Dự án nghệ thuật “Trước ‘86” của hai nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải đã được khai mạc vào sáng 8-6 vừa qua tại studio HiveAsia ở thành phố Cheongju (Hàn Quốc). Đây là một nỗ lực mới của đôi song sinh sáng lập và điều hành quỹ New Space Art Foundation (NSAF) với những sinh hoạt nghệ thuật được tổ chức đều đặn tại xứ Huế thời gian qua.
Tại sao dự án lại lấy tên “Trước ‘86”? Hai tác giả cho biết: “Năm 2012 này con gái của chúng tôi tròn 11 tuổi, đúng bằng tuổi của chúng tôi vào năm 1986; một dấu mốc quan trọng của đất nước khi bắt đầu công cuộc Đổi mới. Hai mươi sáu năm sau chúng tôi vẫn còn lưu giữ những ký ức về thời kỳ đầy khó khăn và biến động đó, những ký ức như những vết sẹo thời gian luôn vận động, chuyển hóa… tựa cơ thể sống của con người. Những ký ức luôn đặt ra cho chúng tôi những câu hỏi về quá khứ: quá khứ của mình, của mọi người, của đất nước đã từng xảy ra như thế nào? Những đắng cay, tủi nhục, những hạnh phúc, niềm vui… đã từng đến đi và lưu dấu ra sao trong tâm hồn con người? Cách nhìn về quá khứ, ứng xử với quá khứ cũng chính là cách giúp cho chúng ta lớn lên, vượt lên tất cả những khó khăn để trưởng thành.
Chúng tôi cũng không thể ngừng suy nghĩ về mốc thời gian 1975, năm chúng tôi được sinh ra đời; năm mà người Việt vỡ òa những nụ cười, nước mắt của thống nhất, đoàn tụ… và có cả những chia lìa câm nín. Chúng tôi cũng không thể ngừng tự hỏi về những tháng ngày trước 1975, về đạn bom, chia cắt, sự sống và cái chết…, về cả những ứng xử của người Việt với nhau sau mốc thời gian lịch sử này.
Chúng tôi cũng day dứt với câu hỏi: Hai mươi sáu năm sau, khi con gái chúng tôi bằng tuổi chúng tôi bây giờ, ký ức của con sẽ lưu giữ những gì ở thời điểm lịch sử 2012 này? Liệu con có suy tư về mốc lịch sử Đổi mới 1986? Con có còn quan tâm đến mốc lịch sử 1975 hay không? Con sẽ trưởng thành ra sao nếu thiếu vắng đi những vết hằn lịch sử đó trong tâm thức người Việt?
Dự án nghệ thuật “Trước ‘86” của chúng tôi là thêm một sự tỏ bày, ứng xử của nghệ sĩ với quá khứ; đồng thời cũng là cách chúng tôi nhắc nhở cho con gái yêu đừng bao giờ quên mình là người Việt với những tháng năm thăng trầm của lịch sử đất nước; là cách chúng tôi cố gắng nuôi dưỡng tâm hồn con biết nhìn lại những gì đã qua với sự thông hiểu và yêu thương”.
Trên cơ sở những suy gẫm đó, “Trước ‘86” được thể hiện bằng nghệ thuật đa phương tiện, bao gồm hai phần: Video art + sắp đặt và tranh sơn dầu. Những bức tranh khổ 140 x 140cm được vẽ với cảm hứng từ những bức ảnh cũ (được chụp trước năm 1986) của người thân, bạn bè, tình nguyện viên… trên mọi miền Tổ quốc gửi đến NSAF, trong đó có cả những bức ảnh trước 1975. Phần lớn là ảnh đen trắng, được chụp với cùng một kỹ thuật và phong cách về tạo hình cũng như xử lý ánh sáng, tất cả gợi lại một giai đoạn mà dường như nhiều người sống vào thời đó có chung một cách suy nghĩ, thị hiếu thẩm mỹ…
Chuyển những tư liệu ảnh trên thành tranh sơn dầu, với những biến tấu lấy cảm hứng từ chính các bức ảnh, Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải muốn một lần nữa nhắc lại những hạn chế, bó hẹp trong mọi khía cạnh đời sống, nhất là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thời kỳ trước năm 1986, để từ đó thấy được và trân trọng hơn những thành quả mà văn học nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật thị giác, đã gặt hái được kể từ sau 1986 đến nay.
Được biết, ngay sau ngày khai mạc “Trước ‘86”, NSAF và studio Hive Asia đã ký kết thỏa thuận trao đổi nghệ sĩ nhiệm trú (nghệ sĩ từ xa đến sống và sáng tác, sau đó tổ chức triển lãm tác phẩm của họ) giữa hai đơn vị nghệ thuật này.