Dường như lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc trì hoãn tiêm liều thứ 3, ít nhất là đến cuối tháng 9-2021, để các nước đang phát triển có ít nhất 10% dân số được tiêm vắc xin COVID-19, chủ yếu có ý nghĩa biểu tượng. Chính phủ Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… đã quyết định sẽ tiêm vắc xin bổ sung từ tháng 9 năm nay.
Như khi vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả vừa xuất hiện, một lần nữa thế giới đang chứng kiến khoảng cách trong tiếp cận vắc xin giữa nước giàu và nước nghèo. Trong khi các nước giàu đã đặt mua hàng triệu liều để tiêm tăng cường thì nhiều nước khác chỉ có một lượng vắc xin ít ỏi để tiêm cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Nhà giàu không cần chọn
Trong tháng 7-2021, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác của hãng này là BioNTech (Đức) để mua 200 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm cho trẻ em và tiêm nhắc lại với người trước đó đã được tiêm đủ 2 liều. Trước đó, tháng 6-2021, Mỹ cũng mua thêm 200 triệu liều vắc xin COVID-19 của Moderna.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 4-8 cho rằng thời điểm này rất cần “nhường cơm sẻ áo”. “Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ là nhằm bảo vệ người dân trước biến thể Delta. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận việc có những quốc gia sử dụng hầu hết nguồn cung (vắc xin) trên toàn cầu”, ông Tedros nói.
Quan điểm của WHO là các nước giàu có không nên đặt mua thêm vắc xin phòng COVID-19 để tiêm bổ sung cho người dân, vốn đã được tiêm đầy đủ, khi nhiều nước khác vẫn chưa có đủ vắc xin.
Tuy nhiên, Đức, Mỹ, Israel đưa ra lý lẽ của riêng mình. Bộ Y tế Đức cho biết nước này đã ủng hộ ít nhất 30 triệu liều vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo, giúp nhiều người trên thế giới được tiêm vắc xin. Vì lẽ đó, không cớ gì quốc gia này lại để các nhóm dễ bị tổn thương trong nước không được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 để tăng cường sự bảo vệ.
Israel, một trong những quốc gia đầu tiêm tiến hành tiêm bổ sung, cho biết việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 đang diễn ra tại Israel chính là đang một “cử chỉ đẹp” của nước này với thế giới. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết Israel đang làm chuột bạch để thử nghiệm giùm cho thế giới.
Những kết quả rút ra từ việc tiêm mũi vắc xin thứ ba như mức độ hiệu quả của nó, khi nào cần tiêm nhắc lại, ảnh hưởng của nó đến sự lây lan của virus, các ca bệnh nặng… sẽ đóng góp đáng kể vào kho tri thức toàn cầu.
Mỹ, mặc dù chưa quyết định về việc tiêm nhắc lại, cũng không hài lòng với phát biểu của tổng giám đốc WHO. Theo trang The Hill, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tạm thời trung lập vì không muốn những người đang trù trừ chưa chịu tiêm vắc xin trong nước nghĩ rằng vắc xin COVID-19 không hiệu quả nên phải tiêm bổ sung. Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki, cho biết việc WHO đề nghị các nước khoan tiêm nhắc lại là một “lựa chọn sai”.
Mỹ đủ khả năng vừa cung cấp liều vắc xin bổ sung cho người dân trong nước, vừa có thể cung cấp vắc xin cho thế giới nên không cần phải lựa chọn. Cho tới nay, Mỹ là nước tặng nhiều vắc xin COVID-19 nhất trên thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phê duyệt cho tiêm mũi vắc xin thứ 3 phòng bệnh COVID-19 từ ngày 1-7, ưu tiên lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Trong số những người nhận liều thứ 3 có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Trước đó, ông đã được tiêm hai liều vắc xin của Sinovac (Trung Quốc). Israel triển khai tiêm bổ sung liều thứ 3 bằng vắc xin của Pfizer cho người trên 60 tuổi từ ngày 28-7, trong đó người tiên phong trong chiến dịch tiêm liều tăng cường này là Tổng thống Isaac Herzog.
Tại Đức, Bộ Y tế đã đề xuất cho nhóm đối tượng người cao tuổi, bệnh nhân và người già sống trong các nhà dưỡng lão được tiêm mũi thứ 3 từ ngày 1-9 bằng vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech hoặc của Moderna cho dù trước đó đã tiêm vắc xin gì. Pháp cũng lên kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho những người bị suy giảm miễn dịch và người cao tuổi. Thời gian triển khai từ tháng 9 tới.
Trong khi đó, theo truyền hình Telegraph của Anh, nước này dự kiến tiến hành tiêm mũi thứ 3 cho 32 triệu người bắt đầu từ đầu từ khoảng 6-9 đến đầu tháng 12-2021.
Để thực hiện kế hoạch này, Anh đã mua trước 60 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech. Chính phủ Nhật, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hàn Quốc… dự kiến khuyến khích tiêm mũi thứ 3 vào năm 2022, trong khi nhiều nước khác, như Mỹ, đang cân nhắc và có thể sẽ sớm công bố.
Pfizer, Moderna: cần thiết; AstraZeneca: chưa chắc chắn
Chủ tịch Hãng Moderna Stephen Hoge tiết lộ với các nhà đầu tư hôm 5-8 rằng mũi tiêm thứ 3 nhiều khả năng là cần thiết để bảo vệ mọi người được an toàn trong mùa đông. Moderna cho biết mức độ bảo vệ của vắc xin COVID-19 của hãng sau 6 tháng là 93,2% – gần như bằng với thời điểm ngay sau tiêm.
Tuy nhiên, người đã tiêm vắc xin đầy đủ sẽ cần tiêm nhắc lại trước cuối năm nay. Ông Hoge xác nhận biến thể Delta có khả năng làm miễn dịch do vắc xin tạo ra có thể suy yếu.
Trong khi đó, Hãng Pfizer lại cho biết hiệu quả bảo vệ của vắc xin do hãng sản xuất giảm trong vòng 2 – 3 tháng sau tiêm. Vắc xin của Pfizer có hiệu quả 96,2% trong 2 tháng đầu nhưng giảm xuống 90,1% khi sang tháng 4 và còn 83,7% sang tháng 6.
Ông Mikael Dolsten, trưởng bộ phận khoa học của Pfizer, cho biết báo cáo về việc vắc xin của hãng giảm hiệu quả chủ yếu là ở Israel, ở những người đã tiêm vắc xin hồi tháng 1, tháng 2 năm nay. Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả của vắc xin COVID-19 của Pfizer trong việc ngăn ngừa cả lây nhiễm và ca bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% vào tháng 6.
Ông Dolsten cho biết: “Vắc xin Pfizer có hiệu quả cao chống lại biến thể Delta. Nhưng sau 6 tháng, có thể có nguy cơ nhiễm virus do các kháng thể suy yếu”.
Nghiên cứu về mũi tiêm vắc xin thứ 3 sẽ được Pfizer trình lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong tháng tới. Theo đó, liều tiêm thứ 3 tạo ra mức kháng thể cao hơn từ 5 – 10 lần so với sau liều thứ 2. Đây là tín hiệu cho thấy mũi tiêm nhắc lại sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ hứa hẹn. Dữ liệu ở Israel cũng sẽ sớm được công bố.
Số liệu tại Mỹ của Pfizer cho thấy hiệu quả của vắc xin giảm ở người tầm 85 tuổi sau 6 tháng. Mặc dù có giảm về tỉ lệ kháng thể, vắc xin vẫn có hiệu quả bảo vệ trước các ca bệnh nặng. Dolsten cho biết ông tin liều tiêm bổ sung đặc biệt quan trọng ở những người cao tuổi.
Trong khi đó, CEO của Hãng AstraZeneca, Pascal Soriot, cho biết hiện chưa có câu trả lời chắc chắn liệu liều bổ sung có cần thiết để duy trì sự bảo vệ với virus gây bệnh COVID-19 hay không.
Theo ông Soriot, có hai khía cạnh trong khả năng miễn dịch: một là kháng thể suy giảm theo thời gian; nhưng khía cạnh thứ hai, rất quan trọng trong tiêm chủng, là tế bào lympho T. Đây là loại tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể bằng cách tấn công các tế bào đã bị nhiễm bệnh trong cơ thể.
Cơ thể sẽ lưu giữ một vài tế bào lympho T, gọi là “tế bào ghi nhớ”, và nhanh chóng phản ứng nếu gặp lại đúng loại virus đó. “Với công nghệ chúng tôi sử dụng, có lượng tế bào T rất cao.
Hy vọng chúng tôi có thể tạo ra một loại vắc xin bền bỉ có khả năng bảo vệ trong một thời gian dài. Vì vậy, liệu chúng ta có cần đến đợt tăng cường thứ 3 hay không vẫn chưa rõ ràng, chỉ có thời gian mới trả lời được”, Soriot nói.
Với vắc xin Sinovac, từ ngày 11-8, Chile sẽ tiêm bổ sung cho những ai trên 55 tuổi đã tiêm loại vắc xin này trước ngày 31-3 do các nghiên cứu cho thấy hai liều ban đầu không còn hiệu quả sau vài tháng.
Theo Hãng tin Reuters, Chile sẽ tiêm nhắc lại bằng vắc xin AstraZeneca. Indonesia cũng đã tiêm nhắc lại bằng vắc xin của Moderna cho các nhân viên y tế từ tháng 7-2021 và dự kiến sẽ tiêm nhắc lại cho nhiều đối tượng ưu tiên khác.
Thái Lan cũng có kế hoạch tiêm mũi bổ sung bằng vắc xin công nghệ mRNA nhập khẩu cho lực lượng tuyến đầu, những người đã được tiêm vắc xin Sinovac trước khi Thái Lan tự sản xuất được vắc xin AstraZeneca.
Trên toàn cầu, chi tiêu để mua vắc xin và vắc xin nhắc lại từ nay đến năm 2025 có thể lên tới 157 tỉ USD, theo số liệu của Công ty dữ liệu y tế IQVIA Holdings.
Do lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, nhiều người Mỹ đã nói dối bằng nhiều cách khác nhau để tiêm mũi thứ 3 do Chính phủ Mỹ chưa đưa ra khuyến nghị chính thức về việc này.
Theo ông Jared Polis, thống đốc bang Colorado, nhiều người còn sử dụng tên giả để tiêm mũi thứ 3 vì không có hệ thống theo dõi đầy đủ để xác định điều này. Có khoảng trên 900 người đã tiêm liều vắc xin thứ 3 và con số thực tế có thể cao hơn.
Ted Rall, một họa sĩ vẽ tranh biếm họa viết trên tạp chí Wall Street Journal, cho rằng mình tự quyết định sẽ tiêm mũi bổ sung vì bản thân mắc nhiều bệnh nền. “Tôi quyết định tiêm mũi thứ 3 sau khi đọc tin rằng các bang có khả năng vứt bỏ 26,2 triệu liều vắc xin chưa sử dụng” – anh nói.