Theo thông tin do Cục Năng lượng toàn quốc Trung Quốc vừa công bố, năm 2016 nước này sẽ dừng việc cấp phép cho các dự án khai khoáng mới và đóng cửa trên 1.000 mỏ. Dù mục đích là chống ô nhiễm nhằm hướng tới năng lượng xanh song có thể thấy nền công nghiệp phình đại Trung Quốc đến nay cần giảm mạnh vì dư thừa năng lực sản xuất.
Trước mắt, gần 1,5 triệu việc làm trong ngành khai thác than sẽ bị xóa bỏ và 500 ngàn nhân công trong ngành luyện kim sẽ bị mất việc làm. Tổng cộng khoảng 6 triệu người sẽ bị mất việc. Một con số lớn chưa từng thấy kể từ khi thực hiện quá trình tư nhân hóa ở thập niên 1980. Ngoài ra các công nhân thất nghiệp ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến cũng trông chờ có thể tìm việc làm ở các thành phố cấp hai. Tuy nhiên, điều này trong thực tế là rất khó.
Cụ thể như Tô Châu là bốn năm trở lại đây, cùng với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, lĩnh vực công nghiệp ở thành phố Tô Châu sụt giảm và không có khả năng tiếp nhận thêm công nhân thất nghiệp của vùng khác.
Hoặc như Thiên Tân, số liệu sản lượng của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu về cơ bản đều có xu hướng giảm sút rõ rệt. Sản lượng điện thoại di động giảm 21%, máy tính giảm 11%, máy thu hình màn hình tinh thể lỏng giảm 9,1%, pin năng lượng mặt trời giảm 12%… may mắn là chính quyền Thiên Tân vẫn còn tiền để trợ cấp sản xuất.
Lạc Dương là thành phố lớn thứ hai của tỉnh Hà Nam, trong suốt năm năm qua, chưa hề có sự tăng trưởng nào đáng kể, phải dựa vào vốn đầu tư tài sản cố định.
Đường Sơn là thành phố công nghiệp nặng đang suy giảm nhanh chóng. Năm 2015 Đường Sơn xếp hàng đầu trong tỉnh Hà Bắc về quy mô kinh tế song mức độ phụ thuộc vào trợ cấp Trung ương lên đến 42%.
K.M (DNSGCT)