennsylvania, Stanford, Cornell… được xem là “lò” đào tạo các triệu phú. Vì vậy, sinh viên thế giới đều cố gắng vào các trường này với mơ ước một tương lai thành công và giàu có về sau. Tuy nhiên, mới đây, một cuộc khảo sát tiến hành với các nhà kinh tế tiếng tăm của hai nhà nghiên cứu Stacy Dale và Alan Krueger đã cho kết quả, việc học ở các trường đại học danh tiếng không thực sự ảnh hưởng đến thu nhập tương lai của học viên. Hai nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một khi bạn kiểm soát được năng lực bản thân, việc chọn trường để học không thực sự quá quan trọng.
Ban đầu, dữ liệu Dale và Krueger phân tích cho thấy việc học ở những trường hàng đầu như Yale hoặc Harvard đem lại cho sinh viên rất nhiều lợi thế. Giữa những sinh viên có điểm SAT và điểm GPA bằng nhau, sinh viên nào được chọn vào các trường có tiêu chuẩn tuyển sinh cao hơn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, điểm SAT và GPA không phản ánh đầy đủ về tiềm năng của một sinh viên. Các điểm số trên không đánh giá được sự thông minh, năng lực sáng tạo và khả năng lãnh đạo. Chính vì vậy, để vào được các trường uy tín, sinh viên không chỉ có một bảng điểm “đẹp” mà còn phải dựa trên các điều kiện khác như thư giới thiệu của giáo viên, bài luận ấn tượng hay kinh nghiệm tham gia vào các hoạt động ngoại khóa…
Căn cứ trên những điều này, hai nhà nghiên cứu Dale và Krueger tiếp cận dữ liệu từ nhiều góc độ khác nhau. Cả hai xem xét những sinh viên được chọn vào những đại học hàng đầu nhưng quyết định học ở những trường ít tiếng tăm hơn. Kết quả cho thấy những sinh viên này vẫn có một tương lai xán lạn không kém. Điều này cho thấy, khả năng thực sự của sinh viên mới là yếu tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp chứ không phải chứng nhận từng học ở Harvard hay Standford.
Bất ngờ hơn, khi đi vào nghiên cứu sâu thì Dale và Krueger nhận thấy thậm chí việc sinh viên có được nhận vào học ở trường nào đi nữa thì cũng không thật sự quan trọng. Chỉ cần biết sinh viên đó dự định nộp đơn vào trường nào cùng những thông tin về điểm GPA, SAT và các thông tin thống kê nhân khẩu về độ tuổi, giới tính… là đủ để dự đoán được mức thu nhập về sau.
Từ nghiên cứu của mình, Dale và Krueger đưa ra hai kết luận. Thứ nhất, chúng ta thường có thể dự đoán về định hướng phát triển của một cá nhân bằng việc phân tích kết quả học tập ở những năm cuối trung học. Thứ hai, hầu như không có sự liên hệ mật thiết giữa việc tốt nghiệp ở một trường đại học tiếng tăm với khả năng kiếm tiền về sau.
Có thể liên hệ nghiên cứu của Dale và Krueger với một chương trình gần đây của nhà tâm lý Jonathan Wai (Đại học Duke), người chuyên nghiên cứu về những người thành đạt. Chương trình của nhà tâm lý học này tập trung tìm hiểu về trình độ học vấn của tầng lớp thượng lưu ở Mỹ, đặc biệt là những người đã tốt nghiệp ở các trường tên tuổi và tỷ lệ của họ trong các nhóm người có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Jonathan Wai nghiên cứu những trường “đỉnh” có điểm SAT, LSAT và GMAT cao nhất, bao gồm 29 trường đại học, 12 trường chuyên ngành Luật và 12 trường chuyên ngành Kinh tế, từ CalTech, Princeton đến Yale, Carleton, Johns Hopkins và Cornell… Kết quả cho thấy rất nhiều người từ các trường danh tiếng xuất hiện ở tầng lớp thượng lưu Mỹ. Hai trong năm doanh nhân thành đạt có bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc bằng luật từ các trường nổi tiếng. Nhưng ở mảng chính trị, tỷ lệ người thành công xuất phát từ các trường hàng đầu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 1/5.
Đầu thập niên 90, khoảng 1,2 triệu người Mỹ tốt nghiệp đại học mỗi năm. Các chương trình danh giá trong danh sách của Wai chỉ đào tạo khoảng 40.000 cử nhân, chiếm từ 3% đến 4%. Số sinh viên cao học tại các trường thuộc Top 30 giữ vị trí quan trọng trong xã hội nhiều gấp mười lần so với sinh viên trường khác.
Những thông tin do Wai đưa ra cho thấy tầm quan trọng của trí thông minh đối với triển vọng nghề nghiệp của mỗi người. “Nhiều người không nhận ra rằng, SAT cũng được coi như một bài kiểm tra chỉ số thông minh. Sinh viên tại những trường có điểm SAT đầu vào cao nhất thường lọt vào danh sách 1% người có nhận thức cao”, ông nói.
Dữ liệu của nhà tâm lý học cũng mang đến góc nhìn khác. Việc theo học trường ưu tú có thể không tốt hơn nhưng nó giúp sinh viên gia nhập giới thượng lưu. Các phụ huynh cho con học tại trường thuộc Ivy League mong con họ ở cùng phòng với nghị sĩ, thẩm phán hay ông lớn trong giới kinh doanh tương lai. Họ cũng hy vọng tên tuổi của trường sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh.
Khoảng 12% thẩm phán liên bang, thượng nghị sĩ và tỉ phú tốt nghiệp từ Harvard. Phải chăng sinh viên Harvard đang chiếm ưu thế trong giới thượng lưu? Nó cũng dẫn đến một câu hỏi khác: Liệu 12% người thông minh nhất, giỏi nhất đều từng học tại Harvard?
Hiện tại, chín thẩm phán tối cao của Mỹ tốt nghiệp từ Trường Luật Harvard và Yale. Điều này có thể được hiểu rằng, tất cả luật sư tài giỏi ở Mỹ là cựu sinh viên hai trường này?
Điều này không chắc chắn. Theo nghiên cứu này, các trường danh tiếng gần như không mang lại lợi thế đặc biệt cho sinh viên. Chúng dường như mang lại nhiều lợi ích hơn đối với sinh viên da đen, gốc Tây Ban Nha hoặc những người xuất thân từ gia đình ít học. Theo Stacy Dale và Alan Krueger, trường là cầu nối quan trọng giúp những sinh viên này tiếp cận giới thượng lưu.
Tuy nhiên, Dale và Krueger chỉ xem xét vấn đề thu nhập mà không chú ý đến các yếu tố khác. Việc trở thành thẩm phán tối cao rất danh giá nhưng không mang lại thu nhập cao như các công việc liên quan đến luật khác.
Công việc trong giới học thuật và dịch vụ công cũng vậy. Tấm bằng từ trường danh tiếng là công cụ hữu hiệu cho những người muốn leo lên nấc thang danh vọng.
Nghiên cứu của Wai chỉ ra một thực tế mà có lẽ các bậc phụ huynh đều biết: Giới thượng lưu tại Mỹ thường sở hữu bằng cấp từ những trường hàng đầu. Nhưng dữ liệu do ông đưa ra không khẳng định tầm quan trọng của trường nổi tiếng đối với mức độ thành công của mỗi người.
- Tường Lam theo Washington Post