Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) gần đây thừa nhận tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) có một số biến động do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và những biến động trên thị trường tài chính quốc tế. PboC cho rằng sự sụt giá của đồng NDT chủ yếu do tâm lý thị trường lo ngại trước những bất ổn, chứ không phải vì sự suy thoái của các yếu tố nền tảng kinh tế Trung Quốc.
Các chuyên gia của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs không cho rằng việc đồng NDT rớt giá trong thời gian dài là hành động có chủ đích của Bắc Kinh, mà hiện tượng này xảy ra do nhiều yếu tố kinh tế khách quan, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hai lần từ đầu năm và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay khi kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững vàng, các công ty Mỹ đưa lợi nhuận về nước nhờ cải cách thuế của Tổng thống Trump. Tất cả các diễn biến này khiến cho giá trị của một số đồng tiền của các nước đang phát triển rớt giá so với đồng USD.
Zhou Hao, nhà phân tích tiền tệ của Ngân hàng Đầu tư Commerzbank có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Lý do chính ở đây là đồng USD đang ngày càng mạnh hơn, chứ không phải Trung Quốc chủ động để đồng NDT yếu hơn trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ”. Ông chỉ ra rằng đồng NDT vẫn còn tương đối mạnh so với những đồng tiền của các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc, chẳng hạn như đồng euro. Bên cạnh đó, các đồng tiền của những thị trường mới nổi khác, trong đó có đồng rupee của Ấn Độ và lira của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giảm mạnh so với đồng USD.
Đồng NDT yếu hơn có thể giúp cho ngành xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc cạnh tranh hơn trên toàn cầu vì các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn đối với những người mua trả bằng USD. Tuy nhiên, giới phân tích lại không cho rằng đây là lý do khiến đồng NDT rớt giá. Nhà phân tích Zhou Hao cho rằng giới chức Trung Quốc cũng nhận thức rõ ràng nếu đồng NDT giảm giá quá nhiều có thể khiến ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đưa ra những cáo buộc về thao túng tiền tệ.
Tiến sĩ Chen Fengying, chuyên gia kinh tế tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nhận định: “Chính quyền Trung Quốc không thể kiểm soát hoàn toàn tỷ giá hối đoái của đồng NDT”. Bà cho rằng đồng NDT rớt giá trong thời gian dài không có lợi cho Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình quốc tế hóa đồng tiền này. Mặc dù đồng NDT yếu đi giúp cho các công ty xuất khẩu ở một mức độ nhất định, nhưng nó lại ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu dầu, thép và các mặt hàng khác. Tiến sĩ Chen Fengying nhấn mạnh xu thế giảm giá của đồng NDT so với USD chỉ là một hiện tượng tạm thời, cũng như việc đồng USD sẽ không tăng giá so với các đồng tiền khác mãi mãi vì chính quyền của ông Trump cũng muốn mở rộng xuất khẩu. Xuất khẩu của Mỹ sẽ khó khăn nếu đồng USD bị định giá quá cao.
Đồng NDT rớt giá gây ra nhiều vấn đề cho kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu của Công ty cung cấp Dữ liệu tài chính Dealogic (Anh), trong những năm gần đây các công ty Trung Quốc đã tích lũy các khoản nợ khổng lồ bằng đồng USD thông qua hoạt động bán trái phiếu tại Hongkong. Đồng NDT trượt giá so với USD khiến các khoản nợ trở nên “đắt đỏ” hơn đối với các công ty này. Tình hình đó sẽ gây khó khăn cho các công ty trong hoạt động giao dịch, kinh doanh, thanh khoản, trả nợ và tái cấp vốn.
Việc đồng NDT rớt giá quá nhanh cũng có thể làm gia tăng luồng vốn rút khỏi Trung Quốc do các nhà đầu tư mất niềm tin đối với cam kết của chính phủ Trung Quốc trong việc duy trì đồng NDT “ổn định cơ bản” trên thị trường ngoại hối và tìm cách đổi NDT để mua các tài sản bằng USD và các đồng tiền khác. Điều này đã từng xảy ra trong những giai đoạn biến động thị trường trầm trọng gần đây nhất ở Trung Quốc năm 2015 và đầu năm 2016, khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mất 1.000 tỉ USD. Do đó việc cố ý phá giá đồng NDT nhằm vô hiệu hóa ảnh hưởng của các đòn thuế quan của Mỹ chắc chắn là một hành động nguy hiểm.