Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tuần qua đã cam kết sẽ sử dụng những giải pháp hòa bình trong việc theo đuổi các mục tiêu của Bắc Kinh, bao gồm việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, sau nhiều tháng nhận được lời cảnh báo từ Washington về mức độ nguy hiểm ngày một gia tăng trong mâu thuẫn đối đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trình bày trước quốc hội Úc với tư cách khách mời danh dự đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào xuất hiện tại đây hồi năm 2003, ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ không thay đổi trong việc đưa ra giải pháp dựa trên cơ sở phát triển hòa bình, vì không một cuộc chiến tranh hay nổi dậy nào phục vụ cho lợi ích của người dân Trung Quốc. Theo ông, thế giới ngày nay chỉ có một xu thế, đó là hòa bình, phát triển và việc hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đây cũng được xem là câu trả lời chính thức đầu tiên từ Bắc Kinh sau khi Tổng thống Mỹ Obama, tại hội nghị G20 diễn ra ở Brisbane vài ngày trước đó, lần nữa nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải đóng vai trò một diễn viên có trách nhiệm trên sân khấu quốc tế. Hiện tại, Trung Quốc đang đứng giữa những tranh chấp với nhóm nước Đông Nam Á về chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông và đối đầu với Nhật Bản tại nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo ông Tập, lịch sử cho thấy các quốc gia nỗ lực theo đuổi sự phát triển bằng vũ lực sẽ thất bại, do đó Trung Quốc sẽ luôn tuân thủ theo đường lối hòa bình vì hòa bình là điều quý giá cần được bảo vệ, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ luôn giữ mức báo động cao nhất trước những yếu tố có thể lấy đi sự hòa bình tại nước này. Chiến lược dài hạn của Trung Quốc bao gồm giải quyết trong ôn hòa mọi tranh chấp với những quốc gia liên quan về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi hải phận trong thỏa hiệp và thảo luận. Đến nay, ông Tập cho rằng Bắc Kinh đã giải quyết ổn thỏa vấn đề đường biên giới với 12 trong số 14 nước láng giềng thông qua hướng đi hữu nghị và sẽ tiếp tục làm việc theo lối đi ấy. Đặc biệt đối với vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh chủ động duy trì hòa bình tại khu vực, an toàn cho hệ thống tàu bè qua lại khu vực, đảm bảo đường biên giới hải phận luôn giữ vững trong tình trạng hòa bình và hợp tác. Ngoài ra, với hơn 1,3 tỉ dân, Trung Quốc là thị trường khổng lồ và do đó nền kinh tế nước này sẽ mang đến vô số cơ hội cho thế giới trong khi đảm bảo sẽ tiếp tục chiến lược các bên cùng có lợi trong cơ chế kinh tế hiện đại và mở cửa ngày nay. Trong tuần qua, Trung Quốc cũng đã chính thức ký kết bản hiệp ước mậu dịch tự do song phương với Úc sau gần một thập niên thảo luận.
B. Trịnh theo AFP